Nghĩ về Trường Sa

Nghĩ về Trường Sa
TP - Sau 34 năm giải phóng, quần đảo Trường Sa đến nay được nhận định là có thể phát triển kinh tế và có nhiều tiềm năng trở thành những điểm nhấn ý nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế biển.

Nhiều chuyên gia của Bộ KH&ĐT sau chuyến thăm Trường Sa đã khẳng định vấn đề này. Phát triển kinh tế biển đã được ghi trong nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó, kinh tế biển đảo sẽ chiếm 40 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ngẫm về chiến lược kinh tế, đến năm 2020, GDP tăng gấp ba lần hiện tại, vùng biển đảo có diện tích gấp ba lần đất liền cũng cần đặt mục tiêu nâng cao dần giá trị kinh tế ngay từ bây giờ.

Trong tổng thể kinh tế biển đó, Trường Sa có thể đóng góp ra sao? Hầu hết các đảo ở Trường Sa đều đẹp, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, các nhà kinh tế đã nhìn ra xu thế phát triển kinh tế với những lĩnh vực rất cụ thể, đặc biệt là du lịch và phát triển đánh bắt thủy sản…

Về du lịch, một chuyên gia cao cấp của Bộ KH&ĐT cho biết, ông hình dung, khi nhà nước đầu tư, mở cơ chế chính sách, luật pháp cụ thể thì, trong tương lai không xa, du khách có thể đi thăm Trường Sa bằng tàu, máy bay. Tại đó, họ có thể tận hưởng những gì đẹp nhất thuộc về biển, đi câu cá, du lịch mạo hiểm.

Bên cạnh du lịch, tiềm năng phát triển đánh bắt nuôi trồng thủy sản cũng rất lớn. Ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt hải sản quanh đảo song thực tế vẫn còn rất ít tàu đánh cá có đủ công suất, khả năng khai thác chế biến, bảo quản liên hoàn để bám biển dài ngày, bắt được cá ngừ to…

Để phát triển lĩnh vực này, các chuyên gia đang nghĩ đến việc tư vấn các bộ ngành để cùng nhau tạo những điểm nhấn mới về kinh tế trên quần đảo Trường Sa.

Đây là cách nhìn mới, cụ thể hóa chính sách về biển đảo. Làm chủ biển đảo sẽ phù hợp khi đồng thời với tinh thần làm chủ là kế hoạch phát triển kinh tế cả trong ngắn hạn và tương lai xa.

Ví như với nghề cá, ngư dân hẳn mong muốn có những đội tàu được định vị vệ tinh, có chứng nhận cấp quốc gia đi làm kinh tế biển ở nơi này. Tại hai đầu đi (đất liền) và đến (Trường Sa), tất cả các đội tàu này được tiếp cận đầy đủ dịch vụ hậu cần nghề cá, nước ngọt, phương tiện chế biến…Với doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch ở nơi đây, cũng cần có chính sách mới và táo bạo hơn.

Có ý kiến cho rằng, một khi những người đầu tư phát triển kinh tế ở Trường Sa cần được coi là làm việc cho quốc gia thì chính sách giảm thuế, công cụ lãi suất, mua bảo hiểm, thậm chí khoanh nợ, giãn nợ (nếu thiên tai xảy ra) cần được áp dụng ưu đãi tối đa.

Với nhân lực cho kế hoạch phát triển kinh tế, cũng cần có chính sách cụ thể để thanh niên góp mặt. Chẳng hạn, có thể cấp giấy chứng nhận đối với thanh niên có thời gian làm kinh tế ở Trường Sa kèm theo những ưu đãi cụ thể sau khi họ trở về đất liền; và những người có giấy chứng nhận được ưu tiên xuất khẩu lao động hoặc vào làm việc tại các doanh nghiệp v.v…

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.