Người cận vệ 'đặc biệt' và tình bạn không biên giới

Người cận vệ 'đặc biệt' và tình bạn không biên giới
TP - Đại sứ Võ Anh Tuấn từng công tác chung nhiều năm với ông Hoàng Xuân Bình ở Nha giáo dục Nam Bộ kể lại: Cuối năm 1945 đầu 1946, có lẽ ông là người Việt Nam duy nhất tiếp cận được hai ông Hoàng.
Người cận vệ 'đặc biệt' và tình bạn không biên giới ảnh 1
Ông Hoàng Xuân Bình chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

"Ông Hoàng thứ nhất là cố vấn Chính phủ Vĩnh Thụy - tức cựu hoàng Bảo Đại, lúc bấy giờ anh Bình làm sỹ quan liên lạc; Ông Hoàng thứ hai là Hoàng thân Suphanuvông, lãnh tụ của cách mạng Pathet - Lào. Vào thời điểm đó, anh Bình còn rất trẻ, một sinh viên yêu nước và được giao nhiệm vụ như vậy”.  (Trích phim tài liệu TFS “Cha tôi, Hoàng Xuân Bình”).

Người cận vệ “đặc biệt”

Ông Hoàng Xuân Bình là em trai của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn một dòng họ nổi tiếng về học thuật ở Yên Hồ, La Sơn, Đức Thọ ( Hà Tĩnh). Cụ tú tài Hán học Hoàng Xuân Ức có 8 người con đều thành đạt.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, không chỉ là người Việt Nam đầu tiên có bằng thạc sĩ Toán học của Pháp, mà  ông còn là học giả của nhiều công trình nghiên cứu, lịch sử, giáo dục, khoa học nổi tiếng như bộ “Danh từ khoa học” (xuất bản 1942), cuốn “Phương pháp i-tờ”, Nghiên cứu Kiều, La Sơn Phu tử, Chinh phụ ngâm bị khảo…

Khi đang học năm thứ 3 trường thuốc (Huế), Hoàng Xuân Bình đã tham gia cướp chính quyền và gia nhập giải phóng quân. Vốn rất giỏi tiếng Pháp, nên ông được bố trí làm sĩ quan cận vệ cho cố vấn Chính phủ Vĩnh Thụy - tức Cựu hoàng Bảo Đại cho đến tháng 11/1945.

Sau đó ông được cử làm phái viên của Bộ Quốc phòng ở Lào với nhiệm vụ phụ trách công tác tham mưu và mua vũ khí chuyển về Việt  Nam.

Đại sứ Võ Anh Tuấn, người đã công tác chung nhiều năm với ông Hoàng Xuân Bình ở Nha Giáo dục Nam Bộ kể lại: “Cuối năm 1945 đầu 1946, có lẽ ông là người Việt Nam duy nhất tiếp cận được hai ông Hoàng.

Ông Hoàng thứ nhất  là cố vấn Chính phủ ông Vĩnh Thụy - tức Cựu hoàng Bảo Đại, lúc bấy giờ anh Bình làm sĩ quan liên lạc. Ông Hoàng thứ hai là Hoàng thân Suphanuvông, lãnh tụ cách mạng Pathet- Lào.

Vào thời điểm đó anh Bình còn rất trẻ, một sinh viên yêu nước và được giao nhiệm vụ như vậy, chứng tỏ cách mạng tin tưởng vào cái bản lĩnh của anh Bình mà cái bản lĩnh đó càng về sau, càng thể hiện”.

Ông  Hoàng Xuân Bình còn có “duyên hội ngộ” mà không phải bất kỳ ai cũng có được, đó là hai thời khắc chuyển giao lịch sử dân tộc .

Ngày 30/8/1945, ông Hoàng Xuân Bình là sĩ quan cầm cờ của đơn vị giải phóng quân, tham dự lễ tiếp nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại do Thứ trưởng Bộ Văn hóa Cù Huy Cận - đại diện cho Chính phủ lâm thời Việt  Nam dân chủ Cộng hòa làm Trưởng đoàn.

Và 30 năm sau, tại Dinh Độc lập ngày 2/5/1975, với tư cách phóng viên truyền hình, ông có mặt tại buổi lễ do Ủy ban Quân quản thành phố tổ chức,  nghe tướng Trần Văn Trà đọc tuyên bố trả quyền công dân cho các thành viên của chính quyền Sài Gòn cũ.

Nhà thơ Huy Cận kể lại trong phim tài liệu “Cha tôi, Hoàng Xuân Bình” có đoạn: “Tôi đã gặp anh Bình nhiều lần, anh và anh Lê Thiệu Huy (con của cụ Lê Thước) cũng là một thanh niên yêu nước. Về sau, anh Lê Thiệu Huy hy sinh trên sông Mê Kông khi đi theo Hoàng thân Suphanuvông kháng chiến”  (phim “Cha tôi, Hoàng Xuân Bình”).

Đêm 21/3/1946,  mặt trận Thàkhẹt bị vỡ, tham mưu trưởng liên quân Việt - Lào anh  Lê Thiệu Huy 26 tuổi, đã cùng với Hoàng thân Suphanuvông trên chuyến đò ngang vượt sông Mê Kông sang đất Thái, sau lưng Pháp đuổi theo nhã đạn như vãi trấu.

Trong hoàn cảnh hiểm nghèo ấy, Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình che đạn cho Hoàng thân Suphanuvông thoát hiểm, anh dũng cảm hy sinh trong vòng tay thương tiếc của hoàng thân.

Còn ông Hoàng Phúc- một Việt kiều nhớ chuyện: Lúc ở Lào, tôi biết anh Hoàng Xuân Bình đi theo đoàn ông Dương Cự Tẩm, đại diện cho Bộ Quốc phòng mang khoảng nửa triệu đồng Đông Dương sang Thái Lan để mua súng đạn.

Anh Dương Cự Tẩm là Chính trị viên của liên quân Thàkhẹt, còn anh Hoàng Xuân Bình là bảo vệ cho lãnh tụ Suphanuvông.

Cũng cần nói thêm, năm 1939 khi mới 19 tuổi, Lê Thiệu Huy đã tốt nghiệp cùng lúc 3 bằng cử nhân loại ưu tại Paris. Một thành tích mà trong lịch sử nước Pháp chưa từng có sinh viên nào mơ đạt được.

Cụ Lê Thước (hiệu Tĩnh Lạc 1891-1976) một dòng họ nổi tiếng ở Trung Lễ- Đức Thọ (Hà Tĩnh) hay tin con mất khi đang làm Chủ tịch UB tăng gia sản xuất tỉnh Thanh Hóa đã viết bài thơ rất bi tráng :

Theo gương nghĩa liệt, soi ba nước

Uổng kiếp tài hoa, mới nửa đời

Phới phới trời Tây hồn cố quốc

Quân thù chưa giết,

hận chưa nguôi.

Ông Hoàng Xuân Bình từng kể lại: “Đến Thàkhẹt, đoàn chúng tôi do Bộ Quốc phòng cử đi, nay còn lại hai người là tôi và tướng Dương Cự Tẩm. Chúng tôi thay mặt Nhà nước của ta chia buồn với một gia đình Việt kiều vừa có người con thứ hai hy sinh trên đất Lào.

Lúc báo tin người con thứ hai hy sinh, ông bố không nói không rằng, lên đò qua sông thăm xác con. Ông vuốt mặt cho con trai rồi nói một câu: “Thôi, mày hy sinh cho Tổ quốc là tốt”.

Sau đó ông bỏ về không chào ai hết. Về nhà, kêu đứa con út thứ ba lên, ông nói như ra lệnh: “Anh mày đã hy sinh, mày sang thay!”. Tinh thần của Việt kiều ta ở hải ngoại là như thế đó.”.

