Nghĩa tình ở nghĩa trang Bình An

Cổng vào nghĩa trang Nhân dân Bình An.
Cổng vào nghĩa trang Nhân dân Bình An.
TP - Suốt bao năm qua, hàng nghìn nấm mộ vô danh không còn thân nhân lui tới của binh lính chế độ cũ tại nghĩa trang Quân đội Biên Hoà, nay là nghĩa trang nhân dân Bình An (phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đang được tận tâm chăm sóc bởi những “người dưng”. 

Gần 10.000 mộ vô chủ

Một ngày cuối tháng tư, giữa cái nóng như thiêu đốt, chúng tôi trở lại nghĩa trang nhân dân Bình An (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đắm mình trong không gian mát rượi dưới tán những cây cổ thụ xum xuê. Từ ngày chuyển giao chính quyền địa phương quản lý, nơi an nghỉ của những người lính bên kia chiến tuyến đã có nhiều đổi thay. Các chốt gác quân sự không còn. Cổng nghĩa trang luôn mở rộng đón khách thập phương. Thân nhân, du khách vào nghĩa trang được tự do đi lại tham quan, gặp gỡ… 

Ông Lê Ngọc Thuận, trưởng BQL cho biết nghĩa trang có trên 18.000 ngôi mộ, trong đó hơn một nửa là mộ vô danh. Chính quyền Sài Gòn lúc chôn cất tử sỹ chỉ đắp một nấm đất, mộ chí tạm là thanh gỗ nhỏ ghi vài thông tin sơ sài, sau vài ba năm mới cho xây cất tươm tất. Vì lẽ đó, nhiều gia đình không an tâm tự bỏ tiền xây mộ cho người thân. Chỉ một số tử sĩ quê xa hoặc thân nhân quá nghèo không có điều kiện đi lại đành phó thác việc xây cất mộ cho chính quyền.

Năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nhiều tướng tá đưa gia đình di tản ra nước ngoài, không thực hiện cam kết xây “mồ yên, mả đẹp” cho các “chiến hữu”. Khoảng 10.000 nấm mộ lính bị bỏ rơi và mai một dần theo thời gian. Mộ chí hư hỏng. Nhiều nấm mộ thất lạc hoặc trở thành mộ vô danh. Mộ vô danh thành mộ vô chủ từ đó. Không người coi sóc, mộ tử sĩ ngày càng nguội lạnh, dây leo um tùm, cỏ mọc quá đầu người… Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ.

Chiều xuống, nghĩa trang như càng tĩnh mịch, thâm u, dù chỉ cách trung tâm thành phố non hai chục cây số. Thấp thoáng giữa rừng bia mộ, nhóm thợ nề đang tranh thủ trộn vữa, tiếng trao đổi lao xao, văng vẳng. Ông Thuận nói ngày thường nghĩa trang thường vắng vẻ, thi thoảng mới có khách phương xa đến thăm viếng. Nơi này chỉ nhộn nhịp vào dịp cận tết và tiết thanh minh. Thân nhân từ các nơi tìm đến tảo mộ, hương khói nghi ngút cho người thân.

Ông Thuận đưa chúng tôi đi tham quan đài hương, các khu mộ bằng xe gắn máy. Nghĩa trang rộng gần 30 ha, lội bộ mỏi chân có khi chưa hết một vòng. Từ ngày xí nghiệp công trình công cộng thị xã Dĩ An tiếp quản, nơi an nghỉ của các tử sĩ được chăm sóc chu đáo hơn. Các lối đi rợp bóng mát, hoa và mảng xanh khu vực đài hương cũng được các công nhân chăm chút, cắt tỉa thường xuyên. Dây leo, cỏ dại trong các khu mộ được phát dọn sạch sẽ. An ninh trật tự được đảm bảo. Thân nhân và khách tham quan được yêu cầu cung cấp một số thông tin cá nhân cần thiết như danh tính, địa chỉ, số điện thoại liên hệ… để thuận tiện trong việc tra cứu sau này.

“Thân nhân các tử sĩ khi đến đây hầu hết có thái độ lịch sự, niềm nở. Nhiều người còn chủ động để lại thông tin nhờ nghĩa trang ráp nối tìm kiếm thân nhân, bạn bè thất lạc sau ngày giải phóng. Chỉ có một số ít người cố tình đến đây để thực hiện các hành vi khơi gợi quá khứ, kích động thù hằn dân tộc, rồi quay clip tung lên mạng”, ông Thuận cho biết.

 Nghĩa tình ở nghĩa trang Bình An ảnh 1 Ngày càng có nhiều mộ vô danh được chăm sóc và xây dựng tươm tất.

Nghĩa tử, nghĩa tận

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nghĩa trang quân đội Biên Hoà đóng cửa và được đổi tên thành Nghĩa trang nhân dân Bình An. Suy cho cùng, những tử sĩ đang nằm đây cũng là đồng bào mình, là con em của nhân dân mình. Có ba viên sỹ quan cấp tướng được chôn cất tại đây. Mộ ông Ðỗ Cao Trí (đại tướng) đã được thân nhân cất bốc về quê, chỉ còn mộ ông Nguyễn Văn Phước (thiếu tướng) và ông Nguyễn Huy Ánh (chuẩn tướng).

