Ngư dân đầm phá Tam Giang-Cầu Hai: Mừng không ngủ được!

Những mẻ lừ, lưới rỗng không vừa được kéo lên từ đầm phá. Ảnh: N.V
Những mẻ lừ, lưới rỗng không vừa được kéo lên từ đầm phá. Ảnh: N.V
TP - Sau sự cố môi trường biển, không chỉ ngư dân ven biển, hàng nghìn hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, lao động ngư nghiệp trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai (tỉnh TT-Huế) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh này cho hay, Chính phủ vừa cơ bản đồng ý hỗ trợ bổ sung cho đối tượng này.

Chồng chất khó khăn

Những ngày đầu tháng 12, dân nuôi cá lồng trên đầm phá ở các xã Lộc Bình, Lăng Cô, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) bỗng chốc trở nên trắng tay, khi cá nuôi đến kỳ thu hoạch hoặc đã quá lứa bị chết hàng loạt, vì sốc ngọt mùa mưa lũ, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Thời gian gần đây, nghề cá lồng tại TT-Huế thường xuyên đối diện rủi ro như vậy, do bất đắc dĩ phải nuôi “vắt” sang vụ trái, rơi vào mùa mưa bão. Ngư dân các huyện, thị xã Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà… biết rõ những bất trắc, nhưng họ không thể làm gì khác, ngoài việc cố nuôi cầm chừng để “chờ thời”, hy vọng bán vào dịp Tết. Tuy nhiên, thực tế số lượng cá thương phẩm tồn đọng hàng trăm tấn kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển. Trước đó, nhiều nơi đã quay lưng với thủy sản nuôi trên đầm phá TT-Huế, do nhầm tưởng cá lồng với cá biển.

Ông Trần Thìn, ngư dân xã Lộc Bình (Phú Lộc) kể: “Cá nuôi từ đầu năm, đến tháng 6 là bán được. Nhưng có ai chịu mua đâu, do bị nhầm với cá biển thời điểm sự cố môi trường. Cố nuôi cầm cự tới Tết thì may ra bán được. Tốn kém phát sinh nhiều, nhưng đùng cái, cá chết hàng loạt, người nuôi trắng tay”. Đợt mưa lớn đầu tháng 12, hộ ông Thìn bị chết 10 lồng cá nuôi, thiệt hại hơn trăm triệu đồng. Còn đối với toàn xã Lộc Bình, tổng thiệt hại còn lớn hơn. Trên 4 tấn cá nuôi thương phẩm (cá vẩu, mú, hồng) vừa bị chết, ngư dân mất trắng hơn 1 tỷ đồng chỉ vài ngày. Tại xã Vinh Hiền (giáp ranh Lộc Bình) cũng xảy ra tình trạng cá nuôi “tồn ao” quá lứa bị chết hàng chục tấn.

Ông Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình, cho biết, do nhầm lẫn giữa cá biển với cá nuôi đầm nước lợ, nên từ những tháng trước, nhiều khách hàng truyền thống trong nước đã quay lưng với đặc sản vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Sang vụ nuôi năm 2017, nghề nuôi cá lồng đầm phá có nguy cơ phá sản, kéo theo dịch vụ cung cấp con giống từ khai thác, ươm cá non tự nhiên vùng cửa biển bị đình trệ. “Sau sự cố môi trường biển, các giống cá rò (cá kình non), cá dìa, cá vẩu trong tự nhiên giờ bỗng trở nên khan hiếm. Mà có bắt được cá non cũng khó bán giống, do nhiều người muốn bỏ nghề nuôi cá lồng. Thất thu lắm!”, ông Trần Cát, ngư dân Lộc Bình, cho biết.

Tại xã Phú Xuân (huyện Phú Vang), do cá tôm trên đầm phá vơi kiệt bất thường, nhiều thanh niên bỏ nghề lưới, ly hương vào Nam kiếm sống. Được biết, đây là một trong những xã có vùng nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh, với 662,7 ha ao hồ tôm, cá. Theo UBND xã, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản tại Phú Xuân năm 2016 tụt giảm bất thường, chỉ đạt 625 tấn, sụt hơn 100 tấn so với năm trước. Ông Trần Đại (70 tuổi, ngư dân Phú Xuân) cho biết, từ tháng 4 đến nay, cá tôm nuôi xen canh hồ liên tục bị chết, số sống sót thì còi cọc, chậm lớn… “Nuôi trồng kém hiệu quả, đánh bắt tự nhiên thì quá bấp bênh do lượng cá tôm trên đầm phá thông ra biển sụt giảm bất thường từ khi sự cố môi trường, đời sống ngư dân trên địa bàn mấy tháng nay chồng chất khó khăn, một số gia đình nguy cơ thiếu đói”, ông Đại nói.

Tín hiệu vui

Trước những khó khăn của ngư dân, mới đây, tỉnh TT-Huế đã kiến nghị Chính phủ xin bổ sung hỗ trợ cho người dân, ngư dân nuôi trồng ở đầm phá, do cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển. Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế, cho biết: Tỉnh đã trình Chính phủ xin hỗ trợ thêm 238,4 tỷ đồng cho các nhóm ngư dân nuôi trồng ở đầm phá. Trong đó, nhóm nuôi trồng thủy sản được kiến nghị hỗ trợ 10 tỷ đồng, đối tượng khai thác thủy sản đầm phá 118 tỷ đồng; nhóm lao động không thường xuyên bị mất việc làm 106,8 tỷ đồng. “Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã cơ bản đồng ý với kiến nghị hỗ trợ bổ sung cho đối tượng đầm phá tỉnh TT-Huế”, ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT TT Huế, thông tin.

Nhiều ngư dân và lãnh đạo địa phương vùng đầm phá tỉnh TT-Huế không giấu được vui mừng khi biết thông tin về hỗ trợ bổ sung. “Vừa rồi, cán bộ xã yêu cầu kê khai đò ghe, ao hồ, số lao động để làm cơ sở hỗ trợ, dân trong vùng tui vui lắm. Mừng không ngủ được. Tui mong sự quan tâm này của cấp trên sớm thành hiện thực”, ông Trần Đại bày tỏ. Ông Hồ Đình Tiễn, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, chia sẻ: Thời gian qua, ngư dân đầm phá gặp rất nhiều khó khăn. Khi biết tin về hỗ trợ bổ sung, bà con phấn khởi cải tạo lại đò ghe, lưới, ao nuôi để chuẩn bị bước vào vụ làm ăn mới. 

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT TT Huế nhận định, ngư dân đầm phá TT-Huế được bổ sung vào đối tượng được hỗ trợ từ nguồn khắc phục sự cố môi trường biển sẽ góp phần tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh trong năm 2017.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.