Nghỉ việc ảo để hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nghỉ việc ảo để hưởng trợ cấp thất nghiệp
TP - Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sau một năm (kể từ 1-1-2010) thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng người lao động nghỉ việc ảo để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

> Giải quyết việc làm cho gần 60.000 lao động

Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, trung bình hằng năm, nhu cầu tuyển dụng lao động tỉnh này khá lớn (khoảng trên 50 ngàn lao động). Trong khi đó, riêng năm 2010, số lao động trên địa bàn tỉnh đến Trung tâm giới thiệu việc làm đăng ký thất nghiệp đã lên tới hơn 49 ngàn người. Điều này cho thấy, làn sóng thất nghiệp ảo trên địa bàn Bình Dương khá lớn.

Nhiều lao động không thất nghiệp vẫn tự ý xin nghỉ việc khi đã có đủ 12 tháng đóng BHTN để được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Hiện tượng này đã khiến các doanh nghiệp luôn trong tình trạng bất ổn về lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Được biết, tình trạng này không chỉ xuất hiện ở Bình Dương mà đang xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai…

Theo ông Lê Quang Trung, hiện nay, quy trình thực hiện chi trả trợ cấp BHTN còn quá lòng vòng và phức tạp. Các quy định về thời gian đăng ký thất nghiệp chưa hợp lý. Quy định về thời gian đóng BHTN hiện cũng không còn phù hợp vì người lao động dễ lợi dụng để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Phạm Minh Thành - Phó Giám đốc BHXH Đồng Nai cũng cho rằng, với quy định một khoảng thời gian đóng BHTN dài cùng được hưởng một thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là cào bằng. Quy định này dễ xảy ra trường hợp, người lao động sau một năm làm việc, tìm cách nghỉ việc tạm thời, sau đó đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Phạm Minh Thành, việc quy định các đơn vị thuộc đối tượng tham gia BHTN phải có từ 10 người lao động trở lên chưa thể hiện được sự công bằng đối với đơn vị có 9 người lao động và những người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ (dễ mất việc hơn các doanh nghiệp vừa và lớn).

Mặt khác, đây cũng là điều kiện dễ nảy sinh hiện tượng lách luật, trốn đóng BHTN của các đơn vị (khai giảm người lao động - PV), dẫn đến việc đánh giá tỷ lệ tham gia BHTN không chính xác. “Nên quy định tất cả các đơn vị, cá nhân có thuê mướn người lao động làm việc thường xuyên đều được tham gia BHTN” - ông Thành nói.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Nguyễn Thanh Hòa cho biết, trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu để đề nghị sửa đổi Luật BHTN đảm bảo chi trả BHTN đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến hết tháng 2-2011, có khoảng hơn 176.000 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp trên tổng số hơn 225.000 người đăng ký thất nghiệp với tổng kinh phí 544 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2010, toàn quốc có hơn 7 triệu người tham gia BHTN (chiếm 75% số lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc). 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG