Ngọt hóa Trường Sa bằng cỏ vetiver

TS. Võ Văn Minh tại một khu vực vừa được tôn tạo ở đảo Sinh Tồn
TS. Võ Văn Minh tại một khu vực vừa được tôn tạo ở đảo Sinh Tồn
TP - Để cải tạo đất và mạch nước ngầm, tạo tiền đề cho hệ sinh thái trên cạn ở các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa phát triển bền vững, trồng cỏ vetiver là giải pháp có tính khả thi cao, chi phí thấp. TS. Võ Văn Minh, Trưởng khoa Sinh - Môi trường, Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đề xuất.

> Phở Hà Nội nơi đầu sóng Trường Sa
> Tận thấy cá heo vùng biển Trường Sa

Sau gần một tháng khảo sát ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), đoàn công tác gồm nhiều nhà khoa học nhận thấy, các đảo nổi ở Trường Sa có nước ngầm nhưng là nước lợ, có nơi như ở đảo Sinh Tồn, nước ngầm có độ mặn bằng hai phần ba độ mặn nước biển.

Hệ sinh thái trên các đảo có không gian hẹp, độ đa dạng sinh học thấp và đang ở thời kỳ đầu của quá trình diễn thể, dễ bị tổn thương. Bảo đảm nguồn nước ngọt là điều kiện quan trọng nhất để hệ sinh thái trên cạn ở đảo phát triển.

Ngoài việc tích trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt, cần cho nước mưa thấm xuống lòng đất, hạn chế để nước mưa chảy ra biển. Nước mưa thấm sâu xuống lòng đất sẽ giảm sự thẩm thấu của nước biển, làm ngọt hóa nước ngầm.

Theo TS Võ Văn Minh, để tăng cường phát triển thảm thực vật trên các đảo nổi ở Trường Sa, cần hạn chế bê tông hóa bề mặt, phát triển các giống cỏ cải tạo đất, chống xói mòn, giữ ẩm… như cỏ vetiver.

Cỏ vetiver, hay cỏ hương bài, cỏ hương lau có dạng thân cọng, chắc, đặc, cứng và hoá gỗ, mọc thành bụi dày đặc, từ gốc rễ mọc ra rất nhiều chồi ở các hướng, thân cỏ mọc thẳng đứng, cao trung bình 1,5-2m, phiến lá hẹp, dài khoảng 45-100cm.

Rễ chùm cắm sâu 3-4 m sau hai năm trồng, nên cỏ vetiver có thể chịu đựng được khô hạn. Cỏ vetiver sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh thành dạng bụi rậm, che phủ được diện tích rộng nên sẽ giúp hạn chế nước bốc hơi.

Thân, lá, rễ cỏ vetiver khi chết được vùi lấp vào trong đất sẽ phân hủy thành chất hữu cơ làm cho đất trở nên tơi xốp và thoáng hơn.

“Chúng tôi đề xuất đưa giống cỏ vetiver từ đất liền ra trồng với diện tích khoảng 100 - 200 m2 ở một đảo tại Trường Sa, sau đó tách trồng mở rộng”, TS Võ Văn Minh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG