Nghề săn gốc cây cổ thụ ở Sapa

Những gốc cây này được bày bán ngay trên đường để bán cho du khách lên Sapa du lịch.
Những gốc cây này được bày bán ngay trên đường để bán cho du khách lên Sapa du lịch.
Ở Trung Chải (Sapa, Lào Cai) gần đây xuất hiện nhiều nhóm thợ vào rừng tìm gốc cây chết đã bị vùi dưới đất hàng chục năm để đem bán với giá bạc triệu. 

Nghề săn gốc cây của người dân xã Trung Chải bắt nguồn từ những chuyến đi rừng đốn củi. Thấy gốc cây khô có hình thù lạ, họ gùi về để ở trước sân làm cảnh. Nhiều khách du lịch thích thú khi thấy những gốc cây lạ mắt nên bỏ tiền ra mua. Thấy vậy, người dân các bản kháo nhau đi tìm gốc cây như thế về bán cho khách du lịch. Hiện nay, xã Trung Chải đã có 5 tốp thợ chuyên vào rừng săn gốc cây.

Hầu hết gốc cây đó đều là cổ thụ lâu năm đã chết như lim, trầm, sến, táu... Trải qua thời gian, nhiều gốc cây từng nằm sâu trong lòng đất nhiều năm dần lộ ra. 

Giá của mỗi gốc cây cổ thụ tùy vào độ tuổi của cây, gốc to hay nhỏ, mức độ hóa thạch. Theo những người thợ, giá thấp nhất của một gốc cây cổ thụ có dáng thế là 1 triệu đồng, gốc đẹp có thể lên tới cả chục triệu đồng. Những gốc cây này có thể đem về làm cảnh, bàn uống trà trong sân vườn hay bàn cờ, ghế ngồi trong phòng khách.

Anh Đặng Ngọc Tân (Hà Nội) chia sẻ: "Năm nào, tôi cũng lên Sapa du lịch nhưng mục đích chính vẫn là tới xem có gốc cây nào đẹp để mua. Chúng có vẻ đẹp tự nhiên cùng giá trị nghệ thuật cao".

Nghề săn gốc cây cổ thụ ở Sapa ảnh 1

Gốc cây có hình thù như ngọn lửa được ra giá 4 triệu đồng.

Chỉ với những dụng cụ đơn giản như cuốc, thuổng, dây thừng và dao đi rừng, từng nhóm 5-7 người có thể băng rừng vượt thác để săn về những gốc cây mang hình thù kỳ quái. Ngoài ra, người thợ còn phải mang theo lương thực thiết yếu như gạo, ngô, sắn và nước uống đủ dùng cho cả tháng xuyên rừng.

Anh Lò A Chứ mới ngoài 30 tuổi đã là tay săn gốc cây có tiếng trong vùng. Anh chia sẻ, có lúc nhóm anh phải ở lại trong rừng cả tháng mới kiếm được 1- 2 gốc cây ưng ý. Cũng có chuyến đi cả nửa tháng, anh không có được chiến lợi phẩm nào.

"Người thợ săn gốc cây phải có kinh nghiệm đi rừng, nhanh nhẹn, con mắt tinh tường, đặc biệt phải có sức khỏe dẻo dai, vì mỗi chuyến đi rừng có thể kéo dài cả tháng", anh A Chứ cho biết.

Con đường mà anh A Chứ đi tìm gốc cây lúc phải luồn lách qua những lùm cây rậm rạp, khi thì chui qua hang đá chỉ vừa một người. Đi hết nửa ngày, cuối cùng nhóm thợ săn cũng tới được chỗ có một gốc cây 70 năm tuổi nhô một nửa lên mặt đất.

Để đào gốc cây lên, nhóm đi rừng của A Chứ phải mất một ngày. Quá trình đào bới đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và sự tỉ mỉ. Chỉ cần không tập trung, họ có thể làm vỡ, sứt mẻ gốc cây khi đào lớp đất đá xung quanh. Sau đó, cả nhóm thợ lại mất cả tuần để vận chuyển về dưới bản bán cho khách sành chơi.

Nghề săn gốc cây cổ thụ ở Sapa ảnh 2

Những gốc cây có hình thù kỳ quái tốn nhiều công sức tìm kiếm của người thợ săn.

Mỗi chuyến đi rừng nhóm thợ gặp vô số hiểm nguy. Không ít người vì không quen trong rừng sâu mà bị sốt rét, suýt bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Năm 2005, anh A Pao, em trai của anh A Chứ, đã bị sảy chân khi leo vách núi để tìm gốc cây cổ thụ. Tới giờ, gia đình vẫn chưa tìm thấy tung tích của anh.

Cũng ở xã Trung Chải, anh A Châu và A Lang bị nước lũ cuốn trôi trong đêm tối. Hai anh em cùng 5 người trong nhóm ngủ lại trong rừng, ngay cạnh con suối nhỏ. Bất ngờ nước lũ ập tới cuốn trôi hai anh em. Từ đó, những người thợ trong bản không bao giờ dám đi rừng vào mùa mưa bão. Họ cũng luôn cảnh giác với từng bước đi, từng viên đá mà họ qua.

Có những lần, đội của anh A Chứ đi rừng lâu quá, hết sạch lương thực mang theo. Vì đã đi xa bản nên họ không thể quay về, đành đi đào măng rừng và hái nấm ăn.

Anh A Chứ cho biết thêm, nghề đi săn gốc cây không giàu được nhưng cũng có chút tiền dư giả phòng khi đau ốm, bệnh tật.

Chủ tịch xã Trung Chải cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc vận động người dân không nên vào rừng tìm kiếm gốc cây cổ thụ vì nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, sau đó người dân trong xã vẫn tự ý vào rừng sâu bất chấp hiểm nguy rình rập".

Theo Hải Triều

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.