Nghệ An tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm

Một trong những nhiệm vụ được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

Ba vùng kinh tế trọng điểm thuộc tỉnh Nghệ An gồm: Thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; Vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; miền Tây Nghệ An.

Phát triển thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh: Nhiệm kỳ 2020-2025, tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định số 52/QĐ-TTg, ngày 14/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 827/QĐ-TTg, ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nghệ An tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm ảnh 1 Thành phố Vinh (Nghệ An).

Xây dựng thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, từ đó phát triển thành phố Vinh bao gồm thị xã Cửa Lò và một số xã phụ cận thuộc huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, giàu mạnh, là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực: Thương mại, du lịch, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và đào tạo. 

Phát triển các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc trở thành vệ tinh quan trọng kết nối với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển, hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao phục vụ cho các vùng công nghiệp, đô thị.

Nghệ An tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm ảnh 2 Thị xã Cửa Lò (Nghệ An).

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững. Phát triển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp cơ bản gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò. Tập trung nguồn lực tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kỹ thuật, cảng biển tạo tiền đề thu hút những dự án lớn làm đầu tàu phát triển các ngành kinh tế khác. Tiếp tục tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp đi vào hoạt động và lấp đầy 90% trong các Khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai.

Phát triển vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An: Phát triển kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng; phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp động lực như xi măng, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử...

Nghệ An tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm ảnh 3 Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).

Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Khu công nghiệp Đông Hồi. Tập trung khai thác, nuôi trồng thủy hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các vùng chuyên canh rau, màu theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho thị xã Hoàng Mai.

Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của vùng, như: Kinh tế rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, các sản phẩm đặc sản. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản theo hướng hình thành một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu như: Sữa, chè, các sản phẩm gỗ, cây ăn quả, dược liệu...

Nghệ An tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm ảnh 4 Huyện Con Cuông (Nghệ An).

Khuyến khích phát triển các cơ sở khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường bền vững; tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, tìm hiểu lịch sử, đời sống văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số, làng nghề truyền thống,... Có cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực phát triển thị xã Thái Hòa thành trung tâm của vùng Tây Bắc; xây dựng, phát triển tiến tới thành lập thị xã Đô Lương là đô thị thương mại, dịch vụ và thị xã Con Cuông là đô thị sinh thái, du lịch của vùng Tây Nam.

MỚI - NÓNG