Nghề biển nói to, thuyền trưởng chỉ bạt tai?

Nghề biển nói to, thuyền trưởng chỉ bạt tai?
TP  - Ngược với lời kể của thuyền viên trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta, các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) lại cho rằng họ tự đào tẩu và thuyền trưởng chỉ bạt tai.

> Bốn thuyền viên tố bị hành hạ như nô lệ về nước
> Cứu thuyền viên nước ngoài đau ruột thừa trên biển

Liên quan vụ việc, một lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Nước ngoài (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 10/8, đã chỉ đạo các công ty XKLĐ xác định danh tính thuyền viên và liên hệ với môi giới, chủ tàu để kịp thời giải quyết vụ việc.

Ngày 14/8, làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Phong, Phó Tổng GĐ Cty TTLC cho biết, ngay khi 2 thuyền viên về đến Tân Sơn Nhất, TTLC đã cử cán bộ ra tiếp đón, đưa vào bệnh viện thăm khám. Các bác sỹ cho biết sức khỏe tốt và cả 2 xin được về quê. “Tôi khẳng định thuyền viên không bị đánh đập, hành hạ như nô lệ. Việc thuyền viên tố bị thuyền trưởng lấy móc câu móc vào má cũng không đúng sự thật”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, thuyền trưởng người Đài Loan thường nói rất to, kiểu như quát. Vì anh em thuyền viên Việt Nam hạn chế về tiếng nên cứ nghĩ là bị mắng chửi. “Thực ra, làm nghề đi biển ai cũng nói to. Việc thuyền viên bị bạt tai là có; còn bị hành hạ, đánh đập dã man hay lấy móc câu móc vào má như phản ánh là không đúng”, ông Phong khẳng định.

Ông Phong cũng cho biết, thuyền viên Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh nói không được trả lương là không chính xác. Theo bảng lương được TTLC thanh toán cho người nhà 2 thuyền viên, anh Hậu đã nhận lương đến hết tháng 8/2013 và anh Lê Đình Anh nhận lương đến hết tháng 7/2013.

Cùng ngày, ông Nguyễn Mạnh Tường, GĐ Trung tâm XKLĐ thuộc Cty Servico cho biết, không có chuyện các thuyền viên bị đánh đập hay hành hạ. Lương của các thuyền viên cũng được công ty chi trả đầy đủ.

“Theo hợp đồng ký kết, vì đặc thù, đối tác trả lương theo từng quý nên chậm 3 tháng. Tuy nhiên, công ty thường ứng tiền trước để thanh toán cho người nhà thuyền viên. Hiện, Lê Đình Anh đã nhận lương tháng 6/2013”, ông Tường nói.

Sau khi nhận được chỉ đạo từ Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, các công ty XKLĐ Việt Nam đã đề nghị Cty Môi giới Liên Hiệp (Đài Loan) xác minh vụ việc.

Trong văn bản (cả tiếng Trung và tiếng Việt) gửi cho phía Việt Nam, công ty này khẳng định: Ngày 8/8/2013, tàu Hiệp Đại khi đang lai dắt một tàu bạn về cảng Tahiti, khi dừng tại khu vực thả neo, thuyền trưởng phát hiện có 4 thuyền viên nhảy xuống biển và đã lập tức gọi tàu cứu vớt. Phía Cảng vụ Tahiti sắp xếp cho các thuyền viên về nước. Khi sự vụ xảy ra, trên tàu vẫn còn 7 thuyền viên Việt Nam. Thuyền trưởng đã hỏi có ai muốn về không, các thuyền viên đều đồng ý ở lại”.

Cũng theo ông Tường, các thuyền viên tố làm việc suốt 2 năm trên biển là không chính xác. Thực tế họ chỉ mới đi đánh cá trên tàu Đài Loan được hơn 8 tháng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG