Người cha già và ba đứa con 'sinh tử'

Người cha già và ba đứa con 'sinh tử'
TP - Vợ mất, ba đứa con trai đi vào con đường nghiện ngập ma túy. Gia tài duy nhất còn lại của người cha là căn nhà rách nát. Nhưng sau hơn 10 năm ông đã đưa các con về với cuộc đời.

Ông là Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1950, tại thôn Trung Hòa, xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Ngày vợ mất, đứng trước linh cữu của vợ, ông Thành ôm chặt 3 đứa con trai hứa: “Em yên tâm, anh sẽ nuôi dạy chúng nên người”.

Ấy thế mà khi chiếc khăn tang trên đầu chưa ngả màu thì con trai đầu Nguyễn Tiến Sơn sinh năm 1972 vừa rời quân ngũ đã lao vào con đường hút hít.

“Có ai ngờ được hả chú. Nó hiền lành chân chất. Trong quân ngũ được tặng bằng khen này bằng khen nọ cơ mà”, nước mắt ông Thành lăn dài trên má khi nói về thằng con trai đầu của mình. Hai tháng trời huy động tiền chạy chữa cho người vợ ở Bệnh viện Bạch Mai, con lại nghiện khiến căn nhà của cha con ông trống hoác, nợ nần ngập đầu.

Khi biết Sơn nghiện hút, nhiều người thi nhau đến đòi nợ ông. Nuốt nước mắt vào trong, ông Thành chỉ biết than “con dại cái mang”. Hằng ngày hết việc đồng áng, thân già lại một mình với chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ đi hết xóm này đến xóm kia để làm thuê mong kiếm được vài ngàn đồng để mua gạo cho mấy đứa con.

Quyết tâm đưa đứa con trai đầu lòng trở về với cuộc sống. Ban ngày khi đi làm thì ông nhốt vào buồng còn đêm đến ông mới đưa con ra tắm rửa và cho ăn uống. Hai năm trời hai cha con vật vã trong căn buồng ấy...

Rồi một ngày, đột nhiên Sơn nói vọng ra từ trong căn buồng tối om: “Bố ơi cho con ra đi làm để nuôi bố và các em”. Nghe con gọi, mắt ông Thành ngấn lệ. Bữa cơm mừng giữa mùa đông năm 1996 của 5 con người đó là một thưng gạo và 6 củ khoai lang hấp chung.

Bao nhiêu niềm tin lại nổi dậy trong ông khi hàng ngày ba đứa con ngoan ngoãn của ông lại cùng nhau vác cuốc ra đồng. “Tưởng anh em nó bảo ban nhau giúp đỡ cái thân già này. Ai ngờ nó đưa nhau ra ngoài đồng để cùng nhau hút hít”, ông Thành kể.

Từ đó, hằng ngày người cha già quần quật trên chiếc xe thồ để chở bất cứ thứ gì mà mọi người có thể thuê mướn còn ba đứa con thì cứ lang thang khắp hàng xóm để “chôm” những gì có thể lấy tiền hít.

“Nhục lắm, đi đến nhiều ngõ thấy mọi người xôn xao bố của ba thằng nghiện mà thấy nhục nhã cho cái thân già mình. Lúc đó nhiều người bảo tôi là kiếm được đồng nào thì ăn lấy miếng đó. Con cái thế thì có ông trời mới nuôi được chúng”, ông Thành tâm sự.

Rồi ông nhờ chính quyền đưa thằng Sơn đi cai ở trung tâm của nhà nước, hai đứa sau ông quyết cai tại nhà cho chúng. Năm 1997, ông Thành nặng 70 kg, thì khi ông cai nghiện cho con chỉ còn 40 kg, lại thêm bệnh đau thần kinh cột sống. Đến khi Sơn được trở về thì hai đứa em mới chỉ cắt cơn xong. Niềm vui xen lẫn nỗi lo.

Nhưng hai tháng sau hàng xóm lại rỉ tai ông, lên đầu xóm mà xem mấy đứa con ông mua thuốc thế nào mà đánh nhau với mọi người. Nhận được tin này ông ngã quỵ bên cạnh sân giếng và ông đã bước tới thành giếng để định từ giã cõi đời, bỏ lại nỗi khổ trần gian. Trong giây phút đó ông nhớ lại lời hứa với người vợ ngày nào, nên đành tiếp tục gượng dậy.

