Ngủ giữa 2.000 cây pơ mu

Một gốc Pơ mu cổ thụ
Một gốc Pơ mu cổ thụ
TP - Đỉnh núi Zi’liêng (A Xan, Tây Giang, Quảng Nam) ngút tầm mắt phủ màu xanh mướt nhờ những tán lá rừng Pơ mu cao vút. Bao đời nay, đại ngàn Pơ mu kỳ vĩ bao bọc người Cơ Tu nơi “cổng trời” Tây Giang, phía đầu ngọn nước, con suối.

Mê trận rừng già 


Pơơ long Tới (38 tuổi, A Xan) xốc ba lô nặng trĩu, thoăn thoắt tay rựa phát quang, bước chân rắn rỏi vượt đồi. Đường vào vùng “lõi” đại ngàn Pơ mu hoang sơ. Đồi dốc trập trùng, đang bước dọc đỉnh đồi lại “rớt” xuống vực thăm thẳm, âm u dưới tán lá rừng ken đặc.

“Phải đổ mồ hôi và cả máu mới vào nổi vùng lõi Pơ mu”, anh Tới vừa dứt lời, phía dưới chân từng đàn vắt rừng túa ra từ kẽ lá. Vài người chậm chân, bị dính vắt, chân tóe máu. Pơơ long Tới bảo: Người bản địa cái chân đã thạo với rừng, con suối, đi còn khó. Người ngoài càng gian nan, nguy hiểm. Nếu không có người dẫn đường, rất dễ lạc vào “mê trận”.

 
Ngủ giữa 2.000 cây pơ mu ảnh 1 Đội tuần tra bảo vệ rừng Pơ mu

Con đường mới đang được huyện Tây Giang khảo sát thành nỗi ám ảnh người đầu tiên đi rừng. Cả đoàn tự tìm cách giữ thăng bằng, di chuyển giữa vệt đường tí tẹo, hiểm trở. 

Mặt trời đứng bóng, nhưng phải thêm 2 tiếng đi bộ, đỉnh núi Zi’liêng mới ẩn hiện trước mắt. Cả đoàn lọt thỏm vào đại ngàn cây phủ, mặt đất bỗng xốp nhẹ bập bềnh. Hàng loạt cây cao lớn, đâm lên từ mặt đất đón nắng. Trong quần thể dổi hương, dổi đá và ít loài gỗ tạp, từng cây Pơ mu nổi bật đầy kiêu hãnh vút tầm cao nhất với độ thẳng hiếm có, chắc nịch. 

Tăng Tấn Lộc - kiểm lâm viên huyện Tây Giang - đo đếm thủ công bằng sải tay. Mỗi gốc chừng 3-4 người ôm không xuể. Gốc cây như hóa đá chai sần vết tích thời gian, phủ rong rêu xanh rì, lộ những bộ rễ đầy mê hoặc. 

Anh Lộc bảo: Từ trung tâm đỉnh trời Zi’liêng này phóng tầm mắt theo hướng các ngón tay sẽ là bạt ngàn quần thể Pơ mu hiếm có. Pơ mu thích độ cao, nhiệt độ mát mẻ, chủ yếu phân bổ từ vệt nửa đỉnh đồi núi trở lên. Dáng vẻ Pơ mu kiêu hãnh, thân Pơ mu vặn chắc với những đường vân huyền ảo, hương thơm khó lẫn. Đang mùa hanh nắng nhưng dưới tán lá rừng Pơ mu ken đặc chẳng khác nào đứng cạnh chiếc tủ lạnh khổng lồ mát rượi. Ban ngày, mặt trời như tắt nắng vì không thể xuyên thủng tán rừng Pơ mu.

Đánh số Pơ mu

096, 097, 098... đội tuần tra rừng thôn A Rầng 1 (A Xan) cẩn thận kiểm đếm từng vệt dấu trên các thân cây Pơ mu. Thân cây đánh dấu bằng sơn đỏ, theo số thứ tự. Sải bước chưa đầy trăm mét, có vài chục gốc Pơ mu nối nhau lừng lững. 

