Ngư phủ ăn “Tết biển”

Ngư phủ ăn “Tết biển”
TPO - Giáp Tết Kỷ Sửu 2009, các cửa biển Cà Mau vắng đàn ông con trai. Họ ra khơi trên những con tàu khai thác biển. Chuyến đi biển bắt đầu từ cuối năm cũ, đến tháng Giêng năm mới.

Ông Trần Văn Đầy, ở cửa biển Khánh Hội (U Minh) có con tàu câu mực, hoạt động suốt Tết trên biển: “Bà con ngư dân Khánh Hội chủ yếu làm nghề câu mực, trông đèn, lưới đèn,…khai thác những ngày tối trời, tránh trăng sáng. Năm nào cũng vậy, bà con cho tàu ra khơi ăn Tết biển.”

Thời khắc đất trời chuyển sang năm mới, những con tàu khai thác biển vẫn miệt mài, lênh đênh trên biển. Ông Đàm Văn Nguyên, 56 tuổi, ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) giàu kinh nghiệm, dự đoán: “Chuyến biển Tết thường trúng mùa cá tôm. Dịp Tết, biển êm, gió thuận, ít tàu hoạt động khai thác nên nhiều tôm cá hơn ngày thường”.

Ông Nguyễn Tấn Biểu, 60 tuổi, có đoàn tàu 13 chiếc. Ông ra tận Trạm kiểm soát Biên phòng, đóng tại cửa biển Sông Đốc, tiễn đưa anh em ngư phủ ra khơi. “Tôi làm ngư phủ từ hồi nhỏ, thương anh em lắm. Đời ngư phủ ở trên tàu nhiều hơn ở với vợ con. Chuyến biển Têt vào đêm Giao thừa, vương vấn làm sao!”

Bà Trần Thị Dung, 58 tuổi, vợ ông Biểu, ngồi coi thợ vá lưới. Gia đình bà thường xuyên có khoảng 80 phụ nữ vá lưới là vợ con của ngư phủ. Vợ chồng bà cất mấy chục căn nhà cho gia đình “bạn ruột” ở để làm nghề. Bà Trần Thị Dung tâm đắc: “Mình làm ăn được là nhờ ngư phủ, vợ con ngư phủ. Tết, ngư phủ không ở nhà ăn Tết với vợ con. Đằng này, họ ra biển. Tôi phải chuẩn bị cho ngư phủ ăn Tết trên biển gần bằng đất liền.”

Ngư phủ ăn “Tết biển” ảnh 1
Vá lưới - nghề kiếm tiền của vợ con ngư phủ trên đất liền

Ông Nguyễn Văn Thiên, cán bộ thủy sản thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời), cho biết: “Năm nay, bà con ngư dân cho tàu ra khơi ăn tết biển đông nhất từ trước đến nay, khoảng 80%. Những tháng cuối năm, giá hải sản xuống rất thấp, bà con muốn bù lại.”

Ngư phủ ra khơi, gia đình no ấm hơn

Ngư phủ ăn trước, trả sau. Chuyến biển vào dịp Tết, các chủ tàu cho tạm ứng hàng triệu đồng để lo cho gia đình ăn Tết. Còn ngư phủ được chủ tàu thưởng theo thời gian làm việc, sức đóng góp trong suốt năm qua.

Ông Trần Văn Sơn (Sơn Cà Na) cho biết: “Ngư phủ là bạn ruột cho từ 300- 500 ngàn đồng. Riêng tài công, thuyền trưởng phải thưởng vài triệu đồng.”

Ngư phủ ăn “Tết biển” ảnh 2

Tàu cá mua bán sản phẩm ngay trên biển

Ông Nguyễn Văn Kim (Bảy Kim), 70 tuổi, ở cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời) gắn liền với nghề biển từ nhỏ. Bây giờ, ông Bảy Kim không còn lênh đênh trên biển, giao con tàu cho con trai, tài công thân tín. Nhưng ông vẫn còn nhớ:

“Đêm giao thừa, anh em ngư phủ trên tàu quay quần bên mâm cúng Ông Nam Hải (Tại thị trấn Sông Đốc có lăng Ông Nam Hải- thời cá ông) phù hộ cho mưa thuận gió hòa, trúng mùa tôm cá. Rồi anh em vui chơi đón Giao Thừa.”

Anh Võ Văn Tâm, 41 tuổi, thuyền trưởng tàu lưới Phi Yến 5, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) tiết lộ: “Chủ tàu không cho mang rượu theo tàu cá. Nhưng anh em ngư phủ vẫn cần hơi men trong đêm Giao Thừa. Anh em “ém” vài lít nhưng phải quản lý chặt chẽ, không để say. Anh em ngư phủ trên tàu của tôi ơ quen biết tính nhau hết rồi, không lo lắm!”

Chuyến ra khơi cuối năm, ngư phủ còn háo hức làm việc tốt, trúng mùa để được chủ tàu thưởng. Ông Nguyễn Tấn Biểu tâm sự: “Chẳng ai bắt mình phải thưởng cho ngư phủ. Nhưng qua Tết, anh em được lì xì xứng đáng với công sức của họ, nhất là chủ tàu lai rai để bù những ngày Tết xa nhà, lênh đênh trên biển.”

MỚI - NÓNG