Ngôi làng tồn tại hôn nhân cận huyết

Người Ba Na quan niệm trước khi xuống sông để thủy thần ban may mắn thì phải bôi sình lầy… thì mới có hiệu nghiệm.
Người Ba Na quan niệm trước khi xuống sông để thủy thần ban may mắn thì phải bôi sình lầy… thì mới có hiệu nghiệm.
TP - Nằm lọt thỏm giữa thung lũng, ốc đảo Kon Pne thuộc xã Kon Pne, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai ngày nay xe cộ đi lại dễ hơn, điện tới từng nhà. Nhưng ít ai biết rằng, cách đó khoảng 4 km đường rừng còn một ngôi làng người Ba Na vẫn tồn tại hủ tục hôn nhân cận huyết.

Vừa chạm chân tới bến xe Gia Lai, chúng tôi tiếp tục đón xe đò từ TP Pleiku qua huyện K’bang. Hơn 2 giờ trên chiếc xe đò chật chội, hành khách phần lớn là những người ở miền xuôi mang thịt, cá, mắm… vào các buôn của người Ba Na buôn bán, mùi khó chịu từ những thực phẩm này phát ra khó mà diễn tả nổi.

Về ngôi làng “ba nhất”

Gần trưa, cơn mưa rừng đổ nước như trút, cũng là lúc xe tới trung tâm huyện K’Bang. Từ đây, chúng tôi bắt đầu cho chuyến xuyên rừng về xã Kon Pne, nơi đây một thời là căn cứ cách mạng nuôi dưỡng cán bộ, chiến sỹ  trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Nơi đây từng được ví von có nhiều cái nhất tỉnh Gia Lai: Nghèo nhất, lạc hậu nhất, đường sá đi lại khó khăn nhất.

“Ngày xưa trong thôn ai cũng muốn lấy vợ khác hệ, nhưng qua mấy thôn bên kia thấy trai ở đó hung dữ quá, nên sợ. Vậy đành phải cưới vợ trong thôn thôi”.            

Đinh Huy, 20 tuổi

Trên “con ngựa sắt” đã được độ chế, chúng tôi nhắm hướng Kon Pne băng băng. Qua hàng chục chuyến băng rừng lội suối, có mặt nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, nhưng có lẽ chuyến xuyên rừng lần này chúng tôi mới thấm thía hết sự thú vị của cái cực. Trên đường đi, có đoạn trơn nhẫy, có khúc lầy lội, chiếc xe cứ lầm lũi leo núi, những con dốc leo lên đã khó, nhưng lúc xuống lại càng khó hơn, chỉ cần yếu tay lái là cả người lẫn xe rơi xuống vực sâu. Càng vào sâu không gian ngày càng trở nên âm u, tiếng xe rồ ga như đánh thức, phá vỡ không khí im ắng của rừng già. Vừa trèo qua hai ngọn núi nằm trong khu vực “thung lũng cơm trắng” (thời Pháp thuộc, nơi đây trồng thuốc phiện), cảm nhận bầu trời ở đây như xích gần mặt đất, mây lờn vờn đỉnh đầu.

Xe vừa trườn xuống con dốc dài cả km, cũng là lúc mặt trời ngả bóng, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là những con trâu đang nằm nhai cỏ bên vũng nước. Và “ốc đảo” Kon Pne dần hiện ra, nó nằm lọt thỏm dưới một thung lũng, bao quanh là những ngọn núi cao chót vót. Đặt chân đến trung tâm xã, đập vào mắt là những ngôi nhà sàn, những đứa trẻ tóc cháy nắng đang đùa giỡn. Thấy khách lạ, chúng dừng chơi, chạy núp sau vách nhà sàn rồi đưa ánh mắt rụt rè trong veo len lén nhìn. Còn ở ngoài bãi đất trống gần vườn cà phê, những thanh niên mải mê đá bóng. Tiếng người, tiếng bóng quyện vào nhau tạo nên âm thanh khô khốc vang lên một góc rừng ở miền sơn cước.  

Đối mặt “ma rừng”

Trời dần tối, chúng tôi tính xin ngủ tạm một nhà sàn của người dân, bất chợt ở gần đó cả chục chàng trai cô gái Ba Na khoác trên mình bộ áo truyền thống vội vã mang những ché rượu hướng về cánh rừng gần đó. Qua hỏi chuyện mới biết một nhánh người Ba Na đang làm lễ đâm trâu cúng thần để được phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, bội thu quanh năm.

Tiếp tục băng hơn 4 km đường rừng, phần lớn phải đi bộ, trên đường đi cả chục con dốc dựng đứng, những con suối nước chảy xiết, có đoạn mực nước dâng hơn nửa người. Gần một giờ cố gắng bám theo nhóm người bản xứ, chúng tôi cũng tới nơi. Ngay tại con suối đầu thôn, hàng chục người Ba Na từ lớn đến nhỏ lần lượt đứng trên những tảng đá cao nhảy xuống dòng suối cuồn cuộn chảy. Gần đó, hàng chục người khác tắm trong hố sình lầy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc…

Đinh Ka (25 tuổi, trưởng thôn) cho biết: “Vào những ngày cúng thần linh, cả buôn ra sông để thần Yang Đak làm phép, thần sẽ đem lại may mắn cho từng người. Nhưng trước khi nhảy xuống sông tắm thì phải múc bùn, sình…bôi lên người nên chúng tôi hay đùa là những con “ma rừng”.

Ngôi làng tồn tại hôn nhân cận huyết ảnh 1

Đinh Ka và vợ là chị em trực hệ.

Nỗi trăn trở của già làng

Để tạ ơn những vị thần, già làng A Khi (83 tuổi) yêu cầu những người trong buôn dắt con trâu trước đó đã nuôi béo tốt mang ra trước sân nhà rông để mổ lấy gan dâng lên. Mỗi năm tổ chức một lần nên việc làm lễ dâng gan cho thần được chuẩn bị chu đáo, con vật dùng để mổ phải là con đực, toàn thân phải đen trùi trũi. Nếu mổ gà thì gà phải to, nhưng riêng thần lúa thì mổ gà con, vì bà con cho rằng thần thích ăn gan gà con. Con trâu đang được cột dưới gốc Gong (cây tre chôn xuống đất), bên cạnh là ống lồ ô đựng rượu, một cái tô để đựng gan. A Pun (43 tuổi) cho biết: “Trâu dâng thần không quá già, quá non. Sừng trâu không dài quá hai gang tay. Lúc dâng gan trâu thì còn kèm theo gan gà, gan heo nữa”.

Sau khi đâm trâu lấy gan xong, già làng A Khi làm lễ mời các vị thần theo cây Gong xuống hưởng lễ. Cây Gong được các nghệ nhân Ba Na làm rất khéo, trên đỉnh có nhiều vòng tròn, trong mỗi vòng trong đều có dây thả thòng xuống đất, nếu thần nào không men theo thân cây cuống thì nắm dây tuột xuống…      

Bên bếp lửa bập bùng, những chàng trai cô gái Ba Na ở tuổi đôi mươi khoác mặc trang phục truyền thống đủ màu sắc. Họ nắm tay ca hát suốt đêm, tiếng cồng chiêng ngân vang trong tiếng reo hò làm nức lòng những vị khách không mời mà tới.

Ngôi làng tồn tại hôn nhân cận huyết ảnh 2

“Những con ma rừng” thay nhau tắm bùn.

Lúc này, trong nhà rông lớn, hàng chục người đàn ông, phụ nữ tuổi trung niên đang ngồi uống rượu cần, thưởng thức thịt trâu, thịt gà nướng. Trước khi giao chiếc cần làm bằng cây hóp mời chúng tôi uống rượu, già làng A Khi cầm cần cho vào trong ghè rượu còn mới tinh rồi uống một “kàng” (tương đương một chén). Sau đó đưa cần mời khách thưởng thức. Già làng A Khi giải thích, người Ba Na rất mến khách, nhưng trước khi mời khách dùng gì thì chủ nhà phải nếm trước để cho khách biết trong đồ ăn thức uống không có độc.    

Cứ thế những người đàn ông, phụ nữ trong thôn liên tục dúi vào tay chúng tôi những miếng thịt trâu thơm phức được tẩm gia vị từ các loại lá rừng, những bát cháo nấu từ bắp non thơm lựng hương rẫy. Và bao nhiêu câu chuyện buồn vui từ thuở lập buôn, người Ba Na sinh sống, nuôi dạy con cháu… đều thông qua từng kàng rượu.

Dưới ánh lửa bập bùng, già làng A Khi cho biết ông và vợ đều tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cũng nhờ các vị thần che chắn nên hai người vẫn sống sót sau những trận đòn roi tra khảo của địch. Chiến tranh lùi xa, hai vợ chồng về sống với buôn làng. Điều mà già làng A Khi trăn trở nhất là hủ tục hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại ở thôn 2 này, điển hình là trưởng thôn Đinh Ka và vợ thật ra là chị em trực hệ. Trước giờ ở đây con của anh/em trai (quan hệ bác/chú/cháu) không được lấy nhau. Con của chị/em gái (quan hệ bác/cô/dì) cũng thế. Nhưng con của anh/em trai thì được lấy được con của chị/em gái (trực hệ) và ngược lại, hiện trong thôn còn có rất nhiều cặp vợ chồng cận huyết.

Rạng sáng, tiếng gà rừng thi nhau gáy cũng là lúc chúng tôi rời thôn trong cái lạnh se sắt của núi rừng. Trong hơi men nồng của rượu, chàng trai tên Đinh Huy (20 tuổi) cầm chặt tay chúng tôi nói: “Ngày xưa trong thôn ai cũng muốn lấy vợ khác hệ, nhưng qua mấy thôn bên kia thấy trai ở đó hung dữ quá, nên sợ. Vậy đành phải cưới vợ trong thôn thôi”.   

Trên đường về, nhớ lại những câu chuyện tình của những cặp vợ chồng cưới nhau cùng huyết thống mà ngậm ngùi, không biết đến bao giờ họ bỏ được hủ tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ hàng trăm năm qua.

MỚI - NÓNG