Ngoại trưởng Mỹ :"Mỹ muốn là bạn tốt, đối tác tốt của Việt Nam"

Ngoại trưởng Mỹ :"Mỹ muốn là bạn tốt, đối tác tốt của Việt Nam"
TP - Chỉ chưa đầy 2 ngày có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Bush đến Việt Nam và dự Hội nghị Liên Bộ trưởng các nền kinh tế APEC, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã dành  cho báo chí Việt Nam một cuộc phỏng vấn.
Ngoại trưởng Mỹ :"Mỹ muốn là bạn tốt, đối tác tốt của Việt Nam" ảnh 1
Phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cụng ly với Ngoại trưởng Mỹ C.Rice (Ảnh Hồng Vĩnh)

Lao động: Những điều bà thấy ở Việt Nam có giống như bà tưởng tượng trước khi đến đây không?

Vừa giống vừa khác với sự tưởng tượng của tôi. Tôi đã không nghĩ mọi người ở đây thức rất khuya, dường như thương mại và phát triển kinh tế có thể thấy ở mọi nơi. Đó là điều thú vị.

Có lẽ tôi không chuẩn bị để được chứng kiến nền kinh tế ở đây hiện đại như thế nào. Tuy nhiên tôi đã được thấy cảnh đẹp của thành phố và có các cuộc gặp gỡ thú vị với một số người. Mọi người ở đây rất thân thiện. Trên thực tế, tôi muốn ở lại đây dài hơn.

Tiền phong:  Việt Nam có vai trò như thế nào đối với Mỹ? Lợi ích của Mỹ ở Việt Nam là gì?

Ngoại trưởng Mỹ :"Mỹ muốn là bạn tốt, đối tác tốt của Việt Nam" ảnh 2
Ngoại trưởng Mỹ C. Rice

Tôi cho rằng Việt Nam có tầm quan trọng đối với Mỹ cả về mặt song phương lẫn khu  vực. Vì Việt Nam là một nước lớn ở Đông Nam Á và thực sự có  tiềm năng kinh tế mạnh mẽ. Mỹ có lợi ích trong việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Việt Nam.

Ở tầm khu vực, Mỹ có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với ASEAN, quan hệ kinh tế của Mỹ với ASEAN rất quan trọng. Chúng tôi muốn là người bạn tốt, một đối tác tốt với Việt Nam. Chúng tôi rất hy vọng và có niềm tin vững chắc rằng Mỹ sẽ thông qua PNTR đối với Việt Nam.

Chúng tôi cũng quan tâm đến việc phát triển chính trị của Việt Nam mà tôi đã có thể đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đáng quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo (CPC). Tự do tôn giáo là điều cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi và là điều quan trọng đối với Mỹ.

Rõ ràng chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề tự do hóa chính trị, nhân quyền. Tôi đã nêu vấn đề này với người đồng nghiệp Việt Nam của tôi. Cần phải ngồi lại cùng nhau để nhìn sự tiến triển chính trị trong cả một thời kỳ dài. Nhưng vừa qua Việt Nam đã làm được rất nhiều chỉ trong một thời gian ngắn. Chúng tôi muốn là bạn tốt, đối tác tốt của Việt Nam.

Tuổi trẻ: Bà có thể chia sẻ những khía cạnh đặc biệt của chuyến thăm tới Việt Nam lần này của Tổng thống Bush?

Tổng thống  rất vui về chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông. Chúng tôi chứng kiến mối quan hệ song phương Việt - Mỹ đã phát triển mạnh như thế nào trong một thời gian rất ngắn như vậy.

Hai nước  đã có một quá khứ khó khăn bởi cuộc chiến tranh. Hơn 30 năm sau, một Tổng thống Mỹ tới Việt Nam để tham dự hội nghị của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC.

Nhân tiện đây tôi phải nói Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tổ chức một hội nghị quốc tế lớn. Không hề dễ dàng chút nào khi các đại biểu và các vị khách của 21 nền kinh tế dồn về. Tôi rất ấn tượng về trung tâm hội nghị mới mà tôi được biết chỉ vừa mới  xây xong một, hai tháng trước.