Cuối năm 2006, Trung tướng Dương Cự Tẩm đã kể lại: “Tháng 11/1945 tôi cùng các anh Đỗ Huy Rừa, sinh viên Luật, Hoàng Xuân Bình, Lê Trọng Thời  là sinh viên y khoa được Bộ Quốc phòng cử sang Thái Lan mua vũ khí tiếp tế cho Nam bộ. Trong điều kiện khó khăn của chính quyền non trẻ lúc bấy giờ, đây là số tiền rất lớn…

Đầu năm 1947, Hoàng Xuân Bình được giao nhiệm vụ chỉ huy quân sự bộ đội hải ngoại số 3 mang tên Quang Trung trở về Nam bộ chiến đấu cùng với các đoàn bộ đội hải ngoại mang tên Trần Phú, Cửu Long…

Tình bạn “đặc biệt” không biên giới

Lịch sử không hiếm những câu chuyện về những kẻ thù không đội chung trời trở thành bạn bè tri kỷ rất cảm động. Câu chuyện cảm động  và rất có hậu về một viên sĩ quan đại úy phòng Nhì Pháp dành cho một người tù kháng chiến từ hai kẻ thù đối địch trở thành tình bạn thắm thiết sau 40 năm.

Người tù ấy là ông Hoàng Xuân Bình và viên đại úy phòng Nhì là Tướng Leon Fallon.

Năm 1989, trên tạp chí quân sự Pháp có đăng một chương hồi ký của Tướng Leon Fallon  với tựa đề khá ấn tượng “Tên phiến loạn”.

Tác giả, Tướng Fallon kể về thời kỳ năm 1947 khi ông là Trưởng phòng Nhì tiểu khu Cần Thơ đã gặp và hỏi cung một người tù Việt Minh mà ông mô tả là “thông minh và dễ cảm tình” chính người tù ấy “làm người ta khâm phục về lòng tin và quyết tâm”.

Sau 55 ngày đêm hành quân về nước, bộ đội hải ngoại Quang Trung III bị phục kích, nhiều đồng chí hy sinh, Hoàng Xuân Bình cũng bị thương. Ngày 5/6/1947 đơn vị của Hoàng Xuân Bình bị phục kích khi vượt qua quốc lộ gần thị xã Phụng Hiệp và bị bắt giam tại khám Cần Thơ, khám lớn Sài Gòn. 

Khi đưa lên gặp Leon Fallon - Trưởng phòng Nhì tiểu khu Cần Thơ để lấy khẩu cung, Hoàng Xuân Bình rất điềm tĩnh nói bằng tiếng Pháp rằng: “Ông là một quân nhân, đối với quân đội Pháp cũng như quân đội Việt Nam, quân đội nào cũng có luật quân sự.

Bản thân ông là một sĩ quan quân đội, khi bị bắt làm tù binh thì những gì anh được quyền nói và những điều gì anh không được phép nói, thì đối với quân đội Việt  Nam  chúng tôi cũng như vậy thôi”. 

Không ngờ câu trả lời của Hoàng Xuân Bình đã thuyết phục và gây cảm tình đặc biệt với viên sỹ quan Fallon. Lập tức, thay cho các câu hỏi về bí mật quân sự Việt Minh được chuyển sang  trao đổi các vấn đề văn hóa, dân tộc, xã hội của Pháp, Việt Nam và chuyện phiếm.

Ngày 25 tháng 5 năm 1948, Toà án binh Sài Gòn mở phiên toà xét xử Hoàng Xuân Bình với tội “phản quốc”. Khung hình phạt dành cho tội này ít nhất là 5 năm tù khổ sai hoặc tử hình.

Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã bào chữa cho Hoàng Xuân Bình với những lời lẽ đanh thép: “Luật pháp của nước Pháp chỉ có thể  truy tố một người vì tội phản quốc nếu người đó là người dân hay người mang quốc tịch Pháp. Thân chủ của tôi là công dân nước Việt  Nam  dân chủ cộng hòa mới thành lập ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 ”.

Tờ báo Dân Thanh ngày 26/5/1947 đăng bài tường thuật chi tiết về vụ xét xử Hoàng Xuân Bình với câu nói nổi tiếng trước Tòa: “Nếu đặt địa vị vào hoàn cảnh nước nhà bị nô lệ và khổ sở như chúng tôi đó, mấy ông có đấu tranh không? ” Không thể buộc tội cho Hoàng Xuân Bình, tòa án binh đổi tội danh  “hoạt động lật đổ” và tuyên phạt 3 năm tù giam.

