Thử nghiệm thuốc kích thích tăng trưởng trên rau:

Ngứa đâu gãi đấy

Ngứa đâu gãi đấy
TP - Quan chức Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, việc thử nghiệm thuốc kích thích sinh trưởng (KTST) trên cả ba vùng Bắc, Trung và Nam đã bắt đầu trồng cây từ cuối tuần vừa rồi là để giải tỏa thắc mắc của dư luận.

Trao đổi giữa PV Tiền phong với TS Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, việc thử nghiệm được tiến hành cụ thể như thế nào?

Tại khu vực phía Bắc, sẽ thử nghiệm ở Viện Nghiên cứu rau quả, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội).

22/3, sẽ phun thuốc KTST lên cây. Xử lý thuốc ở miền Trung và miền Nam cũng sau khi trồng 15 ngày.

Chúng tôi thử nghiệm trên hai loại rau là rau cải và xà lách. Riêng xà lách, chỉ thực hiện ở miền Bắc. Về thuốc, chúng tôi thử hai loại thuốc KTST tiếng Trung Quốc (không có tiếng Việt) là 920 và GA3 và một loại KTST trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Mỗi loại thử hai liều. Mỗi mẫu rau và mẫu thuốc thử nghiệm trên 50m2 và lặp lại ba lần. Tương ứng với mỗi ô thử nghiệm phun thuốc, có một ô đối chứng, không phun thuốc. Vị chi, tổng diện tích thử nghiệm ở cả ba vùng là trên 1.000m2.

Mục đích thử nghiệm là gì, thưa ông?

Cần làm rõ bốn vấn đề. Thứ nhất, xác định thành phần hoạt chất có trong hai loại thuốc ngoài danh mục. Thứ hai, đánh giá khả năng KTST của thuốc ngoài danh mục bao gồm chiều cao cây, độ rộng tán, hàm lượng chất diệp lục, năng suất.

Thứ ba, xem xét chất lượng rau sau khi được xử lý bằng thuốc KTST trên các khía cạnh như hàm lượng chất khô, vitamin C, nguyên tố vi lượng, v.v... Và thứ tư là đánh giá dư lượng thuốc KTST thời điểm phát triển của cây rau.

Vẫn theo TS Bùi Sỹ Doanh, về mặt kỹ thuật trồng, pha chế và phun thuốc, Cục BVTV không công bố bây giờ.

“Tất nhiên phải chuẩn bị đầy đủ”, TS Doanh nói. Theo lộ trình, khoảng ngày mùng 10/4, hội đồng khoa học sẽ họp, đánh giá sơ bộ lần thứ nhất, báo cáo kết quả lên Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng sẽ quyết định công bố.

Thuốc KTST không xa lạ đối với cơ quan quản lý? Không cứ nhà khoa học, các nhà quản lý cũng biết chúng thực sự có tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh hơn bình thường của cây trồng?

Đúng vậy. Chúng tôi biết rõ bản chất thuốc KTST là làm giảm quá trình phân chia tế bào, kéo dài tế bào, và tăng hormon sinh trưởng. Nếu dùng quá nhiều, sẽ làm tăng quá trình không bào hóa; càng để lâu càng dài.

Đối chiếu với nội dung thí nghiệm trên quy mô lớn vừa đề cập ở trên, chúng tôi thấy phần lớn là để tìm hiểu những điều các nhà quản lý và nhà khoa học đã biết. Những nội dung đó cũng đã được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV)  và Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện. Vậy, ta vẫn tìm hiểu những điều ta đã biết rõ thì để làm gì, thưa ông?

Thực tế chúng tôi biết như thế nhưng vẫn phải kiểm tra lại trên cơ sở kết luận khoa học được hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá. Về liều lượng thuốc trong thí nghiệm, chúng tôi sẽ dùng liều lượng gấp đôi so với khuyến cáo trên nhãn và dùng theo liều lượng mà nông dân dùng.

Về nguyên tắc, với thuốc ngoài danh mục không được phép tàng trữ sử dụng, chúng tôi không đánh giá làm gì.

Nhưng vì có dư  luận trái chiều nhau về tác dụng của thuốc kích thích tăng trưởng, có khác biệt giữa kết quả thí nghiệm của ngành nông nghiệp Hà Nội với thí nghiệm của TS Nguyễn Văn Khải và được báo chí đăng tải, Bộ trưởng NN&PTNT mới chỉ đạo thí nghiệm để kiểm tra.

