Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long
TPCN - Có những câu thơ mà ta thuộc lòng nhưng không phải ngay từ đầu đã biết xuất xứ. ấy là “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”.
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long ảnh 1

Với tôi, Xuân Diệu chỉ nói ấy là thơ Huỳnh Văn Nghệ! Tưởng thế cũng đủ!

Vả lại, có gì phải thắc mắc khi hai câu thơ ấy đã chảy thẳng vào huyết quản tôi như một lẽ tự nhiên, chẳng khác “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư” trước đó cả 9 thế kỷ của tướng quân Nhà Lý đứng chân Đất Rồng bay có tên Thường Kiệt.

Như thể con mắt xanh của Ông Trời đã chấm các ông để “địa đồ hóa” Lịch sử Dựng nước và Giữ nước của người Việt biết bao yêu dấu! Sau này tình cờ qua sách báo tôi mới biết được hai câu thơ đã hóa hồng cầu ấy được chiết từ “Nhớ Bắc” của thi tướng họ Huỳnh, cho dù có đôi chút khác biệt:

Ai đi về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…

Vậy Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long  và Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long,  đâu là nguyên tác, đâu là “dị bản”? Nếu theo cái lẽ tầm nguyên thông thường là văn bản xưa nhất được coi là nguyên tác thì phải lấy câu của Xuân Diệu đã dẫn.

Thế nhưng câu thứ hai không phải không có sức thuyết phục. Thực vậy, từ độ Chúa Nguyễn Hoàng “mang gươm đi mở cõi”  thì bề dày lịch sử của miền Nam đất Việt chưa thể là “nghìn năm” được.

Vả lại với thể biền ngẫu thì “Trời” đối với “Đất” hẳn là nhỉnh hơn “nghìn năm” đối với “Đất”. Nếu sự thực là như vậy thì cũng không ai có thể trách Xuân Diệu vì ông nào đã gặp tác giả, nào đã có sách in “Nhớ Bắc” để có thể hiệu đính từng từ!

Huống hồ, người thi sĩ của Ngọn Quốc kỳ phải gấp rút làm tất cả những gì có thể bởi địa đầu kia của Tổ quốc đang từng khắc lâm nguy: thực dân Pháp đã xâm lăng trở lại!

Dẫu vậy, không thể phủ nhận được rằng Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của bao người, nếu không muốn nói là “kẻ tám lạng, người nửa cân”, song hành cùng nguyên tác.

Không chỉ Xuân Diệu mà cả Huy Cận cha tôi, cho đến cuối đời vẫn dẫn câu thơ đó mỗi khi có dịp. Nói cách khác, nghìn năm đã có cuộc sống riêng của nó dẫu rằng Trời Nam đã là đắc địa. Vậy giải mã thế nào đây sức sống mãnh liệt ấy?

Có thể khẳng định ngay rằng Nghìn năm tồn tại một cách đàng hoàng, vững chắc là bởi tính tượng trưng, độ mở của nó cả về thời gian lẫn không gian.

Với Trời Nam thì người đọc có thể hiểu rằng từ khi Nguyễn Hoàng Nam tiến cho đến bây giờ hậu duệ của ông không lúc nào nguôi nhớ Kinh đô đất Tổ, còn với Nghìn năm  thì không chỉ cho đến lúc này mà hàng nghìn, hàng vạn năm sau, mãi mãi nhớ về nguồn cội.

Và điều này quan trọng hơn cả, như một lời thề son sắt. Trịnh Công Sơn chẳng đã yêu mãi ngàn năm đó sao! Lại nữa, với Trời Nam, dù muốn hay không thì khái niệm những người con xa quê cũng bị bó hẹp trong một vùng đất, một không gian nhất định.

Ngược lại, phạm trù xa xứ là mở đến vô cùng và vì vậy cũng vô cùng sức tập hợp của nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long  đối với tất cả những ai mang trong mình dòng giống Lạc – Hồng dù ở chân trời hay góc bể… 

MỚI - NÓNG