Ngư dân miền Trung sôi sục

Ngư dân Quảng Nam diễu hành phản đối những hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Thành
Ngư dân Quảng Nam diễu hành phản đối những hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Sáng 11/5, hàng trăm ngư dân 4 xã vùng biển huyện Thăng Bình (Quảng Nam) mít tinh, diễu hành phản đối những việc làm sai trái của Trung Quốc ngay trên chính ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Trong không khí sục sôi, người người đều hướng về biển đảo thiêng liêng, nơi các con em mình đang đương đầu với tàu bè, súng ống của Trung Quốc.

Phải đến hơn 8h sáng buổi mít tinh do Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh và Bình Dương (Thăng Bình) tổ chức mới bắt đầu, nhưng từ sáng sớm hơn 600 ngư dân của 4 xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Nam và Bình Hải đã có mặt.

Câu chuyện về Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam khiến không khí trong khuôn viên ủy ban xã Bình Minh trở nên nóng hơn bao giờ hết. Những ngư dân đen sạm vừa đánh bắt ở Hoàng Sa- Trường Sa về bức xúc kể chuyện bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, phải tướt mồ hôi chống đỡ…

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, thuyền viên trên tàu QNa 90159 vừa cập bến sáng nay, nhưng đã có mặt tại buổi mít tinh. Ông Mạnh kể: Trên đường vào chúng tôi đi ngang qua vị trí giàn khoan HD981, phía Trung Quốc đã huy động nhiều tàu ngăn cản chúng tôi đánh bắt, qua lại buộc phải đi đường vòng.

Cụ bà Lê Thị Thu (thôn Hòa Bình, xã Bình Minh) năm nay đã 80 tuổi, cho biết con cháu cụ đều đang đánh bắt ở Hoàng Sa - Trường Sa. Cụ ở nhà lo lắng đứng ngồi không yên. Nghe tin có mít tinh, cụ chống gậy ra để cùng dân làng bày tỏ thái độ của mình.

Ông Trương Công Bảy, Chủ tịch Hội nghề cá xã Bình Minh cho biết: Xã có 132 tàu đánh bắt cá, trong đó 26 tàu đánh ở Hoàng Sa – Trường Sa. Tất cả các tàu cá của ngư dân đều ra khơi đánh bắt bình thường bất chấp việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Để minh chứng cho những hành động sai trái của Trung Quốc, Nghiệp đoàn nghề cá Quảng Nam đưa ra những hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Cảnh sát biển Việt Nam, tàu kiểm ngư Việt Nam để ngư dân tường tận.

Ngư dân Nguyễn Tấn Hải đại diện cho hơn 600 ngư dân, bức xúc: “Ngư dân chúng tôi rất uất ức, bởi tàu Trung Quốc gây hấn, cản trở việc làm ăn của bà con, liên tiếp đâm vào tàu cá ngư dân và đâm cả tàu của Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vùng biển của Việt Nam là một hành động lấn chiếm. Từ bao đời nay ngư dân chúng tôi thường xuyên khai thác nguồn thủy sản từ nơi này, ngư dân chúng tôi vô cùng phẫn nộ và kịch liệt lên án hành động của phía Trung Quốc. Chúng tôi sẽ đoàn kết một lòng, quyết tâm bám biển và yêu cầu phía Trung Quốc phải đưa ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam để ngư dân chúng tôi tiếp tục làm ăn”.

Ông Hồ Thanh Hưởng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh, kêu gọi bà con ngư dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết gìn giữ bảo vệ biên giới biển đảo bao đời của cha ông, kiên định bám sát ngư trường, quyết tâm cùng nhân dân cả nước sát cánh bên nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ lãnh hải Tổ quốc, quyết tâm vươn khơi, không lùi bước trước sự gây hấn, ngang ngược của Trung Quốc. Ông vừa dứt lời, phía dưới hàng trăm ngư dân cùng đồng thanh hô vang ủng hộ.

Trung Quốc lập “vành đai phòng thủ” cho giàn khoan

Chiều 11/5, Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, hiện nay, Trung Quốc đang thiết lập một “vành đai” bằng nhiều loại phương tiện như các tàu quân sự, hải cảnh, hải tuần, vận tải… xung quanh giàn khoan HD 981, với bán kính khoảng 7 hải lý nhằm ngăn không cho các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam như Cảnh sát biển, Kiểm ngư tiếp cận giàn khoan phi pháp này. Mỗi khi tàu của Việt Nam tiến lại gần giàn khoan HD 981, số đông các tàu Trung Quốc sẽ quây lại và liều lĩnh đâm vào tàu Việt Nam và phun vòi rồng. Để đối phó với động thái hung hăng này, mỗi khi phát hiện tàu Trung Quốc bắt đầu cơ động, các tàu của Việt Nam luôn chủ động tăng tốc để tránh những cú đâm, va trực tiếp, nhằm tránh những hành vi khiêu khích và không để xảy ra thiệt hại cho người của ta.

“Tuy nhiên, một hai ngày nay, các tàu Trung Quốc đã không còn tiếp diễn hành vi đâm thẳng vào tàu Việt Nam mà thường dùng nhiều tàu để quây lại, chặn trước chặn sau tàu của ta”, Đại tá Thu cho biết.

Ngày 10/5 và 11/5, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phát hiện Trung Quốc cho một số tốp máy bay hoạt động ngay trên khu vực hạ đặt giàn khoan. Đặc biệt, có những lúc, những máy bay này bay ngay phía trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam và hạ độ cao xuống cách tàu của ta chỉ khoảng 200 đến 300m.

Nguyễn Minh

MỚI - NÓNG