Nghiên cứu sử dụng huyết tương điều trị COVID-19

Huyết tương đang được thử nghiệm để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh minh họa
Huyết tương đang được thử nghiệm để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh minh họa
TP - Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp với số ca tử vong ngày càng tăng cao. Tuy nhiên vẫn chưa có vắc-xin, kháng thể hay thuốc đặc trị cho SARS-CoV-2. Trong các tình huống cấp bách như hiện nay, các bác sĩ cùng với các nhà khoa học đã phải tiến hành thử nghiệm các phương pháp khác nhau, trong đó của phương pháp điều trị bằng huyết tương từ người bệnh đã hồi phục.

Liệu pháp mới tiềm năng

Các chuyên gia y tế Việt Nam vừa họp bàn về việc sử dụng huyết tương người đã được điều trị khỏi bệnh để xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng nhằm tăng thêm công cụ điều trị. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, công tác điều trị cho người bệnh COVID-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn khó khăn do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin phòng ngừa. Tất cả đều đang nghiên cứu và thử nghiệm các phương pháp chữa bệnh.

Việt Nam đang thử nghiệm các phương pháp điều trị của các nước trên thế giới đang thử nghiệm như sử dụng thuốc điều trị HIV hay thuốc chống sốt rét Chloroquine trong điều trị COVID-19… Sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 cũng là một liệu pháp mà thế giới đang thử nghiệm và Việt Nam cũng đang đi theo hướng này.

Nghiên cứu sử dụng huyết tương điều trị COVID-19 ảnh 1  

Theo các chuyên gia, trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc sử dụng huyết tương người điều trị khỏi bệnh cần được xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng nhằm tăng thêm công cụ cho thầy thuốc điều trị người bệnh, đặc biệt là những trường hợp tiến triển nặng và bệnh nặng. Điều quan trọng nhất trong Hướng dẫn này là lựa chọn người hiến huyết tương như thế nào và vấn đề sử dụng huyết tương. Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn việc hiến huyết tương của người điều trị khỏi bệnh COVID-19 cũng được đặt lên hàng đầu để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm SAR-CoV-2 và các tác nhân gây bệnh khác cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Việc lấy huyết tương trước mắt chỉ giao thực hiện ở các trung tâm lớn có các chuyên gia hàng đầu, đủ điều kiện như Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM. Các đơn vị được giao nhiệm vụ phải phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và các Viện Pasteur đảm bảo lấy huyết tương đúng quy trình chuyên môn và nồng độ kháng thể. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện phải đảm bảo công tác an toàn sinh học trong tất cả các quy trình; vận động người hiến và có chính sách giúp đỡ, động viên với người tham gia tình nguyện hiến huyết tương hồi phục.

Điều trị cho bệnh nhân nặng

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, cho biết: “Huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh có chứa kháng thể với hiệu quả cao chống lại SARS-CoV-2; khi truyền vào cơ thể bệnh nhân nặng (tải lượng virus cao), kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ diệt virus. Khi người tham gia hiến (tương tự hiến tiểu cầu), sẽ có máy tách lấy huyết tương. Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư hoàn toàn làm chủ công nghệ, quy trình chiết tách điều chế huyết tương, tương tự như đã sản xuất các chế phẩm máu trong nhiều năm qua”.

TS Khánh cũng lưu ý, sức khỏe của người hiến huyết tương cần có tiêu chuẩn để việc tiếp nhận, điều trị COVID -19 đạt hiệu quả. “Do đó, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang nghiên cứu trên các bệnh nhân COVID -19 đã khỏi bệnh, xác định mức độ kháng thể như thế nào, tồn tại bao lâu, khi nào kháng thể đạt mức cao nhất, cũng như khả năng kháng thể đó trung hòa vi rút đến mức độ nào khi được sử dụng điều trị”, TS Khánh cho biết.

Theo Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, một số quốc gia đã thử nghiệm điều trị bệnh nhân nặng mắc COVID -19 bằng huyết tương được lấy từ người bệnh đã điều trị khỏi, bước đầu có hiệu quả. Đây là biện pháp mới cần được nghiên cứu đảm bảo chất lượng trong quá trình xử lý, bảo quản, cung cấp, đến việc chỉ định hợp lý.

“Để làm được, cần vận động người khỏi bệnh tham gia hiến huyết tương. Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng hàng loạt. Chỉ với bệnh nhân có chỉ định, các bác sĩ mới tiếp nhận huyết tương từ người hiến, điều chế và chuyển đến đơn vị điều trị. Do đó, chúng ta không lưu trữ huyết tương này”, TS Bạch Quốc Khánh khuyến cáo.

Liệu pháp huyết tương từ người bệnh đã hồi phục là phương pháp truyền huyết tương của người đã khỏi bệnh COVID-19 cho người đang mắc bệnh hoặc người có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh COVID-19. Khi mắc COVID-19, cơ thể người bệnh sẽ sản xuất ra kháng thể để chống lại virus. Kháng thể được tiết ra bởi tế bào B và tồn tại trong huyết tương. Khi khỏi bệnh, lượng kháng thể này vẫn tồn tại trong huyết tương của người đã hồi phục. Do đó khi truyền huyết tương có chứa kháng thể này sẽ giúp tạo miễn dịch thụ động hỗ trợ bệnh nhân chống lại virus hoặc có thể dự phòng cho nhiễm virus.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.