Ngôi nhà người con gái anh hùng

Ngôi nhà người con gái anh hùng
TP - Nhiều năm đã trôi qua, quê hương chị Võ Thị Sáu đã trải nhiều thời kỳ lịch sử, thật may mắn, ngôi nhà nơi chị lớn lên vẫn còn đó như một nhân chứng lặng lẽ về lịch sử một thời.

Huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trên vùng đất cao ráo. Những ngọn núi xen lẫn với các cánh đồng nhỏ, sâu. Ngày nay, tại trung tâm huyện có bức tượng Võ Thị Sáu cao 6 mét nằm trong Khu công viên tượng đài Võ Thị Sáu.

Hai hướng dẫn viên là Hồng Muội và Mỹ Liên cho biết: “Mỗi ngày có khoảng vài chục khách viếng, đến từ khắp mọi nơi trong cả nước. Trong công viên có bàn thờ chị và bàn thờ bố mẹ của chị”.

Di ảnh chị Sáu được thờ ở nhà chị Hiền, người cháu ruột tại Đất Đỏ
Ngôi nhà thuê của gia đình chị Sáu vẫn còn. Ảnh: T.N.A

Tôi gặp chị Lương Thị Thu người Hà Nội, vốn chiến đấu ở C873 Thanh niên xung phong, tiểu đội nữ anh hùng. Chị đang cùng con cháu đi thăm quê hương Võ Thị Sáu.

Thắp hương cho chị Sáu xong, chị Thu kể: “Tiểu đội chúng tôi, trong một trận đánh thời chống Mỹ có 13 liệt sĩ, cộng với công nhân quốc phòng 4 người hi sinh nữa. Trận đánh ở núi Nấp, Thanh Hóa, khốc liệt lắm. Đơn vị nữ chúng tôi cũng được phong anh hùng, nhưng với chúng tôi chị Sáu còn anh hùng hơn”.

Còn lại ngôi nhà xưa

Lãnh đạo ban di tích kể: “Trước kia gần chợ có mấy dãy nhà ván vách, lợp ngói âm dương, xây lên cho những người buôn bán trong chợ thuê. Mẹ chị Sáu thuê một căn bán bún. Bố chị chạy xe ngựa”. Khi chị Sáu bị bắt, cả gia đình vào chiến khu sinh sống tránh sự đàn áp, người khác đến thuê ngôi nhà. Năm 1975, Nhà nước mua lại căn nhà để bảo quản.

Đất Đỏ có căn cứ Long Mỹ là căn cứ cách mạng đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông Võ Văn Thiết, một trong những nhà cách mạng đầu tiên của vùng này đã giác ngộ ông Võ Văn Hợi. Ông Hợi cho anh Năm, người anh kề chị Sáu vào hẳn khu căn cứ hoạt động. Anh Năm giác ngộ cho Võ Thị Sáu.

Cái chợ huyện năm xưa nay đã dỡ đi để làm nhà hát. Cạnh nhà hát vẫn còn ngôi nhà lợp ngói rộng 32 mét vuông, gồm hai phòng nhỏ, có cửa thông ra phía sau, nơi để xe ngựa. Ngôi nhà gần như nguyên bản, chỉ thay mấy tấm ván mục. Theo nghiên cứu của Nguyễn Đình Thống, ngôi nhà này nằm trong dãy phố được tổng An Phú Thượng xây bằng công quỹ, cho tư thương thuê lại.

Ngôi nhà hiện còn 2 bộ phản. Một số bát đĩa có từ thời Pháp thuộc cũng được sưu tầm từ nhà cô Bảy, vốn dùng trong nhà và đồ bán bún. Người dân kể lại: “Thời chiến tranh, nhất là năm Mậu Thân, tất cả thị trấn đều đổ nát hoang tàn. Riêng ngôi nhà cô Sáu vẫn còn đó, không ảnh hưởng gì hết.”.

Ông Huỳnh Đại, bộ đội cùng thời với chị Sáu, nhớ lại ngày trước thường thấy chị Sáu chiều chiều dắt ngựa đi đóng móng. Chị dẫn ngựa đi quanh thị trấn, đi qua đồn Pháp. Dáng chị nhanh nhẹn, gọn nhỏ, nước da ngăm đen, mắt sáng. Ông Đại nói: “ Không ai ngờ chị đang chuẩn bị đánh trực diện vào bọn giặc Pháp”.

