Người biệt động thành dũng cảm và những chiến công bị bỏ quên

Người biệt động thành dũng cảm và những chiến công bị bỏ quên
Mưu trí, dũng cảm, nhưng những chiến công một thời của người chiến sĩ biệt động Võ Xuân Định năm nào giờ đang bị dần lãng quên cùng năm tháng...
Người biệt động thành dũng cảm và những chiến công bị bỏ quên ảnh 1
Ông Võ Xuân Định bây giờ và Anh hùng Hồ Thị Lý

Tôi đọc hết chồng giấy do nhiều chứng nhân lịch sử xác nhận về những cống hiến của ông cho Cách mạng suốt 2 cuộc kháng chiến, đọc hết truyện ký do một nhà thơ tên tuổi nắn nót viết về ông, rồi nhìn gương mặt nhàu nát le lói hy vọng của ông mà không khỏi chạnh lòng. Đời vẫn chưa thôi thử thách người cảm tử quân năm nào.

Võ Xuân Định sinh năm 1927 tại Hương Thủy (Huế), 17 tuổi, học xong prime, Định lên chiến khu Dương Hòa theo Việt Minh, gia nhập lực lượng Quyết tử quân chuyên tổ chức đánh Tây bằng khói rơm và ớt bột.

Nhanh nhẹn dũng cảm, Định sớm lập nhiều chiến công và trở thành đảng viên chính thức khi mới 20 tuổi, nhiều năm là Bí thư Đoàn kiêm Trưởng ban Thông tin xã Hương Thọ (Hương Trà), Trưởng đoàn vận chuyển (vũ khí, lương thực) từ chiến khu Dương Hòa ngược sông Hương lên Nam Đông. Năm 1954, chấp hành lệnh Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế ở lại hoạt động nội thành, và từ đó cho đến năm 1966, ông bị địch bắt vào tù nhiều lần.

Năm 1966, Định vừa ra tù liền được tổ chức chuyển địa bàn hoạt động vào nội thành Đà Nẵng. Đồng chí Lưu Văn Vinh - Phó ban Công vận tỉnh Quảng Đà - trao cho ông nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị trong công nhân, chuyên chở và phân phối vũ khí cho nhiều trận đánh của biệt động thành trong vai một nhà tư sản kinh doanh thành đạt.

Giữa phố phường Đà Nẵng ken dày Mỹ - ngụy lúc bấy giờ, Võ Xuân Định hóa thành ông chủ đại lý bia tên Lê Thanh Bình. Ông Bình tự lái xe, khi Honda khi xe tải chở bia giao cho các điểm bán lẻ từ trong phố ra tận Vĩnh Điện, Tam Kỳ.

Rồi ông lên tuốt Buôn Ma Thuột buôn gỗ, cứ 3 ngày 1 chuyến áp tải hàng chục xe cẩu chất đầy gỗ hương với cẩm lai về bán cho các cơ sở mộc mỹ nghệ. Ông buôn trái cây, bao nguyên chuyến máy bay chở hàng từ Mỹ Tho lên Sài Gòn ra Đà Nẵng.

Gặp quan chức, quân đội, cảnh sát dọc đường ông luôn hào phóng có gì tặng nấy. Lịch lãm đủ cách, hiểu rõ tâm tính từng “đối tác” để tùy cơ mà chiều chuộng nên các mối giao du thân mật của ông với giới cầm quyền ngày càng rộng rãi, đường ông tải hàng bao giờ cũng thênh thang trót lọt.

Dĩ nhiên những kẻ nhận quà của “Bình chịu chơi” không hề biết dưới những xe bia, chuối, gỗ đó luôn ken chặt những súng đạn, thuốc nổ, dây cháy chậm, kíp điện đã gói kỹ ngụy trang khéo léo chuyển về giấu dưới 2 căn hầm bí mật ngay trong đại lý bia ở số 90B Thống Nhất (sau đổi thành 126 Thống Nhất), rồi từ đó tỏa ra phân phối cho cán bộ chiến sĩ biệt động nội thành. Càng không thể biết một trong những em váy ngắn kính râm hay ngồi ôm eo ếch Sáu Bình lượn xe máy vè vè giữa phố Đà Nẵng chính là Quận đội phó Việt cộng Hồ Thị Lý.

Không chỉ một mình hoạt động, ông còn kéo cả vợ con vào việc cùng ông đóng vai đi thăm thú bạn bè để chuyển vũ khí. Mọi việc đang xuôi chèo mát mái thì bất ngờ một nữ giao liên bị bắt, không chịu nổi đòn roi tra tấn đã khai ra đầu mối tập kết là “Đại lý bia ông Bình”.

Đêm 21/2/1969, đích thân tên Trưởng ty An ninh quân đội chỉ huy lực lượng bủa vây bắt trọn gia đình Võ Xuân Định cùng nhiều cán bộ đang ẩn mình tại nhà ông.

