Nghị quyết tháo dỡ biệt phủ: 'Không thể thích bãi là bãi, bỏ là bỏ'

Biệt phủ xây trái phép của đại gia vàng trên rừng đặc dụng Hải Vân. Ảnh: Minh Tuấn.
Biệt phủ xây trái phép của đại gia vàng trên rừng đặc dụng Hải Vân. Ảnh: Minh Tuấn.
TP - Việc Đà Nẵng tạm dừng việc thực thi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng về việc tháo dỡ biệt phủ sai phạm của ông Ngô Văn Quang, có đúng hay không?

Liên quan đến việc Đà Nẵng tạm dừng việc thực thi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng về việc tháo dỡ biệt phủ sai phạm của ông Ngô Văn Quang, một đại biểu Quốc hội là Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Nghị quyết của HĐND có giá trị pháp lý cao và chỉ Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền yêu cầu bãi bỏ hoặc tạm dừng thực hiện.

Muốn dừng hoặc bãi bỏ Nghị quyết thì trước đó các cơ quan tham mưu cho Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có tờ trình làm rõ vì sao phải dừng thực hiện; Nghị quyết đó có trái với Hiến pháp và các luật mà Quốc hội đã ban hành ra hay không. “Việc dừng, hoặc bãi bỏ nghị quyết là rất chặt chẽ, đúng quy trình chứ không phải là thích bãi là bãi, thích bỏ là bỏ. Mọi thứ phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc của pháp luật”, vị đại biểu trên nói.

Theo vị đại biểu trên, khi dừng thực hiện thì trước hết Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có văn bản chỉ đạo HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng tạm dừng thực hiện. Còn nếu Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có văn bản yêu cầu thì UBND TP Đà Nẵng, các đơn vị có liên quan vẫn phải chấp hành và thực hiện nghiêm những yêu cầu mà Nghị quyết của HĐND đã đặt ra.

Cũng theo vị đại biểu trên, trong trường hợp Thủ tướng hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy Nghị quyết về việc tháo dỡ biệt phủ trái Hiến pháp, trái luật thì có thể quyết định dừng thực hiện, bãi bỏ, hoặc  yêu cầu sửa đổi. Khi nhận được yêu cầu trên, HĐND sẽ phải tổ chức một cuộc họp để xem xét và thông qua Nghị quyết mới về việc bãi bỏ hoặc sửa đổi Nghị quyết cũ. Sau khi Nghị quyết được thông qua thì lúc đó Nghị quyết cũ mới chính thức hết hiệu lực. “Trong vụ việc này tôi thấy, Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng về việc phá dỡ biệt phủ trên rừng Hải Vân là đúng quy trình của pháp luật nên không có cớ gì để tạm dừng hoặc bãi bỏ nó cả. Khi nó còn hiệu lực thì phải chấp hành, nếu không sẽ làm mất đi tính hiệu lực mà những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua”, vị đại biểu trên nói.

Thanh tra Chính phủ đề nghị TP Đà Nẵng khẩn trương xử lý

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy vừa ký văn bản số 3553/TTCP-C.II gửi UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu khẩn trương xem xét, giải quyết vụ việc của ông Ngô Văn Quang theo đúng quy định của pháp luật. Thanh tra Chính phủ cho biết, đã nhận được đơn của ông Ngô Văn Quang (địa chỉ: Tổ 2, phường Hiệp Hòa Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) về việc xử lý đối với công trình xây dựng của ông; đồng thời Thanh tra Chính phủ cũng nhận được Văn bản số 1321 ngày 12/10/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường về việc giải quyết đơn của ông Ngô Văn Quang. Thanh tra Chính phủ khẳng định: Trên cơ sở báo cáo ngày 30/11/2015 của Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ và các quy định của pháp luật thì vụ việc của ông Ngô Văn Quang thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố Đà Nẵng!

Như Tiền Phong đã thông tin, ông Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty TNHH Phước Minh) đã xây dựng trái phép biệt phủ trên đất rừng Hải Vân. HĐND thành phố Đà Nẵng đã có nghị quyết yêu cầu phá dỡ, xử lý nhưng một số cơ quan chức năng khác của Đà Nẵng lại cố tình dây dưa, cho rằng chưa thể xử lý vì phải chờ ý kiến của Trung ương, gây bất bình trong dư luận…

Thường trực HĐND TP Đà Nẵng họp khẩn, ông Trần Thọ khẳng định: “Không có chuyện tiền hậu bất nhất”

Chiều 3/12, Thường trực HĐND đã có cuộc họp khẩn chủ yếu trao đổi xung quanh vụ việc UBND thành phố ra văn bản tạm dừng thực hiện tháo dỡ biệt phủ trái phép trên rừng Hải Vân mà Tiền Phong đề cập. Ông Trần Thọ - Chủ tịch HĐND khẳng định, Nghị quyết của HĐND đã được thông qua và phải được thực thi. “Nghị quyết không trái luật, đang có hiệu lực. Tôi xin khẳng định không có chuyện tiền hậu bất nhất. Pháp luật phải được thực thi” – ông Trần Thọ cũng cho rằng, UBND thành phố đã ra văn bản trái với Nghị quyết. HĐND thành phố đã ra Nghị quyết thì không có chuyện tiền hậu bất nhất, Thanh tra Chính phủ có vào làm việc là chuyện của họ. HĐND vẫn đang giám sát những động thái thực thi của UBND” – ông Thọ nói.

 Nam Cường 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.