Nghề chăn bò thuê trên đèo Gió Chư Sê

Bò ở xã H’Bông
Bò ở xã H’Bông
TP - Xã H’Bông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã nghèo lại càng tiêu điều khi người dân từng phát hiện trong nước sinh hoạt hằng ngày có đá vôi gây sỏi thận. Nhưng nay xã đã nhộn nhịp với dòng người ở tận An Khê, Bình Định, Phú Yên… tìm đến với nghề nuôi bò.

Hơn 20 km từ đèo Chư Sê hướng lên thị trấn, khắp xã H’Bông đều thấy những trang trại chăn nuôi bò san sát, tập trung chủ yếu ở hai bên quốc lộ 25. Nhiều “đại gia” các huyện Phú Thiện, Ayun Pa, Ia Grai… đến đây đầu tư, thành lập doanh nghiệp chuyên chăn nuôi gia súc lớn. Riêng doanh nghiệp tư nhân Phúc Huy (huyện Phú Thiện) đã lập 35 trang trại chăn nuôi hơn 3.000 con bò tại khu vực này. Tổng số đàn bò trên địa bàn xã H’Bông hiện có gần 6.000 con.

Để chăm đàn bò đông đúc, các chủ trang trại phải thuê hàng trăm người đến làm. Anh Đỗ Thế Hiển, làng Ring 2, xã H’Bông vui vẻ kể: “Gia đình tôi nhận nuôi thuê 40 con bò cho ông Nhân ở H’Bông và được trả công 20 ngàn đồng/con/tháng. Nếu sau một năm, bò mẹ đẻ được 10 con thì mình sẽ được 5 con”.

“Không đủ tiền mua đất sản xuất nên cả nhà tôi đều làm nghề nuôi bò thuê. Tiếng là vất vả nhưng vẫn sướng hơn ở quê. Nhận nuôi hơn 70 con bò thịt của doanh nghiệp Phúc Huy, một năm tôi được trả 300 ngàn đồng/con.

Đến tuổi bán, nếu bò béo, được giá thì ông chủ thưởng thêm cho công nuôi, chăm sóc. Tuy nhiên, tiền công nuôi bò không bằng tiền bán phân bò. Trung bình cứ 3 ngày bán một đợt phân. Góp lại cũng được 4 triệu đồng /tháng”, bà Lê Thị Truyền người nuôi bò thuê kể.

Nỗi khổ xóm bò

Tuy nhiên, nhận nuôi bò thuê đối với những hộ nghèo không phải là chuyện dễ dàng. Khả năng bồi hoàn của người nhận nuôi rất hạn chế, vì không có vốn thế chấp. Mặt khác nhận nuôi bò thuê là người địa phương khác đến nên đa số chủ trang trại tỏ thái độ dè dặt khi “chọn mặt gửi…bò”.

Các hộ nuôi bò thuê cho biết, trước tiên chủ và người nhận nuôi bò phải làm hợp đồng cam kết rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm. Có hai hình thức, nếu nuôi lẻ thì chia theo thỉ lệ 1:1 (tức là “cưa đôi” số bò con do bò mẹ đẻ ra) hoặc nuôi trả công theo số đầu bò. Nếu bò bị chết có nguyên nhân rõ ràng thì chủ bò sẽ chịu. Ngược lại bò bị mất hoặc chết mất xác thì người chăn phải đền bò hoặc tiền.

Kể về những khó khăn của người nhận bò nuôi thuê, bà Bảy Hùng (làng Ring 2) tâm sự: “Nuôi bò, ngày nắng cũng như ngày mưa, tới giờ là phải lùa ra đồng. Bữa nay người ta làm rẫy nhiều nên cực lắm, hễ bò vào ăn hoa màu là bị chặt chân liền”.

Ông Đoàn Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết: “Chính quyền địa phương rất khuyến khích dân tại chỗ bỏ vốn đầu tư nuôi bò để cải thiện kinh tế gia đình; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho bà con từ địa phương khác đến mở trang trại, tạo công ăn việc làm cho các gia đình thiếu đất sản xuất hay không có vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp”.

MỚI - NÓNG