Chúng tôi gặp vợ chồng ông Sáu (54 tuổi, quê Ðiện Bàn, Quảng Nam) đèo nhau bằng xe máy đến thăm anh trai, trung sỹ Trần Ngọc Bốn tử trận tháng 4/1974. Mộ trung sỹ Bốn đã được gia đình xây lại tươm tất. Năm 2006, ông Sáu trở lại tìm anh thì bia mộ không còn nữa. May mắn là lúc chôn cất, gia đình ông đặt vài viên đá lên mộ đánh dấu. Từ sơ đồ và các thông tin BQL nghĩa trang cung cấp, ông Sáu may mắn tìm được mộ anh trai lẫn khuất giữa hàng nghìn nấm mộ đất đã nhạt nhoà. “Vợ chồng tôi nhờ bà con ở đây coi sóc vì ở xa, lâu lâu mới vào được. Bà con coi sóc rất đàng hoàng, xây mộ đúng giá. Người nhà muốn tự xây mộ cũng không bị gây khó dễ. Thân nhân bồi dưỡng bao nhiêu, họ nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi”, ông Sáu cho biết.    

 Nghĩa tình ở nghĩa trang Bình An ảnh 2 Ông Sáu bên mộ anh trai.

Từ những người đang chăm sóc mộ, có không ít trường hợp tử sĩ bị thất lạc được “đoàn tụ” với người thân. Trường hợp trung sỹ Trần Văn Tám là một ví dụ. Ngày ông Tám tử trận, chị Trần Hồng Nga (sinh năm 1973 ngụ quận 4, TPHCM) con ông mới ba tuổi. Chiến tranh, loạn lạc liên miên không ai biết thân xác ông nằm ở đâu. Một lần lên nghĩa trang Bình An tảo mộ cho cậu ruột, chị Nga nhờ ông Ðỗ Ngọc Ẩn, một người chăm sóc mộ tìm giúp. Hàng ngày, ông Ẩn lặn lội tra cứu, dò tìm từng hàng mộ và cuối cùng đã tìm thấy trung sỹ Tám đang nằm ở khu I.

Ông Thuận cho biết ngoài tổ xây mộ, cất bốc hài cốt, nghĩa trang nhân dân Bình An hiện có một tổ 40 người, hầu hết đang sinh sống cạnh nghĩa trang làm công việc chăm sóc mộ. Mỗi người được giao phụ trách một khu vực. Mỗi năm một lần, mộ đất được đắp lại nấm và phát dọn cỏ sạch sẽ. Mộ xây được quét vôi, sơn lại thông tin trên bia... Công việc này hoàn toàn thiện nguyện. 

Thân nhân các tử sĩ, đặc biệt là những trường hợp thất lạc còn cảm thấy ấm lòng hơn vì ngày càng nhiều mộ vô danh được xây dựng tươm tất bằng những tấm lòng hảo tâm. Theo thống kê của BQL nghĩa trang, đến nay đã có gần 3.000 mộ đất được xây mới. Ngậm ngùi thương cảm cho những người lính vắn số bị thân nhân bỏ rơi, nhiều người đã vận động bạn bè, người thân đóng góp kinh phí xây mộ. Một số thân nhân khi xây mộ, cất bốc hài cốt tử sĩ cũng tự nguyện bỏ tiền túi xây lại các mộ đất xung quanh.      

Chúng tôi lên đài hương thắp hương cho những tử sĩ. Từ nơi này phóng tầm mắt có thể quan sát toàn cảnh nghĩa trang. Kiến trúc sư Lê Văn Mậu có lẽ là người am hiểu Ðạo giáo, Kinh Dịch và triết học thái cực ngũ hành, thiết kế nghĩa trang theo trận đồ bát quái với đài hương ở trung tâm, 8 khu mộ ở 8 hướng, ứng với 8 quẻ càn, đoài, ly, chấn,… song, dẫu càn khôn biến đổi, sự sụp đổ của chính quyền và quân đội Sài Gòn là không tránh khỏi.

Chiều muộn, rời nghĩa trang Bình An trở về thành phố, chúng tôi men theo con lộ Thống Nhất, qua nghĩa trang liệt sỹ TPHCM… chợt thấy lòng nặng trĩu. Hàng vạn, hàng triệu người ở cả hai bên chiến tuyến đã nằm xuống. Có cuộc chiến tranh nào mà không tàn khốc, không để lại nỗi đau cho hậu thế? Chỉ biết rằng, nơi đây “vết sẹo” chiến tranh đang ngày càng lành lại. Tình người, tình đồng bào của một nước Việt Nam thống nhất đang hiển hiện rõ nơi đây - Nghĩa trang Bình An.

Chiều muộn, rời nghĩa trang Bình An trở về thành phố, chúng tôi men theo con lộ Thống Nhất, qua nghĩa trang liệt sỹ TPHCM… chợt thấy lòng nặng trĩu. Hàng vạn, hàng triệu người ở cả hai bên chiến tuyến đã nằm xuống. Có cuộc chiến tranh nào mà không tàn khốc, không để lại nỗi đau cho hậu thế? Chỉ biết rằng, nơi đây “vết sẹo” chiến tranh đang ngày càng lành lại. Tình người, tình đồng bào của một nước Việt Nam thống nhất đang hiển hiện rõ nơi đây.

Nghĩa trang nhân dân Bình An hiện có một tổ 40 người, hầu hết đang sinh sống cạnh nghĩa trang làm công việc chăm sóc mộ. Mỗi người được giao phụ trách một khu vực. Mỗi năm một lần, mộ đất được đắp lại nấm và phát dọn cỏ sạch sẽ. Mộ xây được quét vôi, sơn lại thông tin trên bia... Công việc này hoàn toàn thiện nguyện.  

MỚI - NÓNG