Trận đánh cuối…

Ngày mồng 2 tết năm 1998, khi mọi người trong làng đang vui vẻ bên mâm cơm tết với gia đình thì ông Thành một mình đi ra ngoài bãi hoang cách thôn Trung Hòa 3 km. Sau ba ngày cái chòi chỏng chơ đứng hiên ngang giữa chốn không người được ông dựng lên. “Phải đưa chúng tách khỏi cộng đồng thì chúng mới cai được. Nếu tôi để chúng ở nhà thì không bao giờ cai được”, ông Thành khẳng định.

Cái chính sách mà ông thực hiện để cai cho con mình là “ba trong một”. Ông mua một chiếc dây và trói chân tay 3 anh em vào nhau. Nếu một đứa lên cơn thì còn hai đứa kia giữ và ngược lại. Hàng ngày một mình ông vật lộn đào ao để lấy nước nuôi cá. “Tưởng chúng nghe theo lời mình nào ngờ chúng tranh thủ những lúc tôi đào ao nó đã cắn dây tháo cho nhau để cùng thoát”.

Bốn tháng trời đi kiếm được thằng này lại mất thằng kia, ông đã phải quyết tâm bán đi mảnh vườn để kiếm 5 triệu đồng xây hệ thống “xi măng cốt sắt”. Sau 20 ngày khẩn trương xây dựng ông Thành đã cho ra đời hai phòng nhà khép kín.

Ngày quần quật đào ao, khai hoang vườn tược...với  mục  đích  phải tạo công ăn việc làm thì chúng mới thoát được hút hít. Hơn một năm trời 4 cha con vật lộn giữa đồng không mông quạnh. Hễ cứ có người lạ xuất hiện là ông Thành phải hỏi cho bằng được tên, tuổi, con nhà ai, ra đây để làm gì…nhằm tránh bạn nghiện ra tiếp thuốc cho chúng.

Khi thằng út Nguyễn Tiến Cường thốt lên: “Bố ơi cho con ra ngoài để giúp bố với. Con thấy bố khổ quá rồi, con thương bố quá”. Tin tưởng, ông cho Cường “tại ngoại” còn Sơn và Hùng thì vẫn “chấp hành án”.

Với món nghề xây đã học được Cường quyết tâm làm lại cuộc đời khi xin phép bố vào Tây Ninh để đi làm. Thế nhưng ông Thành đã nhầm vì cũng từ quyết định này mà ông Thành ân hận cho tới bây giờ vì Cường đã không làm được những gì đã hứa với bố.

Được một thời gian ông phải khăn gói vào tận miền nam đưa xác con về quê nhà. Lần này, lại đứng trước linh cữu con, ông Thành gọi 2 đứa con còn lại nói trong nước mắt: “Các con coi thằng em của các con rồi mà làm gương. Bố đã không thực hiện được lời hứa với mẹ của các con”.

Dù hai đứa con trai đã hoàn toàn khỏe mạnh và xin phép ông ra để cày cuốc với bố nhưng ông vẫn một mực từ chối thẳng: “Đây là trận đánh cuối cùng của đời bố. Một mất một còn nên bọn mày cứ ngồi đó”.

12 năm trời ông theo đuổi cai nghiện cho các con nay đã có thành quả đầu mùa. Nay Nguyễn Tiến Hùng đã trở lại với cuộc đời hoàn toàn không có ma túy. Hùng cùng cha nuôi cá cho vợ đi bán. Rồi lại cùng vợ đi chăm sóc các cây cảnh mà cha đã tạo dựng. Hiện Hùng đã có một đứa con, vợ chồng sống hạnh phúc. Còn Sơn thì đã khỏe mạnh hoàn toàn, cùng bố hàng ngày xay thức ăn cho cá.

Nói về chuyện gia đình ông Thành, Phó trưởng Công an xã Đình Bảng, Nguyễn Trọng Sang khen ngợi: “Chúng tôi rất phục việc làm của ông Thành. Chúng tôi luôn lấy gia đình ông Thành để làm gương cho các gia đình có con nghiện hút trong xã”.

Chưa kịp nói lời chia tay ông Thành, tiếng chuông điện thoại reo. Ông vui mừng vì chiều nay xuất lứa cá trong ao để chuẩn bị làm cho thằng Hùng cái nhà trên trang trại của mình.

“Giờ thì tôi có thể thở phào được rồi chú ạ. Nhưng thật đau khi mất thằng út. Chắc mẹ của chúng không trách tôi đâu chú nhỉ”, ông Thành nở nụ cười.

Phạm Minh Thùy
K49 Báo Chí – ĐHKHXHNV Hà Nội

MỚI - NÓNG