Người chen người ở Phủ Tây Hồ, Văn Miếu

Người dân chen chân đi lễ ở Phủ Tây Hồ. Ảnh: Nguyên Khánh.
Người dân chen chân đi lễ ở Phủ Tây Hồ. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Gần bốn vạn người đổ về Văn Miếu mỗi ngày trong những ngày đầu năm. Phủ Tây Hồ cũng trong tình trạng đông nghẹt người đi lễ cầu may.

Người vái người

Ngay từ đầu phố Quảng An, Đặng Thai Mai dẫn vào Phủ đã thấy bóng sắc phục túc trực phân luồng, đặt barie ngăn ô tô, tuy nhiên dòng người trên xe máy đổ về Phủ vẫn phải nhích từng chút một. Sáng mùng 5 được coi là dễ thở nhất trong mấy ngày đầu năm, nhưng người dân cũng khá khó khăn khi gửi xe máy và di chuyển vào sân đền. Muốn thoáng du khách có thể gửi xe tại các nhà dân trông giữ xe tự phát và cuốc bộ vào cổng.

Bãi gửi xe cạnh Phủ nhận trông xe miễn phí cho du khách trong 5 ngày Tết từ mùng 1 Tết, nhưng lại thiếu sự phân luồng nên không tránh khỏi ách tắc. Hình ảnh quen thuộc trên cung đường từ cổng vào Phủ - một bên đường bán đồ lễ và viết sớ, bên kia xôm tụ hàng ăn uống từ bún ốc, bún cá Tây Hồ có tiếng cho tới bánh tôm Hồ Tây. Bát bún ốc lèo tèo dăm con ốc, ba miếng đậu phụ mỏng dính và nước dùng mặn chát giá 50 ngàn đồng, ấy vậy mà vẫn đắt hàng.

Từ nhà sắp lễ bước qua cổng vào Phủ, dòng người bắt đầu ken đặc lại, mặc dầu có biển chỉ dẫn lối đường ra lối vào nhưng trong sân không có giải pháp phân luồng nên người dân thản nhiên đi lại không theo hàng lối. Cả sân đền lấp đầy cả nghìn người một lúc, khói nhang mờ mịt, bụi từ lò hóa sớ và đốt mã gần đó quện lại tạo nên bầu không khí ngột ngạt. Nhà đền cũng treo biển cảnh báo không thắp hương, không cắm hương trên mâm lễ nhưng người dân chẳng mảy may ngó ngàng, có lúc hương cắm trên mâm lễ của người này chạm vào người khác gây xích mích nhẹ.

Mấy cụ già chống gậy đi lễ phải nhích về phía sân sát mép hồ để thêm không khí hít thở. “Nhiều năm nay tôi rút kinh nghiệm, chẳng cần mang lễ gì cho phức tạp, chỉ cần bỏ tiền vào hòm công đức và đứng ở sân vái vọng thôi. Đặt được lễ rồi chờ lấy lễ ra cũng hết hơi”, bà Tạ Thị Lan (Gia Lâm) nói. Không ít người chọn giải pháp an toàn như thế, họ đứng khắp sân hướng vào cửa đền vái vọng, thành ra đi lễ mà chủ yếu chỉ người vái người, chứ chẳng biết mặt mũi ban thờ Mẫu bên trong. Tiền lẻ mệnh giá từ 1 nghìn đồng vẫn tràn lan trong các mâm đặt lễ, ban thờ ngay sân Phủ.