Dĩ nhiên Tổng thống Bush còn trông đợi những khía cạnh song phương của chuyến thăm. Chúng tôi sẽ có cơ hội được gặp các nhà lãnh đạo và dự bữa tiệc chiêu đãi với các món ăn Việt Nam rất ngon.

Có thể các bạn không biết nhưng ở Mỹ, các món ăn Việt rất phổ biến. Tổng thống cũng sẽ tới TPHCM thăm thị trường chứng khoán và một vài địa điểm văn hóa.

Chúng tôi rất ủng hộ quá trình chuyển đổi kinh tế ấn tượng đang diễn ra ở VN. Chúng tôi cũng ủng hộ quá trình chuyển đổi chính trị khi mà người dân và báo chí được tham gia nhiều hơn vào tiến trình chính trị.

Tôi được biết rằng hoạt động của Quốc hội Việt Nam đang rất sống động với các cuộc tranh luận sôi nổi. Tranh luận là điều rất tốt cho một xã hội khi mà mọi người được bày tỏ ý kiến của mình. Chúng tôi trông đợi được làm việc với Việt Nam theo chiều hướng này.

Bà có biết nhiều về cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ?

Cộng đồng người Việt ở Mỹ thực sự là một cộng đồng đầy sức sống và năng động. Có một vài người gốc Việt làm việc trong chính quyền Mỹ và tôi có mối quan hệ công việc khá chặt chẽ với họ. Trường tôi từng dạy học trước kia, Stanford, cũng có rất nhiều sinh viên Mỹ gốc Việt và thậm chí cả sinh viên Việt Nam.

Khi cơn bão Katrina xảy ra, tôi đã rất ngạc nhiên khi gặp rất nhiều người Việt ở bang Alabama quê của tôi. Khi xuống phố, tôi gặp một vài nhóm người Việt có các cửa hàng ở đó. Họ xem xét các thiệt hại do cơn bão gây ra và giúp đỡ mọi người đối phó với con bão  Katrina.

Nói đến cộng đồng người Việt, thường ai cũng chỉ nghĩ tới California vì vậy tôi không ngờ là gặp nhiều người Việt như vậy ở Alabama. Dì của tôi đang dạy ở một trường trung học ở Birmingham và cũng có rất nhiều học sinh người Việt đang theo học ở đó.

Vì vậy, ấn tượng của tôi về cộng đồng người Việt là họ rất dấn thân. Họ sống trải rộng trên khắp nước Mỹ, làm nhiều nghề khác nhau từ giáo sư, bác sĩ tới công nhân bình thường. 

Thanh niên: Bà nhận xét thế nào về thanh niên Việt Nam?

Tôi gặp rất nhiều bạn trẻ Việt Nam làm việc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia hôm qua để phục vụ cho APEC. Rất thú vị khi thấy rất nhiều bạn trẻ Việt Nam làm việc ở một Hội nghị lớn như vậy. Các bạn là một đất nước trẻ, dân số rất trẻ.

Các nhà lãnh đạo đang cố gắng đầu tư cho trung học và những bậc giáo dục cao hơn, tôi cũng biết là thế hệ trẻ du học ở nước ngoài cũng rất nhiều.

Nếu tôi có một vài lời khuyên cho các bạn trẻ sẽ là các bạn trẻ nên đi học ở nước ngoài, sẽ thực sự là một điều tuyệt vời khi đi ra bên ngoài đất nước các bạn để học hỏi thêm. Tôi cũng hy vọng là một trong số đó sẽ đến Mỹ để học tập.

Nước Mỹ có một hệ thống giáo dục bậc cao thật tuyệt vời. Tôi là một người tin tưởng mạnh mẽ vào việc trao đổi giáo dục, tôi tin vào cả hai việc các sinh viên Việt Nam đến Mỹ du học và các sinh viên Mỹ đến Việt Nam du học. Đây cũng là một nơi rất thú vị để tìm hiểu, tôi biết có rất nhiều sinh viên Mỹ đến học tập ở đây.

Một lời khuyên nữa là, tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung rất quan trọng. Tôi nhấn mạnh là ngoại ngữ rất quan trọng trong thời đại ngày nay, tôi đã nhìn thấy nhiều bằng chứng là các bạn trẻ Việt Nam ở đây nói tiếng Anh rất tốt.

Tôi thật sự ấn tượng với các nữ nhân viên của Việt Nam, khi tôi gặp Phó Thủ tướng các bạn vào ngày hôm qua và tôi đoán rằng các nhân viên trẻ trong Bộ Ngoại giao được học cách làm việc theo cách riêng của họ. Chẳng có lý do gì khi nghĩ rằng có một chân trời giới hạn đối với những người trẻ nữ giới cũng như nam.

Thanh niên:Khi trở về Hoa Kỳ bà sẽ nói gì với người Mỹ về chuyến thăm, về đất nước và con người Việt Nam?

Tôi nghĩ người Mỹ sẽ  ngạc nhiên lắm về những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Một trong những lý do là người Mỹ không thường đến Đông Nam Á.

Đây là một phần thế giới mà thực sự chúng tôi cũng ít biết. Mọi người chỉ biết về sự phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc còn ít biết hơn về nền kinh tế sôi động ở Việt Nam.

Một phần có thể là người Mỹ ít hình dung về một Việt Nam trong tương lai. Vì thế tôi nghĩ thật sự hữu ích cho người Mỹ khi đến tận đây để chứng kiến những gì đang diễn ra ở phố xá Hà Nội chẳng hạn, một nơi theo tôi là tương đối đặc biệt.

Tôi sẽ nói với người Mỹ rằng tôi đã đặt chân tới một nơi rất năng động, tràn đầy sức sống. Một nơi mà tôi tôi cảm thấy ở đây hiển nhiên là đang thay đổi rất nhanh chóng. Tôi chưa bao giờ thấy một nơi nào trên thế giới có nhiều xe máy trên đường phố như ở đây.

Lao động:  Bà có còn chơi piano?

Có chứ. Tôi thích chơi piano. Cho dù bận đến đâu thì trong cuộc sống vẫn còn nhiều điều khác nữa. Tôi còn gia đình, còn rất nhiều bạn bè để dành thời gian cho họ. Còn về piano, tôi vẫn cố gắng tập chơi mỗi tuần một lần. Điều đó rất quan trọng với tôi.

Tiền phong:  Bà vừa đề cập vấn đề hai nước chung nhau một thời kỳ lịch sử khó khăn. Thời gian qua hai bên đã làm được rất nhiều việc nhưng vẫn còn những vấn đề hậu quả của chiến tranh chưa được giải quyết. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Với mối quan hệ hiện nay của chúng ta có thể thảo luận được rất nhiều vấn đề vấn đề mà Việt Nam quan tâm cũng như những vấn đề mà người Mỹ quan tâm chủ yếu như vấn đề MIA. Có rất nhiều hậu quả khủng khiếp do chiến tranh để lại.

Chúng ta hãy nên thảo luận rõ ràng với nhau về các vấn đề đó và cố gắng giải quyết thông qua các mối quan hệ tiếp xúc hợp tác mà Việt Nam và Hoa Kỳ đang xây dựng.

Cuối cùng là trong lúc  Việt Nam đang mong chờ xem Mỹ có thể làm gì, tôi cho rằng Mỹ có thể là một đối tác tốt cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tôi biết rằng nhiều doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là một nơi để đầu tư lớn.

Tôi cho đó là điều quan trọng. Tôi đã nhận ra và thừa nhận rằng kể cả khi vẫn còn những vấn đề của quá khứ thì chúng ta cũng có thể thảo luận được với nhau và giải quyết những vấn đề đó thông qua các cuộc tiếp xúc vì hiện nay chúng ta có những cuộc tiếp xúc thân thiện.

Nguyễn Đại Phượng (ghi)

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.