Sau khi ra tù, gia đình Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát bảo lãnh Hoàng Xuân Bình được rút ra chiến khu, bố trí công tác khác ở lĩnh vực giáo dục. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và công tác tại nhà xuất bản ngoại văn  rồi  về Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau này trở thành bạn bè, tại Paris hoa lệ, Tướng Fallon đưa trả lại cho Hoàng Xuân Bình một cuốn nhật ký bí mật mà ông ghi chép tại Đại hội Sinh viên Việt Nam tại Nam bộ ngày 25/5/1947. Fallon đã cất giữ không báo cáo cấp trên bí mật này.

Trong cuốn sổ bí mật này còn lưu lại rất nhiều địa chỉ, bút tích các đồng chí lãnh đạo cách mạng như: Cao Triều Phát, luật sư Phạm Ngọc Thuần (anh trai Phạm Ngọc Thảo nhân vật trong phim Ván bài lật ngửa), Kha Vạn Cân, Hà Huy Giáp, Hồ Văn Huê, Phạm Văn Sô, Phạm Thiều, Trương Ngọc Quới, Tôn Thất Trân, Vương Văn Lễ, Trương Công Nhơn...

Đây là cuốn sổ sẽ gây hại không chỉ cho bản thân Hoàng Xuân Bình mà là hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng.

Cũng sau ngày Đại hội sinh viên tại ĐồngTháp Mười, Hoàng Xuân Bình và Trương Công Phòng về đến Phụng Hiệp thì  bị địch phục kích bắt cùng cuốn sổ mật này.

Chị Hoàng Phương Liên - kỹ sư âm thanh của hãng phim truyền hình TFS Đài TH TP Hồ Chí Minh, là con gái ông Hoàng Xuân Bình kể lại : Năm 1991, chị đi tu nghiệp tại Pháp.

Khi tới Paris, chị liên lạc với ông Fallon và được ông mời đến thăm quê hương ở thành phố Verdun  miền Đông Bắc nước Pháp, giáp biên giới với nước Đức.

Tướng Fallon lái xe ra tận nhà ga đón con gái người bạn Việt Nam và giới thiệu rất tự hào với mọi người: “Đây là con gái người tù binh của tôi - Và quý vị cũng đoán được tôi đối xử với người tù binh của tôi như thế nào mà bây giờ ông ta còn gửi con gái sang tận đây thăm tôi”. Ông là một vị tướng rất hóm hỉnh và  rất thân thiện. 

Tướng Fallon luôn giữ cẩn thận bên mình một tấm ảnh do Hoàng Xuân Bình viết đề tặng năm 1949 có dòng chữ: “Gửi tặng đối thủ của tôi, đồng thời cũng là người bạn của tôi - Đại úy Fallon”. Tấm ảnh này được đăng trên tạp chí quân sự trong bài viết: Tên Phiến loạn.

Năm 1993, sau hơn 40 năm hai người bạn ở hai chiến tuyến mới gặp nhau tại nước Pháp. Ngay tại căn hộ tướng Fallon, hai ông sống với nhau nhiều ngày, tự tay Tướng Fallon nấu ăn, trò chuyện và rủ nhau đi dạo chơi đó đây như hai bạn tri kỷ rất vô tư, hồn nhiên như không có ngăn cách nào về biên giới, dân tộc. 

Mùa Noel năm 1995, cô Danielle con gái Tướng Fallon cùng chồng sang Việt Nam  thăm gia đình Hoàng Xuân Bình. Ông đã đưa hai vợ chồng con gái người bạn Pháp đi thăm Cần Thơ nơi trước kia cha cô từng làm việc.

Tháng 5/1996, trong cuốn hồi ký mang tên “Năm Sửu” tướng Fallon công bố những bức thư mà  ông Hoàng Xuân Bình đã gửi  cho tướng Fallon  trong thời gian năm 1948-1949.

Trong một lá thư có đoạn viết: “Chúng tôi nguyện hy sinh cả cuộc đời   trong cuộc đấu tranh quyết liệt này vì chúng tôi có mục đích rõ ràng. Chúng tôi biết mình muốn gì. Chúng tôi muốn con cháu chúng tôi sẽ được hưởng hạnh phúc trong một xã hội tự do và công bằng”.

Năm 2000, ông Hoàng Xuân Bình qua đời thọ 80 tuổi nhưng kỷ niệm về tình bạn Việt- Pháp của ông với Tướng Fallon mãi mãi được gìn giữ, trân trọng trong  lòng con cháu.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".