Người 26 năm trồng cây kỷ niệm cho làng

Người 26 năm trồng cây kỷ niệm cho làng
TP - Hai mươi sáu năm cần mẫn ươm trồng, chăm sóc, ông Khổng Đức Hộp đã trồng kỷ niệm cho làng gần 600 cây. Giá như ở mỗi làng, mỗi xóm có được một người như ông thì làng quê Việt sẽ đẹp biết bao…

Năm 1980, từ cán bộ của Ban Nông vận trung ương, ông Hộp về nghỉ hưu. Trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” là làng Đồng Quan huyện Yên Dũng (Bắc Giang), từ đó, ông Hộp say mê với công việc trồng cây quanh làng.

Ông tâm sự: “Từ hồi còn công tác, tôi đã mê mấy cây chà là, cây cọ ở cơ quan. Tôi đã ươm giống một số cây ở cơ quan, đến khi nghỉ hưu tôi chuyển luôn số cây đó về để trồng hai bên đường của làng. Mình là người của quê hương, cứ đi xa mãi chẳng đóng góp được gì thì trồng cây cho đẹp cảnh quan, cho trẻ có bóng mát”.

Mải trồng cây quanh làng, việc nhà sao nhãng, nên thỉnh thoảng bà Khổng Thị Lắm-vợ ông- cũng cằn nhằn tỏ ý không bằng lòng.

“Mấy chục năm đi bộ đội rồi lại công tác xa đằng đẵng, về nghỉ hưu tưởng ông ấy sẽ giúp được gia đình, hóa ra ông ấy lại “ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”-Bà Lắm tâm sự.

Nhưng dần dà, bà Lắm và các con cũng hiểu được việc làm ý nghĩa của ông. Thế là 26 năm qua, gần như sáng nào ông Hộp cũng xách xô, vác cuốc ra đường làng, sân trường để đào hố, cuốc xới hoặc là tưới nước tỉa cành cho cây.

Kết quả là, những khoảng đất trống quanh làng dần được ông Hộp “lấp đầy” bằng cây xanh. Bây giờ cây quanh làng ông Hộp trồng đã lên tới con số 558 cây, với 21 loài.

To là những cây chà là đã đủ một vòng ôm của người lớn, là những cây cọ cao vút, sần sùi; nhỏ hơn là hàng cây keo, hoa sữa, hoa giấy, bằng lăng hay những rặng liễu quanh ao làng. Nhờ thế, làng Đồng Quan 9 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.

Xót cây như xót con…

Người 26 năm trồng cây kỷ niệm cho làng ảnh 1

Đường làng Đồng Quan xanh tươi nhờ “hàng cây ông Hộp”

Mỗi khi trồng một cây nào đó, ông Hộp vừa mừng nhưng cũng thấp thỏm không yên vì nhiều lý do. Ông sợ cây bị bọn trẻ nghịch, trâu bò phá hay ai đó đi ngang đường nhổ mất.

Nhiều lần, cây chà là ông trồng bên đường đã được gần 2 tuổi vẫn bị đám trẻ nhổ mất. Xót ruột quá, ông lại phải rào kín, thậm chí mua dây thép gai để bảo vệ cây.

Vẫn không yên lòng, ông Hộp tìm đến trưởng thôn và đến các gia đình ở cạnh đường tuyên truyền vận động mọi người tham gia trồng và cùng bảo vệ cây xanh.

Ông Hộp cũng thường xuyên đến nhà trường để phối hợp với các thầy, cô giáo để có biện pháp bảo vệ cây xanh khu vực này bởi lũ trẻ thường hay leo trèo hái hoa, bẻ cành.

Để răn đe hiệu quả, ông Hộp còn lập cả một danh sách mấy em nhỏ hay leo trèo, phá cây rồi gửi cô giáo. Khi các thầy cô đã nắm được ai là người hay trèo cây bẻ cành thì sẽ nhắc nhở trước lớp…

Chị Ninh Thị Huy- GV trường Tiểu học Đồng Quan cho biết, trong những buổi học về tự nhiên-xã hội các thầy cô thường xuyên nói về vai trò của cây xanh và tấm gương ông Hộp trồng cây. Bây giờ sân trường tiểu học, mầm non đã rợp bóng mát và lũ trẻ tha hồ nô đùa dưới tán cây...

Nay lớp cây trồng những ngày đầu mới về nghỉ hưu đã lớn, ông Hộp lại lo ươm trồng cây mới. Đường làng, trường học, ao làng hay nhà bia tưởng niệm của thôn… đã kín cây xanh nhưng chẳng khi nào ông Hộp dám đi đâu quá một ngày.

Ông sợ không có người chăm cây, ông lo bọn trẻ quậy phá. Và tôi hiểu được nỗi lo ấy của ông Hộp khi ông dẫn tôi đến chỗ một gốc cây cọ bị đốt. Chẳng biết vô tình hay cố ý, cây cọ đã bị ai đó dùng rơm đốt cháy, thân cây đen như củ sắn nướng.

Ông Hộp xót lắm, cứ mân mê mãi xem liệu có cách cứu sống cây hay không.

Tôi trở về trên con đường có những hàng cây ông Hộp trồng và ao ước giá mà mỗi làng xóm, mỗi khu dân cư đều có một người như ông.

Tình yêu cây của ông Hộp đã được mọi người trong làng, ngoài xã ca ngợi. Ông Hộp cũng vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng giải thưởng môi trường năm 2006 và bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện…

Và đã có nhiều bài thơ viết về việc trồng cây của ông Hộp:
Sáng chiều tay xách vai mang/ Cái xô cái cuốc chăm hàng cây xanh/ Khi tỉa lá, lúc bấm cành/Chăm cho cây tốt cây xanh vươn dài/ Chăm cây như thể chăm người/ Con cháu học tập mọi người ngẫm suy

MỚI - NÓNG