Người 4 lần thoát chết từ các tai nạn

Người 4 lần thoát chết từ các tai nạn
Một lần thoát chết đã là “mệnh lớn, phước dày”; thế nhưng với bà, thoát khỏi tử thần từ toa số 7 tàu E1 kể như là lần thứ tư trong 73 năm cuộc đời bà
Người 4 lần thoát chết từ các tai nạn ảnh 1

10 ngày sau vụ tai nạn khủng khiếp của tàu E1, hành trình chuyến Bắc - Nam, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng vẫn chưa hết bàng hoàng. Là hành khách ngồi ở toa số 7 định mệnh, bàn tay phải của bà gần như bị đứt lìa đã được nối lại, nhưng sức khoẻ của bà đã bình phục và rất mặn chuyện.

Khách đến thăm thật đông. Người ta mừng cho bà “từ cõi chết trở về”. Riêng bà thì cứ tủm tỉm: Chuyện nhỏ…

Bà hàn huyên: Tôi quê ở Quảng Thuận (Quảng Trạch, Quảng Bình). Sinh năm Nhâm Thân (1932). Trước đây tôi làm ở công tác phụ nữ xã, đã có 55 tuổi Đảng. Chuyện chết hụt của tôi ở làng đã trở thành giai thoại.

Tôi còn nhớ rất rõ, hồi đó, vào mùa mưa năm 1947, ở cái tuổi 15, tôi cùng em gái tôi đi chợ Khương Hà. Mưa to gió lớn, mặc, cứ thế mà đi. Xóm chợ Quảng Thuận cùng các làng lân cận đi chợ đầu nguồn chủ yếu bằng thuyền. Chiều về, mưa  dữ lắm, gió lại to, thuyền chở đông người, đến Cửa Hác (Quảng Trạch) thì thuyền lật. Bao nhiêu người trên thuyền, chủ yếu là đàn bà, con gái cứ thế bám vào nhau, dìm nhau chết cả. Tôi  bảo em tôi lặn thật sâu thoát ra  khỏi đám người đang hoảng loạn và bơi vào bờ. 48 người trên thuyền chỉ còn chị em tôi là sống sót.

Cánh tay băng trắng, sưng múp của bà ngọ nguậy. Bà bảo mỗi lần cử động vẫn đang còn đau lắm. Bà cười bảo: Cái “hạn” năm nay không bằng cái “hạn” năm bà 49 tuổi. Năm đó, đang còn là Bình Trị Thiên, một chốn đôi quê, vào Huế ra Quảng Trạch xoành xoạch vì chồng bà công tác tại Huế. Lần đó ra nhà trên một chuyến xe đò lóc cóc.

Cứ có linh cảm bất an khi đi, nhưng thời ấy ngồi lên được trên xe là mừng rồi, hơi sức đâu mà có quyền lựa với chọn. Xe cứ thế phóng. Đến đèo Lý Hoà, trên xe còn chừng đâu 25, 26 người gì đó và bỗng nhiên xe mất phanh lao xuống vực. Lúc đó lái xe chỉ còn biết đánh tay lái cho xe nhằm hướng núi. Xe lật nhào lăn đến mấy vòng. Khi tỉnh lại trong Bệnh viện Bố Trạch bà thấy chẳng có ai ngoài mình. Hỏi, thì được biết những người trên xe đâu như bị tử nạn cả…

Rồi cái lụt năm1989 ở Huế, lụt to lắm, ngập trắng cả thành phố. Nhà tôi trong đó cũng bị ngập nặng. Lơ ngơ thế nào tôi được một đò cứu nạn đưa lên đồi. Suốt gần cả tuần lễ chồng con tìm nháo nhác và nghĩ chắc đã bị nước cuốn trôi. Thông báo mất tích, nhưng rồi nước cạn tôi lại mò về…

Bà lần tìm trong cái túi xách được lấy ra từ trong toa số 7 của tàu E1 định mệnh, tìm đưa tôi một cuốn sổ nhỏ, bà bảo: Trong này tôi ghi lại những kỷ niệm của đời tôi, mà chủ yếu là những lần thoát chết ấy. Ghi để mình yêu và có trách nhiệm với cuộc sống hơn. Bà lại ngọ nguậy bàn tay đang băng trắng, rồi nói:  Chỉ cần đỡ hơn một tý tôi sẽ ghi ngay kỷ niệm nhớ đời này…

Anh Trần Thường Phi - Con trai thứ hai của bà, đang là Viện phó Viện KSND tỉnh Quảng Bình - nhìn tôi nghe bà kể có vẻ chăm chú, đùa: Mệ sinh năm Nhâm Thân, nên giống như Tôn Ngộ Không ấy, vào lò bát quái cũng chả chết mệ đâu.

Bà lườm con trai: Đường thuỷ tau không chết, đường bộ cũng thoát, đường sắt thì vẫn đang ngồi đây.  Mi thử cho tau đi máy bay một chuyến coi số tau đến mô… Nói rồi bà cười thật hiền. Mấy ngón tay trong lớp băng trắng cứ ngọ nguậy, ngọ nguậy, xem chừng khó chịu lắm lắm …     

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).