Di ảnh chị Sáu được thờ ở nhà chị Hiền, người cháu ruột tại Đất Đỏ
Di ảnh chị Sáu được thờ ở nhà chị Hiền, người cháu ruột tại Đất Đỏ. Ảnh: T.N.A

Tổng Tòng

Theo nhiều tài liệu lịch sử, một trong những chiến công của chị Sáu là ném lựu đạn ám sát Tổng Tòng, viên cai tổng khét tiếng trên quê chị. Tổng Tòng sinh ra đã bị hỏng một mắt, vùng này có câu: “Nhứt mục song từ thi công tải”, nói lái nghĩa là “một mắt sư Tòng thi cai tổng”, chỉ sự háo danh của ông này.

Người dân địa phương cho biết thời bấy giờ Tổng Tòng và Hội đồng Đợt (có nhà máy xay), Hộ Triết (quốc tịch Pháp) là ba người giàu nhất vùng. Nhà của ông Tổng Tòng ở trung tâm của tổng, cũng là nơi làm việc của ông ta. Đất đai của ba người này giờ là trung tâm của huyện lỵ. Người dân kể: “ Ông Tòng quan hệ mật thiết với giặc Pháp”.

Quả lựu đạn nổ, chỉ làm Tổng Tòng bị thương. Anh Võ Văn Thành ở gần chợ kể: “Tổng Tòng sống rất thọ, sau này tôi vẫn thấy ông ta đi lui đi tới quanh nhà, nhưng ông hầu như không giao du với ai cho đến khi qua đời”.

Ngôi nhà Tổng Tòng rộng lớn khi xưa giờ chỉ còn một căn hộ nhỏ bé. Sống trong nhà có anh Nghĩa và người vợ bán trong chợ. Anh Nghĩa nói: “Tổng Tòng có hai vợ. Người vợ đầu hình như không có con. Bà vợ sau tên là Lê Thị Tý. Bà hiền lắm, nhận hai người con nuôi tên là anh Bê và anh Xê”. Anh Bê đi đâu không rõ. Anh Xê qua đời để lại người vợ trẻ. Người vợ này đi làm thuê gặp anh Nghĩa. Hai người lấy nhau, ở trên phần đất sót lại của nhà Tổng Tòng.

Anh Nghĩa kể: “Tổng Tòng mất, bà Tý đem ngôi nhà cầm cố, khi chúng tôi lấy nhau phải đi chuộc về”. Bà Tý chẳng có ai thân thích, đi vào rừng Xuyên Mộc sống, mua một miếng đất nhỏ ven rừng. Bà làm giấy tay với người ta là hãy chăm sóc bà, khi chết thì đất thuộc về họ. Hầu như không ai nghe gì về bà Tổng Tòng nữa.

Nhà Tổng Tòng
Nhà Tổng Tòng. Ảnh: T.N.A

“Cám ơn Sáu”

Võ Thị Sáu sau khi bị bắt đã bị đưa vào Sài Gòn tra tấn, khai thác, rồi sau đó đưa ra Côn Đảo xử tử. Cuộc đời của cô không chỉ là huyền thoại của sự dũng cảm mà còn là tấm gương của
trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Huê, nguyên trinh sát công an quận Đất Đỏ cùng thời với chị Sáu kể: “Chúng tôi luôn cám ơn cô Sáu. Sau khi Sáu bị bắt, toàn căn cứ đã báo động, đề phòng trường hợp xấu nhất là Sáu sẽ khai ra căn cứ”. Căn cứ gồm các hầm bí mật và nhiều cán bộ nòng cốt, khi đó họ chỉ cách đồn Pháp chừng vài cây số.

Ông Huê bùi ngùi: “Một thời gian, không thấy địch càn quét và truy bắt được ai, chúng tôi hiểu Sáu không khai báo điều gì”. Tổ chức nhiều lần tìm thông tin nơi giam giữ chị Sáu để giúp chị thoát ra ngoài, nhưng địch liên tục thay đổi nơi giam giữ, đưa chị lên Sài Gòn rồi đưa ra Côn Đảo, việc giải cứu không thành.

Nhớ về người đồng đội của mình, ông Huê nói: “Sáu nhỏ bé, da ngăm đen, tính gan lì, sống giản dị. Sáu không nghĩ mình là người anh hùng. Chính kẻ thù tàn bạo phải thất bại trước lòng dũng cảm của Võ Thị Sáu, chính trong cuộc chiến đấu gian khổ mà Võ Thị Sáu trở thành nữ anh hùng”.

Tháng 7/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG