Nghĩa vụ dân quân tự vệ: Chỉ nên bốn năm

Nghĩa vụ dân quân tự vệ: Chỉ nên bốn năm
TP- Thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ chỉ nên kéo dài bốn năm, không nên để mức năm năm như hiện nay.
Nghĩa vụ dân quân tự vệ: Chỉ nên bốn năm ảnh 1
Thanh niên trẻ xã Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ lên đường trong ngày hội tòng quân. Ảnh: Tùng Duy

Cũng có ý kiến cho rằng, cần phải có quy định cụ thể tránh biến lực lượng tự vệ thành lực lượng vũ trang riêng.

Đại biểu Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) cho rằng, nhiều ý kiến đề nghị thời gian thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ là năm năm nhưng thực tế, theo tính toán của ông, bốn năm là thời gian cần thiết và đủ để đào tạo các chiến sĩ dân quân tự vệ thuộc lực lượng nòng cốt.

Ông cũng gợi ý lực lượng này có thể sẽ phải tham gia cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư dân đánh bắt cá trên biển.

Khá nhiều đại biểu cũng cho rằng, nên phục hồi lại quỹ an ninh quốc phòng nhưng cần có sự thống nhất trong cách sử dụng, thu và chi của quỹ này.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh việc thu quỹ an ninh quốc phòng theo như dự thảo chưa rõ và cần xem xét lại. “Việc thu quỹ nhằm giúp giáo dục, nâng cao trách nhiệm của người dân, các tổ chức trên toàn quốc trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng” - Ông nói.

Đề phòng biến thành lực lượng riêng

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nêu ý kiến: Trước đây, các doanh nghiệp đều trực thuộc nhà nước nay có thêm nhiều hình thức doanh nghiệp khác và các công ty nước ngoài. Vị thế của tổ chức đảng ở các doanh nghiệp này không được như các tổ chức đảng ở các doanh nghiệp nhà nước.

“Liệu các tổ chức này có trở thành lực lượng vũ trang riêng của doanh nghiệp không? Các doanh nghiệp nước ngoài ở những vùng nhạy cảm bằng nhiều cách biến lực lượng tự vệ này thành lực lượng của mình sẽ rất khó khăn. Đề nghị thành lập lực lượng tự vệ theo khu vực lãnh thổ. Lực lượng do đảng bộ địa phương đó quản lý” - Ông Thuyết nói. 

Cơ quan nào quản lý cơ yếu?

Hôm qua, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Cơ yếu. Thảo luận về dự luật, các đại biểu quan tâm đến việc giao cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động cơ yếu.

Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) và một số đại biểu khác cho rằng, hoạt động này có tổ chức nghiêm ngặt, theo đó, nên để Ban Cơ yếu là cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ.

Có đại biểu đề nghị đổi tên Ban Cơ yếu thành Tổng cục Cơ yếu. Đại biểu Trần Văn Thức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị giao trách nhiệm quản lý hoạt động này cho Bộ Công an giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước.

Nếu chuyển cơ yếu về Bộ Công an, sẽ không cần phải sửa đổi, bổ sung Luật An ninh Quốc gia và Pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước.

Đại biểu Lê Quang Xuân (Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc chuyển Ban Cơ yếu về một trong hai bộ là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ phù hợp hơn là Bộ Nội vụ như hiện nay.

MỚI - NÓNG