Võ Xuân Định lãnh đủ đòn thù tra tấn tàn độc. Dù thân thể tả tơi đớn đau không bút nào tả nổi, trước sau như một, ông vẫn không hé ra lời nào làm lộ bí mật của tổ chức.

Người biệt động thành dũng cảm và những chiến công bị bỏ quên ảnh 2
Ông Võ Xuân Định thời trẻ

Theo sự sắp xếp của Đảng, bà Dưa - Vợ ông - được ra tù trước đã gom góp tiền bạc trị giá hàng ngàn cây vàng để lo lót hối lộ. Rốt cục, Tòa án của địch chỉ kết án ông Định 6 tháng tù nhưng bọn An ninh giam ông tới tháng 7/1973 mới thả.

Ra tù, ông lập tức tìm cách nối liên lạc và tích cực hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất.

Sau 1975, ông trúng cử đại biểu HĐND phường Tân Chính, làm Giám đốc Nhà máy Phân bón hữu cơ Quảng Đà tại bãi biển Thanh Khê.

Tiếng là giám đốc nhưng lúc bấy giờ tình cảnh chung đâu cũng khó khăn, nhà ông tài sản khánh kiệt, đói ăn, vợ chồng bất hòa. Ông xin nghỉ việc, ly dị, bán nhà, lên vùng kinh tế mới Đăk Lăk làm rẫy nuôi con.

Nhiều năm sau một số cán bộ từng chịu ơn ông che giấu, nuôi dưỡng, bảo vệ mới biết Võ Xuân Định bây giờ đã thành một lão nông quá nghèo khổ, chẳng nhận được chút quyền lợi đãi ngộ nào.

Nhờ tác động tích cực của họ, ông Định đã được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba, Kỷ niệm chương Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày.

Nhưng bấy nhiêu sao xứng với cả cuộc đời đấu tranh anh dũng,  hy sinh cống hiến lớn lao của ông trước đây trong kháng chiến. Có đồng chí viết giấy xác nhận và kể chuyện về ông đã khẳng định ông xứng đáng được tuyên dương Anh hùng.

Một số báo đài lên tiếng, đặt câu hỏi vì sao đến nay ông Võ Xuân Định chưa được thưởng Huân chương chiến công.

Ngày 5/9/2003, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng gửi công văn số 156 trả lời đơn kiến nghị của ông Võ Xuân Định, báo Nhân dân, Đài TNVN và Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho biết theo lời Đại tá Nguyễn Ngọc Phỉ - Nguyên Quận đội trưởng quận Nhất giai đoạn 1967 - 1969 thì Quận đội đã “đề nghị tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng 2 và hạng 3 cho gia đình ông Võ Xuân Định và bà Dưa nhưng lúc đó bà Dưa là chủ hộ nên lấy tên bà Dưa để đề nghị khen thưởng, hiện bà Dưa đang treo tại nhà.

Thành tích của vợ chồng ông Định, bà Dưa, Quận đội quận Nhất đã đầy đủ trách nhiệm, nay vì vợ chồng ly dị nhau đó là việc riêng của gia đình... ”.

Công văn 156 đã dựng ông lão Võ Xuân Định phải lên đường tàu xe xuôi ngược đi gặp đồng đội cũ. Ông nói, đối với ông, chữ nghĩa lạ lùng của công văn này khiến ông còn đau hơn hồi bị địch tra tấn. Ông  khẳng định không hề có chuyện bà Dưa được “đứng tên” để nhận những Huân chương Chiến công ấy.

Tác giả bài viết này sau khi nghe ông Võ Xuân Định thổ lộ nỗi buồn riêng trong ngôi nhà nhỏ ông sống nhờ không thuộc sở hữu của ông, đã tìm cách liên lạc với những chứng nhân liên quan. Đại tá về hưu Nguyễn Ngọc Phỉ lấy làm tiếc vì có sự nhầm lẫn về lời phát biểu của ông trong nội dung công văn 156.

Bác sĩ Bích Ngọc - Con gái bà Hoàng Thị Dưa (bà đã mất cuối năm 2003) - chưa bao giờ thấy mẹ mình có Huân chương Chiến công.

Hơn 1 năm trước tại Đà Nẵng, Đại tá về hưu Hà Bân - Nguyên Uỷ viên Thường vụ Quận ủy, Chính trị viên Quận đội quận Nhất - cùng Anh hùng LLVT Hồ Thị Lý - Nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhất - đã cùng làm đơn thống kê những công trạng của ông Võ Xuân Định, đề nghị cấp trên xét tặng thưởng cho ông Huân chương Chiến công hạng Nhất. Tới nay lá đơn này vẫn chưa nhận được hồi âm.

Ông Võ Xuân Định cũng sắp vào tuổi 80, chân đã chậm, tay đã run, có lẽ không còn nhiều thời gian nữa để chờ thấy sự đãi ngộ công bằng sau cuộc chiến...

MỚI - NÓNG