Ngu đâu mà lại đi đứng tên tài sản

TP - “Người có chức vụ, quyền hạn có ngu đâu mà lại đi đứng tên tài sản. Bí thư Tỉnh ủy nhưng con làm doanh nghiệp thì chẳng có ông bí thư nào lại đứng tên tài sản cả”, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp từng nhắc đi, nhắc lại vấn đề này trong nhiều phiên thảo luận về Dự thảo Luật PCTN.

Còn nhớ, khi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 được ban hành, rất nhiều người trong Ban soạn thảo khi đó bày tỏ rằng “có luật thì tham nhũng sẽ giảm hẳn”… Nhưng thực tế, sau 12 năm và sau hai lần sửa (lần này là lần sửa đổi thứ 3 với phạm vi sửa đổi toàn diện), đến nay tham nhũng vẫn diễn ra một cách nghiêm trọng, phức tạp, dù rất nhiều “củi khô”, “củi tươi” đã bị cho vào “lò”…

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên được các cơ quan chức năng và chuyên gia chỉ ra là do những bất cập về pháp luật PCTN. Trong một cuộc hội thảo về sửa đổi Luật PCTN cách đây không lâu, ông Jairo Acuna-Alfaro, Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc đã từng thẳng thắn nhận xét rằng: “Pháp luật PCTN của Việt Nam có thể ví như “một con hổ không răng” do thiếu nội lực đủ mạnh để thực sự mang tính răn đe, và hiệu lực trong thực tiễn”.

Để không còn tình trạng “hổ không răng” và cũng là hướng đến mục tiêu “không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng”, một lần nữa, năm 2017 Luật PCTN được Chính phủ trình ra Quốc hội để sửa đổi theo quy trình 3 kỳ họp (dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2018). Khi nói về việc sửa đổi này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, Dự thảo Luật đã ban hành nhiều quy định mới, để khi chính thức được thông qua sẽ không còn là “hổ không răng”.

Thực tế, sau nhiều lần thảo luận, chỉnh sửa, Dự thảo Luật PCTN đã bổ sung nhiều quy định mới. Trong đó, một trong những đề xuất được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá là quy định đánh thuế ở mức 45% đối với tài sản kê khai không giải trình được nguồn gốc hoặc giao cho tòa phán xét.

Đây cũng là “nút thắt”, là điểm yếu dẫn đến tình trạng kê khai hình thức, kê khai một đằng nhưng thực tế lại một nẻo. Kê sai nhưng không có chế tài xử lý diễn ra bao nhiêu năm qua. Ngay cả trường hợp phát hiện người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản không đúng thì với pháp luật hiện hành cũng không có cơ chế để xử lý, mà vụ “biệt phủ khủng của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái” là ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng chỉ là một trong số các giải pháp phòng ngừa, hiệu quả ở mức độ nhất định. Bởi nếu có hành vi tham nhũng thì chẳng cán bộ nào lại dại đứng tên “chính chủ” cho các biệt phủ, xe sang, du thuyền, resort. Họ phải tìm cách tẩu tán, sang tên cho những người thân, người quen - vốn không thuộc diện phải kê khai.

“Tôi nói thật, người có chức vụ, quyền hạn có ngu đâu mà lại đi đứng tên tài sản. Bí thư Tỉnh ủy nhưng con làm doanh nghiệp thì chẳng có ông bí thư nào lại đứng tên tài sản cả”, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp từng nhắc đi, nhắc lại vấn đề này trong nhiều phiên thảo luận về Dự thảo Luật PCTN.

Theo ông Quyền, muốn PCTN thì điều quan trọng nhất là phải có cơ chế kiểm soát tài sản thu nhập của toàn xã hội. Có thế, mới kiểm soát, ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ra.

Theo ông Hiển, nếu tất cả chi tiêu từ 500 nghìn đồng trở lên là phải thanh toán không dùng tiền mặt thì “ông tham nhũng, có tiền trong nhà cũng không tiêu nổi. Cho nên, phòng là quan trọng nhất. Chúng ta cương quyết thanh toán không dùng tiền mặt, phải kiểm soát hết”.

MỚI - NÓNG