Ngủ giữa 2.000 cây pơ mu ảnh 2

Đánh số thứ tự cho cây Pơ mu mới vừa phát hiện

Theo anh Lộc, vừa có thêm vài trăm cây được phát hiện, đánh số thứ tự, nâng tổng số đã kiểm đếm lên gần 1.200 gốc Pơ mu. Vương quốc Pơ mu trải dài trên 6 thôn, 2 xã A Xan, Tr’Hy của Tây Giang. Trong đó, đỉnh Zi’liêng đóng vai trò “thủ phủ”. 

Theo ước tính của Hạt Kiểm lâm Tây Giang, tổng diện tích cây Pơ mu phân bổ lên đến trên 300 ha, từ tiểu khu 94 đến tiểu khu 97, kéo dọc sang tận biên giới với Lào. Zơ Râm Kiên (28 tuổi, A Rầng 1), tự hào: Cái chân mình đi nhiều nơi, xuyên nhiều rừng nhưng chỉ đỉnh đồi con suối Zi’liêng bao quanh mới có Pơ mu.

 
Bí thư huyện ủy Tây Giang, B’hriu Liếc khoe: Có đến gần chục cây thuộc hàng “khủng” nhất, là điểm nhấn của đại ngàn Pơ mu. Như cây đánh số 477, có chiều cao gần 50m, đường kính 2,5m, số lượng gỗ lên đến 50m3. Tại thân cây mang số 200, vỏ cây như tấm áo giáp rách bươm sau thăng trầm thời gian, xẻ những đường rãnh dài.

Tuy nhiên, thử bóc tách thớ vỏ này phải dùng đến sức khỏe của cánh trai tráng bản địa. Hàng ngàn cây, nhưng mỗi cây mang dáng vẻ với “mật danh” khác nhau. Kỳ dị như cây Pơ mu Voi do chính vị Bí thư huyện ủy này gọi tên, bởi cội rễ, gốc cây chẳng khác gì hình thù con voi to lớn. Nhìn trực diện, gốc cây 168 mang hình thù đầu một chú voi với vòi dài thòng xuống đất, hốc cây sâu hoắm tạo thành cặp mắt đen ngòm, mặt voi tô điểm hai cái ngà dang rộng. 

“Huyện đang chụp hình toàn bộ cây Pơ mu Voi để làm thành biểu tượng vương quốc Pơ mu của Tây Giang”, ông B’hriu Liếc nói. 

 
Ngủ giữa 2.000 cây pơ mu ảnh 3 Độc đáo Pơ mu Voi
Ít nhất đã 4 lần cắt rừng vào vương quôc Pơ mu, nhưng ông Liếc nói “đi miết mà chưa thấy nhàm”. Mỗi lần đi, ông cùng đoàn lại phát hiện thêm vô số những cây Pơ mu mới cần đưa vào danh sách bảo vệ. Đêm ngủ lại giữa núi rừng Pơ mu. Trận mưa rừng xối xả khiến cái lạnh càng thêm sâu. Một cây Pơ mu bị sét đánh dọc thân.

Ông Cơ lâu Hạnh, Phó chủ tịch HĐND huyện Tây Giang, cho hay: Dọc đường mới, nhiều cây chưa thể đánh số. Con số Pơ mu chắc chắn không chỉ dừng lại ở hơn 1.200, mà có thể đến 2.000 cây. 

Hướng về Rừng di sản 

“Dadinh Jaliêng hangêê”... lời khấn của già làng Pơơ Long Jim (68 tuổi, A Rầng 1) đến Plêêng (Trời) nhằm cùng người dân Cơ Tu chung sức bảo vệ cho từng cội cây rừng. Bàn thờ kết bằng cây rừng, đặt chính giữa lá cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ. Đồ lễ đầy đủ gà, đầu heo, 2 quả trứng, 2 chén cơm, rượu, thuốc, hương, vàng mã mang phong tục của người Cơ Tu.