“Đắt hàng” xin chữ

Vấn đề nan giải ở Văn Miếu đã được tháo gỡ: Bãi gửi xe khu Vườn Giám mở cửa tạm thời phục vụ du khách dịp Tết, bãi gửi xe ở vỉa hè Văn Miếu do UBND quận Đống Đa quản lý cũng hoạt động hết công suất. Lưu lượng xe qua lại trước cổng Văn Miếu mấy ngày Tết dày đặc, khách xếp hàng đông nghịt từ mùng Một. “Năm nay chúng tôi cải tạo thành hai quầy vé, tăng gấp đôi số người bán vé tại mỗi quầy nên rút ngắn thời gian khách phải xếp hàng hơn mọi năm”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói. Cuối năm, Văn Miếu khai trương hệ thống phòng bán vé, thuyết minh tự động và hệ thống biển chỉ dẫn đồng bộ cũng như đảm bảo mỹ quan cho di tích. Từ hai năm nay, Văn Miếu phân luồng khách ra-vào theo các lối khác nhau nên dẫu đông đúc cũng không có cảnh tắc nghẽn. Được biết, từ ngày đầu năm, mỗi ngày Văn Miếu đón khoảng hơn 35 nghìn lượt người, riêng mồng 5 Tết lên tới gần 40 nghìn lượt người. “Khách tăng so với năm ngoái một phần nhờ Hội chữ Xuân. Có người dân nói với tôi rằng lâu lắm không tới Văn Miếu nhưng năm nay họ vào vì có thiện cảm với cách tổ chức hội chữ”, ông Kiêu nói.

Hội chữ Xuân được tổ chức bài bản hơn. Các gian hàng cho chữ nằm ngay phía ngoài, gần với cổng ra vào, được dựng lên bằng tre, mái tranh khá hài hòa. Ngay cả nhà vệ sinh lưu động cũng được “ngụy trang” bằng tre nứa thân thiện. So với mọi năm, các gian hàng làng nghề truyền thống, gian trò chơi được bài trí đẹp và phong phú hơn. Trẻ con có thể chơi tô tượng, chơi ô ăn quan, làm tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng tại các gian hàng bao quanh Hồ Văn. Dãy bán tò he, đò sơn mài, mây tre đan Phú Vinh không quá đông nhưng cũng hút khách vào tham quan và mua sắm, làm Hồ Văn thêm sinh sắc. Hàng ăn được đẩy lùi vào phía trong của Hồ Văn thành ra bớt xô bồ như năm trước.

Ông đồ Nguyễn Văn Tư, CLB Quang Trung có tác phẩm bày triển lãm Hiền tài sau kỳ thi sát hạch ông đồ và nghiễm nhiên được viết chữ ba năm liên tiếp tại đây. “Năm nay hội chữ tổ chức gọn gàng, quy củ hơn”, ông nói. Ông đồ Nguyễn Đức Vọng, CLB Thư pháp UNESCO cũng có tác phẩm bày triển lãm nhận được vị trí ngồi khá đẹp, không ngơi tay cho chữ. Ông cười may có người phục vụ, không thì không thể làm được. Thường ở các gian hàng sẽ có người cắp tráp với nhiệm vụ soạn giấy mực, dùng máy sấy tóc hong khô chữ cho khách. Có những ông đồ viết cả nghìn chữ mỗi ngày, giá trung bình từ 150-300 nghìn đồng, có loại giấy đắt lên tới cả triệu đồng. Các gia đình thường dẫn con cái đi xin chữ với ước vọng gửi qua các chữ “học giỏi”, “chăm học”, “đỗ đạt”, “đăng khoa”. Ông đồ Nguyễn Văn Tư nói, một số ông đồ học rộng hiểu sâu sẽ tư vấn những chữ hay cho người xin chữ, chẳng hạn thay vì “đăng khoa” có thể dùng “thuận khoa”.

Chùa Hương khai hội và đón bằng Di tích Quốc gia đặc biệt

Gần 20 vạn du khách đổ về chùa Hương trong 5 ngày đầu năm, dù sáng nay (mồng 6 Tết) mới chính thức khai hội. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý Khu danh thắng Hương Sơn, cho biết, lượng khách về tăng hơn 2 vạn so với cùng kỳ năm ngoái. “Ban tổ chức phân luồng thông thoáng hệ thống đường thủy, đường bộ. Tuy nhiên, do lượng người đổ về động Hương Tích quá đông nên xảy ra hiện tượng tắc cáp treo”, ông Thanh nói. Lễ hội chùa Hương 2018 đánh dấu 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích, đồng thời là dịp đón nhận bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Chuẩn bị cho mùa lễ hội này, BTC duyệt cho 4.500 đò phục vụ khách, đều sơn đồng bộ màu xanh, gắn biển, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác.

MỚI - NÓNG