Ngư dân mong biển sạch trở lại

Lão ngư Nguyễn Văn Thoạnh mong muốn vùng biển trong sạch trở lại để người dân yên tâm bám biển.
Lão ngư Nguyễn Văn Thoạnh mong muốn vùng biển trong sạch trở lại để người dân yên tâm bám biển.
TP - Sau khi cá chết hàng loạt người dân rất hoang mang và gặp nhiều khó khăn. Trong cơn bĩ cực ngư dân được Chính phủ và các tổ chức kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ vượt qua cơn khó. 

“Chúng tôi không dại gì đi đập phá”

Hôm qua, 30/6, PV Tiền Phong có mặt tại âu thuyền thôn Ba Đồng (Kỳ Phương, TX Kỳ Anh), cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) và Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) để ghi nhận không khí người dân vùng biển trước giờ Chính phủ công bố nguyên nhân gây nên thảm họa môi trường tại vùng biển bốn tỉnh miền Trung vừa qua. Tại âu thuyền thôn Ba Đồng, có khá nhiều thuyền đánh cá đang cập bến sau những ngày đánh bắt cá trở về. 

“Hiện tượng cá chết trong thời gian qua gây hoang mang cho người dân nơi đây. Miếng cơm manh áo của gia đình phụ thuộc vào tấm lưới, cái câu. Cá đánh về giá quá rẻ khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong lúc hoạn nạn thì Chính phủ và các tổ chức đã chung tay cùng người dân”, ngư dân Hoàng Lĩnh, thôn Minh Huệ, Kỳ Phương, TX Kỳ Anh nói.

Theo anh Lĩnh, gia đình anh có 5 khẩu, sau khi cá chết đã được hỗ trợ 5 triệu đồng và gạo, mỳ tôm, quà từ nhiều đơn vị, tổ chức trên cả nước. “Vừa rồi nghe mọi người nói Chính phủ hỗ trợ gạo cho người dân trong vòng 6 tháng nên cũng đỡ lo lắng. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục để người dân yên tâm bám biển”, anh Hoàng Lĩnh cho biết.

Rút kinh nghiệm từ sự kiện biểu tình ngày 14/5/2014, anh Hoàng Lĩnh khẳng định, sẽ không có chuyện đi biểu tình hay đập phá. “Mình không dại gì đi làm chuyện đó. Ai đúng ai sai đã có các cơ quan nhà nước giải quyết. Chỉ mong sao vùng biển trong sạch trở lại để ngư dân yên tâm bám biển”, anh Lĩnh nói.

“Cả mấy đời làm nghề biển, người dân mong muốn các cơ quan chức năng trả lời rõ ràng cho người dân là biển đã sạch chưa, cá có độc tố nữa hay không. Để các thế hệ con cháu sau này yên tâm bám biển. Người dân hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng vào các chính sách của Đảng và nhà nước”.  

Lão ngư Nguyễn Văn Thoạnh, thôn Tiến Thắng, Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh

“Chưa năm nào người dân đánh bắt vùng lộng được mùa như năm nay. Đang vào mùa xảy ra sự cố cá chết. Người dân khổ trăm bề, cá đi về bán giá rẻ, không đi biển không có nghề gì nữa”, lão ngư Nguyễn Văn Thoạnh, thôn Tiến Thắng, Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh buồn bã. 

Theo lão ngư Thoạnh, trong cơn khó khăn người dân xã Kỳ Ninh nhận được sự hỗ trợ của nhà nước và các đơn vị, tổ chức trên cả nước. “Cả mấy đời làm nghề biển, người dân mong muốn các cơ quan chức năng trả lời rõ ràng cho người dân là biển đã sạch chưa, cá có độc tố nữa hay không. Để các thế hệ con cháu sau này yên tâm bám biển. Người dân hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng vào các chính sách của Đảng và nhà nước”, lão ngư Thoạnh nói. 

Cũng có ý kiến mong người dân rút kinh nghiệm sâu sắc về sự bột phát trước đây. “Việc nào ra việc đó, ai làm sai người đó chịu trách nhiệm, xử phạt nghiêm minh. Đi biểu tình, đập phá đồ đạc của họ mình phải đền bù lại chứ được cái gì. Phải bắt họ không bao giờ làm sai nữa, nhà nước phải bắt họ cam kết rõ ràng”, vợ lão ngư Nguyễn Văn Thoạnh nói với PV Tiền Phong sau khi biết thông tin Formosa chính là thủ phạm gây ra cá chết.

Chung tay cùng ngư dân

Sau khi có sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp giúp ngư dân sớm ổn định cuộc sống yên tâm trở lại bám biển. Theo đó, đã hoàn thành việc hỗ trợ gạo đến tận người dân với khối lượng 1.505,418 tấn cho hơn 17 nghìn hộ dân, hỗ trợ 666,2 triệu đồng cho các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại, hỗ trợ tiền cho 4.681 chủ tàu, thuyền, với số tiền là trên 21 tỷ đồng. Hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đang ứng trước ngân sách tỉnh để thực hiện các nội dung theo Quyết định số 772/QĐ-TTg, đồng thời triển khai ngay Quyết định số 1138/QĐ-TTg ngày 25/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại theo khối lượng muối thực tế thu mua trong vòng 1 năm kể từ ngày 1/6/2016 đến ngày 30/9/2016.

Hệ thống quan trắc tự động đã hoạt động từ 18/5

Ngày 18/5, Trung tâm điều hành hệ thống quan trắc tự động do UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư chính thức đi vào hoạt động giám sát trực tuyến 24/24 giờ việc xả nước thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Cty FHS) với 06 thông số (pH, Nhiệt độ, COD, Chất rắn lơ lửng, Tổng Nitơ và Lưu lượng nước thải). UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Cty FHS khẩn trương đầu tư lắp đặt bổ sung thiết bị quan trắc nước thải tự động để quan trắc đủ 12 thông số của nước thải theo quy định gồm: pH, Nhiệt độ, COD, Chất rắn lơ lửng, Tổng Nitơ, Tổng dầu mỡ khoáng, Tổng phenol, Tổng xianua, Cadimi, Thủy ngân, Crom (VI) và Lưu lượng nước thải. Hiện nay Cty đã lựa chọn được một số thiết bị để quan trắc và đang xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự phù hợp của thiết bị nêu trên để tiến hành lắp đặt.

Hiện Bộ TNMT đang thực hiện thiết kế và triển khai xây dựng Trạm quan trắc nước thải tự động kiểm soát việc xả thải của Cty FHS với diện tích 100m2. Chiều qua, 30/6, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước mắt tỉnh sẽ có các chính sách kịp thời để hỗ trợ ngư dân yên tâm đánh bắt xa bờ như đóng tàu thuyền, bảo hiểm, ngư cụ. “Những ngư dân mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa về mọi mặt”, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định. 

MỚI - NÓNG