Già Jim đốt nhang khấn vái, rồi lấy huyết gà trong bát bôi vào vị trí đánh số thứ tự của cây Pơ mu lớn nhất đỉnh Zi’liêng. Già Jim bảo: Người Cơ Tu lớn lên với cây thiêng Rê rê (còn gọi cây Đà) nhưng chết đi chỉ mong gởi thân xác vào cỗ quan tài bằng gỗ Pơ mu cao quý. Cây Rê rê trồng ngay bản làng, gỗ dùng làm nhà truyền thống.

Không người nào được tự ý chặt phá. Còn cây Pơ mu giữa những đỉnh núi xa tít tắp, đi bộ cả ngày trời chưa tới. Khi trong làng có người chết, người dân cắt rừng vào đại ngàn Pơ mu, thắp hương cúng rừng rồi chọn một cây đủ kích cỡ làm quan tài, đốn hạ mang về.

“Người Cơ Tu chết đi, mọi thứ mang theo chỉ đặt trên nấm mồ, chỉ quan tài là theo họ vùi sâu vào lòng đất. Pơ mu là gỗ quan tài tổ tiên ao ước. Loài gỗ này chắc, nhẹ, chôn dưới đất vẫn tươi rói, không bị mục ruỗng, gỗ có tinh dầu thơm. Chỉ gia đình giàu có mới đủ điều kiện dùng”, già Jim nói. 

Từ nhỏ, già Jim đã theo cha vào đại ngàn Pơ mu. Rừng nguyên vẹn hoang sơ. Sau này một số người dùng gỗ Pơ mu đóng vật dụng trong nhà. Già Jim quả quyết: Giờ nhà nước tuyên truyền, hướng dẫn rồi, không ai được tự phát đốn hạ Pơ mu nữa. Các bản làng đều chung tay bảo vệ. 

Theo anh Pơơ long Đội, Trưởng thôn A Rầng 1, từ năm 2007, thôn lập đội tự vệ bảo vệ rừng với khoảng 5-7 thành viên. Mỗi ca có 2 người cùng các thôn bản khác tuần tra dọc rừng Pơ mu. Zơ Râm Bung (38 tuổi, thôn A Rầng 1) thành viên đội, bảo: Mọi người tự nguyện gác việc nhà, lo việc rừng. Mỗi buổi tuần tra kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt.

Hôm nào gặp mưa rừng, cả đoàn mắc võng, che bạt ngủ ngay giữa rừng, vì đường về trơn trượt. Mới đây, anh Bung men con đường mới hiểm trở, trượt ngã gãy chân. Vừa hồi phục, anh lại hăng hái cắt rừng vào canh giữ Pơ mu. 

Ngủ giữa 2.000 cây pơ mu ảnh 4

“Huyện huy động sức dân cùng bảo vệ rừng, trong đó thanh niên mở đường tuần tra. Rừng Pơ mu, cây đa cổ thụ gần 900 năm, rượu sâm Ba kích, sâm Ngọc Linh... sẽ tạo thành chuỗi giá trị du lịch cao, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng bền vững cho Tây Giang” .

Bí thư Huyện ủy

B’hriu Liếc

Bí thư huyện ủy B’hriu Liếc cho hay: Viện sinh thái học miền Nam (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã khảo sát rừng Pơ mu, lấy mẫu gởi ĐH Columbia (Mỹ). Dự kiến tháng 8 tới có kết quả. Nhưng ước tính nhiều gốc Pơ mu cổ thụ phải tới hàng ngàn năm tuổi.

“Huyện đang lập đề án xin công nhận đây là Rừng di sản”, ông Liếc nói.

Đích thân vị Bí thư huyện ủy 49 tuổi, hiện là Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, trực tiếp nhiều lần cùng lực lượng chức năng khảo sát tuyến đường mới vào rừng. 

Ông Liếc bảo: Đường mới xa hơn, hiểm trở hơn nhưng phải kéo dãn đường ra để tránh tác động đến môi trường tự nhiên. Ý tưởng gắn bảo vệ với phát triển du lịch sinh thái đường rừng đã hình thành. Huyện Tây Giang nghiên cứu tổ chức các điểm tham quan, dựng lán trại, chọn những thân cây to để làm “nhà cây”.

Đây chắc chắn sẽ là điểm đến của những người yêu rừng, thích khám phá vẻ hoang sơ tự nhiên.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.