Ngổn ngang những khó khăn

Ngổn ngang những khó khăn
TP - Ba giờ sáng thứ Sáu tuần trước, mọi người dân ở Lập Thạch - Vĩnh Phúc đang an giấc, bỗng có tiếng gió rít, tiếng cây gãy răng rắc. Gạch ngói bay tứ tung. Người la hét, kẻ chui vội xuống gầm giường, gầm bàn, gầm hòm...
Ngổn ngang những khó khăn ảnh 1
Sau cái chết của mẹ, anh Hùng chưa biết khi nào dựng lại nhà

Cơn lốc đã ảnh hưởng đến 19 xã, nhiều nhà cửa hoa màu bị thiệt hại...

Nhớ lại 15 phút kinh hoàng sáng 22/3, anh Phạm Văn Hùng, khu 4 thôn Thụy Điền, xã Tân Lập, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, kể: “Tôi nghe thấy tiếng gió rít mạnh, sau đó là tiếng cây gãy, đổ. Mưa đá to quá. Hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, hạt to nhất phải bằng quả trứng gà. Tôi đóng sập cửa. Ngớt mưa, tôi chạy thục mạng lên trại. Trước mặt tôi là một đống đổ nát xập xệ. Tôi gào lên gọi mẹ. Nào có tiếng đáp lại”.

“Nhảy qua cái cổng bị bão quất sập, tôi thấy đôi chân mẹ, từ đầu gối trở xuống. Toàn bộ phía trên bị tường đè”. Khóc tu tu, anh Hùng  gỡ những mảng tường đất phủ trên người mẹ, gào thét gọi láng giềng  vì  thấy người mẹ còn ấm. Đến bệnh viện, bác sĩ nói đồng tử đã giãn. “Bà đi rồi”.

“Chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão khủng khiếp thế này”, chị Mười, thôn Thụy Sơn, xã Như Thụy, huyện Lập Thạch, kể lại cơn lốc mà dân làng gọi là bão. “Đang ngủ say mà nghe ào  một cái. Tôi bế thằng nhỏ ba tháng tuổi, hét gọi thằng lớn chui xuống gầm hòm. Chưa kịp chui, ngói trên mái rơi như mưa. Tôi chỉ kịp áp đầu sát mặt thằng nhỏ. Vậy mà thằng nhỏ vẫn bị một viên ngói vỡ sượt qua đầu. Khi tôi định thần lại thì thằng bé đã tím ngắt trên tay. Cũng may, bác sĩ nói nó chỉ bị hoảng loạn”.

Chỉ vào thằng lớn, chị tiếp: “Cháu chưa kịp chui xuống gầm cũng bị ngói rơi trúng hai bả vai. Nó tè cả ra quần. Chồng tôi ngất, hôm nay mới hồi”.

Tự xoay xở

Đường vào Như Thụy cây cối đổ rạp. Những bụi tre gẫy giập, bật rễ. Những cây to gục ngã. Những ngôi nhà tốc mái Cái vừa lợp lại, cái phủ nilon, cái bỏ mặc. Có người lấy ngói ở chuồng lợn để lợp cho nhà ở (chuồng lợn ở vị trí thấp, không bị hư hại nhiều).

Gia đình chị Mười ở thôn Thụy Sơn đến chiều 25/3 mới nhờ người lợp xong mái ngói. Anh Hòa, chồng chị, trông con bò què chân (do ngói rơi xuống), vẫn ngủ trên ngôi nhà tốc mái. Hai đêm sau cơn lốc, trời vẫn mưa, những nhà chưa kịp lợp ngói cũng chịu cảnh co ro rét mướt như anh Hòa.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng Kinh tế, Phó ban Chỉ huy-Phòng chống Lụt bão Huyện Lập Thạch, nói: “Nhà tốc mái rất nhiều, ai mà đến hết được. Trong số 2.265 nhà bị tốc mái của cả huyện, có 60-65 phần trăm là tốc mái nặng (mất toàn bộ mái)”.

Cụ bà Nguyễn Thị Như, 78 tuổi, ở Khu 9, thôn Si Thượng, xã Tân Lập, ngậm ngùi: “Cơn bão vừa qua còn hãi hơn cả trận bom B52 thằng Mỹ đánh khi xưa. Cái thân già này tưởng chết rồi. Nhà tôi bị sập mái”.

Theo tay cụ chỉ, người con thứ, anh Thường, đang xây lại tường rào bị lốc đánh sập đoạn dài 70 m. Chị Loan, vợ anh Thường, có ba con, lớn nhất mới bốn tuổi: “Thiệt hại của nhà em ước tính tới 10 triệu đồng. Nhà em phải đi vay lãi để tu sửa”. Được biết, ngoài hai gia đình anh Hùng và chị Mười có người chết và bị thương được nhận tiền hỗ trợ, còn các hộ khác chưa có gì.

Ông Trần Văn Huân, Văn phòng UBND xã Tân Lập, cho biết: “Lập Thạch là vùng núi, phát triển nông nghiệp là chủ yếu, phụ thuộc vào thiên nhiên là chính. Chúng tôi đã họp và thông báo tới các gia đình cố gắng nỗ lực. Nguồn thu của xã không có gì”.

Xã Như Thụy cũng trong tình trạng ngân sách trống rỗng. Như Thụy là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nhất ở huyện Lập Thạch. Sau cơn lốc rạng sáng 23/3, toàn xã có bốn người bị thương, bảy nhà sập, hơn 500 nhà tốc mái, 263 hộ bị sập công trình phụ, 250 hộ bị sập tường rào (tương đương 2.000m), 469 hộ bị cây đổ gãy (tương đương 15.000 – 20.000 cây), hoa màu thiệt hại đến 2/3 diện tích… Ông Nguyễn Ngọc Thự, Chủ tịch xã, lắc đầu: “Hai tháng nay, cán bộ xã chưa có lương”.

Huyện miền núi Lập Thạch  bị cắt điện gần nửa tháng nay. Cả huyện gần như lâm vào cảnh mù thông tin. Ông Thự nói: “Trong buổi họp các chủ tịch xã vào sáng 25/3 trên UBND huyện, một vài chủ tịch xã cho biết có tin thông báo về bão lũ có khả năng đi qua Lập Thạch. Nhưng do mất điện, mù thông tin nên không ai biết”.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Lập Thạch, cho biết, toàn huyện có 19 xã bị thiệt hại sau cơn bão, tăng hai xã so với báo cáo nhanh ngày 22/3. Ông Thắng cũng khẳng định, so với báo cáo hiện nay, thiệt hại thực tế còn lớn hơn rất nhiều.

Sau cơn bão, giá gạch tăng từ 1.600 đồng/viên lên 2.200 đồng/viên, plô Việt Trì từ 22.000 đồng/tấm lên 28.000 đồng/tấm, plô Đông Anh (loại đắt nhất) giá từ 30.000 đồng/tấm nay dội lên 35.000 đồng/tấm.

MỚI - NÓNG