Về thí nghiệm do Sở NN&PTNT và Chi cục BVTV Hà Nội thực hiện, phải nói rằng, thí nghiệm này thực hiện trong điều kiện sát Tết Nguyên đán và trong thời tiết lạnh, nên có phần cập rập.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chỉ đạo Sở và Chi cục gấp rút làm ngay vì tính cấp bách và nhạy cảm của vấn đề. Nhiệt độ thấp và diện tích thử nghiệm chỉ 10m2 là chưa đảm bảo độ chính xác.

Chính vì thế chúng tôi mới phải làm lại. Nhưng phải khẳng định đấy là nỗ lực lớn của địa phương. Hơn nữa, với rau xà lách vốn phát triển ở điều kiện ôn đới, ở 15-20 độ C. Vì thế, ảnh hưởng của thời tiết lạnh ở Hà Nội vào thời gian thí nghiệm là có nhưng không nhiều.

Còn về thí nghiệm của TS Nguyễn Văn Khải, tôi không tham gia nên không dám bàn luận. Được biết rau phát triển không bình thường và hàm lượng thuốc phun rất đậm đặc.

Theo tôi, nông dân không thể sử dụng liều lớn như vậy. Nếu rau phát triển dài ngoẵng, nom không bình thường, thì bán cho ai.

Vấn đề mà dư luận quan tâm nhất hiện nay, được biết, không phải là thuốc KTST có làm tăng phọt cây hay không mà là chúng có tạo ra độc chất mới nào trong cây không, tồn dư có gây hại cho người dùng hay không và, nếu có, gây hại thế nào. Sao ta không phối hợp với Bộ Y tế, tập trung vào hướng đó?

Ngay cả với rau phát triển dị dạng so với rau thông thường, càng để lâu, chúng càng không có tác dụng về dinh dưỡng. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, chúng sẽ không gây độc hại vì, chỉ sau ba ngày phun, thuốc KTST đã phân hủy hết.

Để có thể thu hoạch rau phát triển dị dạng, phải đợi chục ngày. Trong khi đó, theo tôi, tồn dư của Gibberelic Acid sẽ hết sau ba ngày kể từ khi phun.

Vẫn theo suy nghĩ của tôi, Gibberelic Acid chỉ có tác dụng về sinh khối chứ không có tác dụng về sinh thực. Và Gibberelic Acid chỉ có tác dụng trong điều kiện dinh dưỡng tốt và dùng đúng liều.

Tôi được biết, Bộ trưởng NN&PTNT có nói sẽ phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện các bước tiếp theo sau khi thực hiện xong thí nghiệm này.

Dư luận hoài nghi thí nghiệm của Sở NN&PTNT và Chi cục BVTV Hà Nội; rồi thí nghiệm của một số cá nhân không giống với thí nghiệm của họ; và đợt thí nghiệm này mà các ông làm là cũng chủ yếu để giải tỏa băn khoăn của dư luận.

Vậy, để đảm bảo khách quan, tại sao trong hội đồng khoa học không thấy mời đại diện của các bên có ý kiến khác cũng như đại diện của người tiêu dùng, thưa ông?

Quyết định thành phần hội đồng là ở Vụ KHCN&MT chứ không phải chúng tôi. Vả lại, tôi nghĩ, thành phần toàn các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực liên quan.

Tại sao, thay vì thử nghiệm trên nhiều chủng loại, các ông chỉ thử nghiệm trên hai loại rau cũng như mỗi hai loại thuốc ngoài luồng và một loại trong luồng.

Phải chăng dư luận ngứa chỗ nào, cơ quan quản lý mới gãi chỗ ấy thay vì phải chủ động phòng ngừa toàn diện, phòng ngừa từ xa, một khi xem sức khỏe con người là vốn quý nhất?

Nói như thế thì phải thử hết. Làm gì có chuyện ấy. Lấy đâu ra tiền và nhân lực để làm. Hơn nữa, như tôi đã nói, tất cả các loại thuốc khi đưa vào danh mục đều đã được khảo nghiệm trong điều kiện Việt Nam, kiểm chứng ngặt nghèo về tài liệu cả trên phương diện tác động đến sức khỏe.

Cám ơn ông.

Quốc Dũng
Thực hiện

MỚI - NÓNG