Ngôi làng đổi đời nhờ nghề “ăn cơm đứng“

Vườn dâu nhà chị Đàm Thị Tuyền, hộ dân nuôi tằm nhiều nhất làng Hòa Mục.
Vườn dâu nhà chị Đàm Thị Tuyền, hộ dân nuôi tằm nhiều nhất làng Hòa Mục.
Nhiều năm nay, tại khu vực Pác Bó, xã Nà Sác, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), làng Hòa Mục nổi tiếng vì "thay da đổi thịt" một cách nhanh chóng nhờ nghề nuôi tằm. 

Đây là nghề truyền thống một thời đã gắn liền với bà con dân tộc Tày, nhưng do số hộ nuôi dâu tằm lẻ tẻ, thưa thớt và không có thương hiệu trên thị trường nên từng bị lãng quên. Chính người dân ở đây cũng không thể ngờ, chỉ trong vòng ít năm, thương hiệu "làng tằm Hòa Mục" đã được nhiều nơi biết đến, đem lại thu nhập khá cao cho họ.

Thăng trầm nghề nuôi dâu tằm miền biên viễn

Nằm cách Khu di tích lịch sử cách mạng Pác Bó 5km, làng Hòa Mục hiện ra với những ngôi nhà cấp bốn khang trang nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm hiện được mệnh danh là "thủ phủ dâu tằm" ở vùng cao. Thế nhưng, để được như hôm nay, làng Hòa Mục đã trải qua nhiều thăng trầm và hành trình "lột xác" rất gian nan. Đến thăm mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này trong mùa hoa lá đang thi nhau đâm chồi nảy lộc, chúng tôi đều nhận thấy rõ cuộc sống đổi thay của người dân nơi đây so với những năm trước.

Làng Hòa Mục hiện có 66 hộ dân và 228 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày sinh sống. Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở đây đã có từ lâu đời. Từ thuở tổ tiên mang nghề về làng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, khó khăn để phát triển, thịnh vượng như bây giờ.

Theo người dân, ngay từ ban đầu đã không ai quan tâm, mặn mà với nghề "ăn cơm đứng" bởi vì xung quanh chưa có hộ nào làm nên không dám mạo hiểm phá bỏ ngô, lúa để trồng cây dâu nuôi tằm. Cho đến khi thấy người tiên phong nuôi tằm có thu nhập khá hơn so với trồng cây ngô, lúa, số hộ dân trồng dâu, nuôi tằm mới tăng dần nhưng vẫn còn lẻ tẻ do tâm lý nghi ngại không làm được lâu dài, ổn định. Thêm nữa, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, kỹ thuật nuôi trồng cũng chưa tốt nên ẩn chứa nhiều rủi ro, trong chốc lát có thể bị mất trắng vốn và công sức.

Dẫu vậy, một số hộ dân trong làng vẫn duy trì nghề với tâm nguyện "một đồng, một giỏ không bỏ nghề dâu". Nghề trồng dâu, nuôi tằm không nhàn hạ nhưng cũng giúp cho người dân có nguồn thu nhập đáng kể. Mỗi cây dâu từ lúc trồng xuống đến lúc cho thu hái phải mất ít nhất gần hai năm với khá nhiều công chăm bón.

Có thể nói, trồng dâu vất vả một, còn việc chăn tằm vất vả thêm 4-5 lần. Bận rộn nhất là khi tằm ăn rỗi. Sau khoảng 3-4 ngày, tằm chuyển sang màu trắng, rồi lột xác thành tằm tuổi một. Ba ngày sau, tằm thành tuổi hai và rồi 3 ngày nữa là tuổi bốn và bước vào thời kỳ ăn rỗi. Mỗi nong mấy trăm con tằm ăn lá dâu rào rào. Khi con tằm chín, người chăn tằm sẽ chuyển tằm lên né để tằm làm tổ và nhả tơ.

Theo anh Đàm Văn Thông, Trưởng xóm Hòa Mục cho hay: "Từ những năm 1990 đến nay, nghề nuôi tằm mới bắt đầu ổn định và trở nên hưng thịnh. Còn trước đó, giá cả con tằm, cái kén luôn bấp bênh, công việc lại vất vả nên nhiều người không trụ được với nghề. 

Bà con trồng dâu khá nhiều nhưng để làm trọn vẹn các khâu như xưa giờ chẳng còn ai mặn mà. Làm cả năm được một, hai chục triệu đồng. Vì vậy, các hộ dân chọn cách đi làm ăn xa, hoặc làm dệt may, trồng trọt ngô, lúa… chứ làm tơ, chăn tằm chỉ đủ ăn mà lại vất vả, rủi ro. Còn những hộ bám nghề truyền thống này chỉ nuôi theo kiểu tùy hứng, không dám đầu tư nhiều và tâm huyết với nó.

Cho đến những năm gần đây, khi nhu cầu thị trường tăng cao, nhiều hộ dân mới bắt đầu chú tâm đến và chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Nghề này lúc thịnh vượng lúc khó khăn, ế ẩm không hẳn nguyên nhân do người dân không mặn mà đầu tư nghiêm túc mà còn do nhu cầu thị trường cũng như giá cả của từng cân tơ kén bán ra nữa…".

Ngôi làng đổi đời nhờ nghề “ăn cơm đứng“ ảnh 1 Cổng làng văn hóa Hòa Mục, xã Nà Sác, huyện Hà Quảng (Cao Bằng)..

