Người bị tạm giam, tạm giữ vẫn có quyền bầu cử

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý. Ảnh Như Ý.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý. Ảnh Như Ý.
TPO - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của đại biểu về việc người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng được thực hiện quyền bầu cử vì về mặt pháp lý những người này chưa bị coi là có tội và không nên bị tước mất quyền bầu cử.

Sáng 3/6, trình bày Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, trong Luật chỉ quy định người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Vì thế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị người bị tạm giam, tạm giữ vẫn có quyền bầu cử. “Các địa phương, các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm bảo đảm thực hiện việc lập danh sách cử tri đối với những người đang bị tạm giam, tổ chức việc bỏ phiếu đối với người đang bị tạm giam tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ”, ông Lý nhấn mạnh.

Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng đã được quy định tại Luật tổ chức Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân dự kiến quy định trong dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Trên cơ sở các quy định đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình để bảo đảm chất lượng, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu. Tiêu chí cụ thể để các cơ quan, tổ chức lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng.

Về hồ sơ ứng cử đại biểu, qua thảo luận có ý kiến đề nghị bổ sung một số loại giấy tờ như phiếu khám sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng sức khỏe và việc chấp hành pháp luật cũng như đạo đức, phẩm chất là những tiêu chuẩn đã được quy định trong Luật. Người ứng cử phải chịu trách nhiệm về phần kê khai của mình về các nội dung này trong hồ sơ ứng cử đại biểu.

Việc thực hiện các yêu cầu nói trên trong thực tế vừa qua cũng chưa có vướng mắc gì về hồ sơ ứng cử đối với những người được giới thiệu ứng cử. Hơn nữa, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là rất nhiều. Nếu quy định bắt buộc trong hồ sơ ứng cử phải có phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe... sẽ tạo ra thêm rất nhiều thủ tục hành chính cần giải quyết, gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và tài chính cho người ứng cử cũng như cơ quan nhà nước có liên quan. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung các giấy tờ, tài liệu nói trên trong hồ sơ ứng cử đại biểu.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.