Ngụ ngôn hiện đại

Ngụ ngôn hiện đại
TP - Những ngày qua, công luận lại nóng lên với chuyện ông Hoàng Kiều, người đã đem cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về Việt Nam bất thành qua thương vụ mua đứt Cty du lịch Tiền Giang (CTDLTG) và nhiều khu đất ở tỉnh Tiền Giang.

>> Lại nóng bỏng chuyện ông Hoàng Kiều

Người ta nhận ra đại gia đến với đây không hẳn vì “thực hiện mục tiêu từ thiện, xóa nghèo ở Tiền Giang” như vị này tuyên bố.

Việc cổ phần hoá tại CTDLTG đúng hay sai, tài sản Nhà nước bị bán rẻ hay không sẽ chờ hạ hồi phân giải. Nhưng với những gì đang diễn ra, dư luận càng thấy rõ những chiêu thức gom đất qua những thương vụ cổ phần hóa.

Đã có khá nhiều ngôn từ ca ngợi đại gia này, trong đó có tầm nhìn xa của ông. Trong vụ CTDLTG ông Kiều đã chứng tỏ cho thiên hạ thấy sự ca ngợi ấy không sai vì chỉ cần vài chục tỷ ông đã mua đứt CTDLTG để nắm quyền sử dụng hàng trăm ngàn mét vuông đất vàng tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

Giờ đây, ông đã không ngại phát văn bản yêu cầu cơ quan công quyền đi chỗ khác để giao đất cho mình. Tuy nhiên, nhìn cái cách mà ông này mua đất của dân ở cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) với mục đích ban đầu để tổ chức hoa hậu rồi sau đó khất nợ thì có nhiều điều đáng để bàn. Nếu Hoa hậu Thế giới 2010 ( HHTG) về Tiền Giang, đất Thới Sơn sẽ tăng giá ào ào và nhiều mục đích của đại gia Hoàng Kiều đạt được thì chắc không có chuyện dân đòi kiện tỷ phú ra Tòa đòi nợ…

Câu chuyện trên làm người ta nhớ lại lí do ông Kiều cương quyết chuyển HHTG 2010 từ Khánh Hoà về Tiền Giang. Để phục vụ cuộc thi, Tập đoàn RAAS mà ông Kiều làm chủ tịch xin xây dựng gấp khu du lịch sinh thái có tên gọi “Ngàn sao dưới nước” ở khu vực Đầm Bấy (Nha Trang- Khánh Hoà) với diện tích lên tới 1.530 ha .

Thế nhưng dự án này bị hủy bỏ vì công luận phản đối và Chính phủ không chấp thuận. Sau đó ít lâu ông Kiều không còn mặn mà với cuộc thi ở Khánh Hoà nữa và dư luận cũng đã cảm nhận được những toan tính đằng sau. Nghi ngờ càng tăng cao khi HHTG chưa về Tiền Giang nhưng đất nhiều khu vực ở đây đã nóng sốt theo những dự án với quy mô chấn động của ông Hoàng Kiều. Những dự án ấy giờ đang dang dở, nhưng đất đai của ông Kiều ngày càng rộng hơn.

Chuyện ông Kiều không khỏi làm nhiều người liên tưởng đến một đại gia đã tổ chức một cuộc thi hoa hậu tầm quốc tế khác. Cũng với danh nghĩa cần đất để xây những công trình phục vụ cuộc thi, vị này đã có thêm hàng trăm hécta đất nhập vào khu du lịch của mình.

Chợt giật mình nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn sói và cừu. Sói năn nỉ xin gửi một chân, hai chân rồi chân thứ ba và kết cục là ăn thịt cừu.

Những sắc màu lòe loẹt khi họ vẽ ra những dự án đầu tư chỉ có thể đánh lừa được những người nhẹ dạ, cả tin và chuộng hình thức. Sự cảnh giác trong thương trường được ví như chiến trường là cần thiết. Với những người quản lí thì điều đó lại càng được coi là tối cần thiết để làm lá chắn ngăn chặn những toan tính trục lợi sau vỏ bọc cái đẹp và hướng thiện.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.