Cả làng đi lên nhờ nghề "ăn cơm đứng"

Chị Đàm Thị Tuyền - hộ gia đình trồng dâu, nuôi tằm có quy mô nhất làng Hòa Mục đồng thời cũng là địa điểm cung cấp giống tằm cho bà con trong tỉnh - cho biết: "Đúng như người xưa nói, "nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng", rất vất vả và lo lắng trong quá trình nuôi tằm, chỉ sợ tằm mắc bệnh thì coi như công cốc.

Tuy vậy, khi thành công thì tiền thu về sớm, mỗi lứa tằm chỉ nuôi hơn một tháng là có thể bán kén ra ngoài thị trường, tổng cộng một năm nhà tôi nuôi được 7 lứa tằm. Mỗi cân kén bán ra khoảng 120 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi lứa tằm được hơn 100kg, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình tôi gần 100 triệu đồng, chưa kể tiền từ việc cung cấp, bán con giống cho các hộ nuôi tằm ở các huyện như Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hòa An, Nguyên Bình, Thông Nông…".

Một trong những hộ điển hình về nuôi tằm với quy mô nhiều nhất xóm và có thâm niên với nghề là gia đình bà Hoàng Thị Yêm (66 tuổi) ở làng Hòa Mục. Để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của tổ tiên, bà Yêm đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nhiều nong tằm, trồng nhiều diện tích dâu trong ruộng để làm giàu tại quê hương.

Theo bà Yêm cho hay, tính ra trung bình 1 ha cây dâu sẽ thu về khoảng 90 triệu đồng khi đem về chăn tằm lấy kén. Khi cây dâu già, rụng lá lại đốn gốc để chồi dâu non mọc tiếp. Cây dâu dễ trồng, sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, kể cả đất bạc màu, chỉ sau 4 - 6 tháng trồng dâu có thể thu hoạch lá và một lần trồng có thể thu hoạch 15-20 năm. 

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định các hộ nuôi tằm phải đầu tư thời gian, công sức chăm sóc cẩn thận để cây xanh tốt và không bị sâu bệnh. Có như thế, con tằm mới khỏe mạnh, mau chóng nhả tơ và đem lại thu nhập cao và thường xuyên.

Ngôi làng đổi đời nhờ nghề “ăn cơm đứng“ ảnh 2
Ngôi làng đổi đời nhờ nghề “ăn cơm đứng“ ảnh 3

Bà Hoàng Thị Yêm (66 tuổi) đang cho tằm ăn lá dâu.

Theo anh Đàm Văn Thông, Trưởng xóm Hòa Mục cho biết, tằm là giống vốn rất khó chăm, người nuôi bên cạnh kỹ thuật cần phải có nhiều kinh nghiệm. Cây dâu trồng xanh tốt sau 1 năm mới có thể hái lá cho tằm ăn, lá dâu không sạch rất dễ làm tằm chết. 

Vào thời kỳ tằm ăn rỗi (khoảng 7 ngày trước khi nhả kén), mỗi vòng tằm phải mất 2 nhân công thường xuyên hái lá cho tằm ăn ngày đêm mới có thể nhả kén nhiều và chất lượng tốt. Tơ và kén tằm ở Hòa Mục xuất chủ yếu ở khu vực trong tỉnh và sang Trung Quốc.   

Hiện tại đầu ra cho sản phẩm kén tằm khá ổn định, thu nhập từ nghề này đem lại hiệu quả hơn nhiều lần so với việc trồng ngô, lúa, sắn. Công cuộc đẩy lùi cái đói, cái nghèo đối với từng hộ dân không còn là điều khó khăn nữa khi bà con mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Thực tế hiệu quả từ nghề nuôi tằm đã thấy rõ, trong mấy năm nay nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu ở quê hương. Vì hiện nay, kén tằm là nguyên liệu để làm ra các mặt hàng cao cấp, có giá trị cao và thị trường phong phú. 

Tuy nhiên, nhiều hộ khác trong xóm cũng đang trăn trở về việc thành lập được một tổ hợp tác để liên kết giữa các hộ dân trong việc mở rộng diện tích trồng dâu, mở rộng quy mô nuôi tằm, từ đó vừa có thể giúp nhau phát triển kinh tế bền vững, vừa tránh tình trạng bị tư thương thu mua kén tằm ép giá.

Mô hình kinh tế trồng dâu nuôi tằm đã trở thành hướng đi bền vững cho nhiều gia đình như bà Yêm, chị Tuyền, anh Thông… và các các hộ dân khác ở Hòa Mục. Nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm, các hộ dân đã sắm được đầy đủ nội thất tiện nghi, xây được nhà mới khang trang, đường làng lối xóm được bê tông hóa hoàn toàn, con cái được đầu tư học hành đến nơi đến chốn…

Ngoài trồng dâu, nuôi tằm, bà con ở Hòa Mục còn trồng cây thuốc lá để nâng cao thu nhập. Đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được nhân rộng tại huyện Hà Quảng và Hòa An. Đây thực sự là một mô hình điểm để các địa phương khác có thể tham quan và học hỏi làm theo. Với cách nuôi trồng kết hợp hiệu quả này, bất cứ người nông dân nào cũng có thể làm được, đặc biệt là chị em phụ nữ có thể tận dụng thời gian nông nhàn.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG