Người chị K8

Chị Trần Thị Biên và con gái út Nguyễn Thị Thu Hoài ở nhà chị tại thôn Tân Đức, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ảnh: Hữu Thành
Chị Trần Thị Biên và con gái út Nguyễn Thị Thu Hoài ở nhà chị tại thôn Tân Đức, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ảnh: Hữu Thành
TP - Một ngày cuối tháng 12 năm dương lịch vừa qua, điện thoại tôi đổ chuông và hiện lên một số không lưu trong danh bạ. Bắt máy, một giọng miền Trung cất lên: “Em Sơn đấy à? Chị Biên đây”.

Tôi thấy thắt trong ngực một cái, vì lập tức nhận ra chị, một người tôi nhìn thấy lần cuối cùng cách đây khoảng 50 năm, khi tôi chừng 5 - 6 tuổi và từ đó đến nay chưa hề gặp lại.

Nhiều khi tôi cứ thấy kỳ lạ với trí nhớ của mình. Chả hiểu sao đến tận giờ, tôi vẫn nhớ như in một số khoảnh khắc, một số kỷ niệm của tuổi thơ, khi tôi còn mặc cái quần “mổ đít”, cái quần của một thời gian khó các ông bố bà mẹ may cho con, để hở tất cả các bộ phận lẽ ra cần che để con có ị hay tè thì cũng không bẩn mất mà phải thay (vì một đứa bé cũng chỉ có được đôi quần như thế đã là nhiều). Chả hạn cái lần mẹ dắt tôi theo Ủy ban Hành chính huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa nơi mẹ công tác đi sơ tán tránh máy bay Mỹ,  không còn nhớ rõ năm nào, nhưng ước lượng vào khoảng 1967 – 1968 (trong Chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ lần thứ nhất, không muộn hơn vì đến Chiến tranh phá hoại lần thứ hai thì mẹ tôi đã về mất sức, cũng không sớm hơn vì như thế thì tôi còn quá nhỏ không thể dắt đi xa được). Tôi khoảng 5 tuổi, mặc quần mổ đít chưa biết ngượng, được mẹ dắt, đi lon ton qua thôn, qua xóm, thấy nhà nào cũng hỏi: “Nhà ai đây mẹ?”. Mẹ trả lời: “Nhà đồng bào”. Hai mẹ con cứ hỏi đáp mãi một câu như thế cho đến khi tôi chán.

Chị Biên là một người không phải ruột thịt và xa biệt đã nửa thế kỷ mà vẫn hằn sâu vào trí nhớ của tôi như thế.

Chị là một thiếu niên K8.

Những năm chiến tranh đó, rất đông trẻ em người Quảng Bình và Vĩnh Linh đất lửa sơ tán ra ở rất nhiều làng quê Thanh Hóa. Người ta gọi họ là “Con nít K8” (K8 là tên chương trình sơ tán họ ra phía Bắc, xa khỏi vùng quá ác liệt) hoặc “Con nít Vĩnh Linh”. Họ được phân về ở nhà dân từ một đến hai người mỗi nhà. Trẻ K8 được Nhà nước cấp quần áo, có tiêu chuẩn lương thực hằng tháng, sống trong các nhà dân, cùng đi học, cùng chăn trâu cắt cỏ, ngày ăn cùng mâm, tối ngủ cùng giường với con cái chủ nhà. Họ còn cùng trẻ trong làng đánh nhau với trẻ con làng khác, trong đó có cả "dân" K8. Trong những năm tháng bi tráng đó, tuyệt đại đa số, mà cũng có khi là tất cả họ, những đứa bé tội nghiệp phải lìa xa quê hương, người ruột thịt để có thể sống sót, để bố mẹ yên tâm công tác chiến đấu, được những người dân miền ngoài thương yêu như con.

Người chị K8 ảnh 1 Chị Trần Thị Biên, con gái út và cháu họ xa trong gian phòng thờ Ảnh: Hữu Thành

Chị Biên hơn tôi khoảng 7-8 tuổi. Khi đó chị khoảng 12-13 (tôi xác định được vậy qua cuộc điện thoại mới đây với chị) về ở nhà bác anh ruột mẹ tôi ở thôn Phong Cốc, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Còn tôi thì ở với mẹ ở Ủy ban huyện đóng ở thị trấn Thọ Xuân các đó 3 cây số nhưng cách một con sông Chu. Thỉnh thoảng tôi và chị gái được người lớn mang về thăm ông bà ngoại (cùng nhà với bác), tôi gặp và chơi với chị Biên ở đó. Tôi nhớ chị người cao, mảnh khảnh, mắt to, mặt trắng tròn có nốt ruồi ở chính giữa một bên má. Có lẽ tuy còn nhỏ như thế nhưng chị Biên đã là người đặc biệt, chắc ngoan hiền và hay lam hay làm, vì sau này khi tôi nói chuyện với những người họ hàng từng biết chị, thấy ai cũng nhớ về “con Biên”, “chị Biên” với vẻ trìu mến. Tôi cũng vậy, tuy tôi không nhớ được nhiều kỷ niệm với chị, nhưng tôi vẫn không quên hình ảnh của chị và vẫn thỉnh thoảng hỏi dò một số người quen ở Quảng Bình, Quảng Trị để tìm chị. Có lần tôi hỏi Minh Toản - Tổng Thư ký Tòa soạn Tiền Phong, một người Quảng Bình suýt soát tuổi tôi, có tình cờ biết một chị K8 tên là Biên như thế, như thế... không. Minh Toản, vốn là tay làm báo lâu năm ở Quảng Bình, đi nhiều, biết nhiều, vểnh cằm, cau trán, nheo mắt, chắc vận dụng toàn bộ trí não lục lọi các gương mặt người quen biết rồi phán bà này người xã Quảng..., huyện Quảng... Tôi nghĩ ngay Toản nhầm vì họ hàng tôi đều nói chị Biên quê ở Vĩnh Linh.

Chị Biên ở với bác tôi hai năm, học hết lớp 7, đến năm 1969 (mới đây, chị kể qua điện thoại với tôi các mốc như thế) thì chuyển sang ở xã Bắc Lương cách thị trấn Thọ Xuân đôi cây số. Đôi lần chị bế con chủ nhà mới lên Ủy ban huyện chơi với mấy chị em tôi. Tôi nhớ rõ hình ảnh chị trong lần gặp cuối cùng. Chị mặc cái áo trắng, bế em bé ở hông, đến cho tôi một nắm to hạt gấc đen nhánh. Hồi đó bọn trẻ con trai chúng tôi quý hạt gấc lắm vì nó dùng để đánh đáo, gọi là đánh đáo gấc. Những hạt gấc hình thù đẹp, phẳng phiu được chúng tôi mài nhẵn, trở thành màu ngà, dùng làm cái. Hai đứa trẻ đánh đáo với nhau, thả cái xuống nền đất hoặc gạch, dùng ngón tay búng, nhằm vào cái của đối thủ. Búng trúng là ăn. Đứa thua trả cho bằng hạt gấc quân, tức là hạt chưa mài. Đứa đánh đáo gấc giỏi hai túi quần lúc nào cũng căng phồng hạt gấc.

Lần đó tôi không có đối thủ nào để chơi nên chị Biên bất đắc dĩ phải vừa bế em vừa ngồi xuống chơi gấc cùng tôi. Tôi nhớ rõ chị lóng ngóng chập ngón tay trỏ vào ngón tay cái lấy điểm tì và tạo đà để bật búng hạt gấc chưa kịp mài của chị. Tôi nhanh chóng ăn hết mấy hạt gấc chị có.

Hình ảnh chị Biên rõ nét ngưng đọng ký ức của tôi chính là lúc chị vụng về búng hạt gấc hầu tôi chơi lần đó.

Lại nói về làng quê tôi và nhà bác tôi.

Cách đây 2 - 3 năm, tôi viết đăng trên báo Tết Tiền Phong bài “Quê hương có khi mà ta không biết” kể về xã Xuân Minh quê ngoại được phong Anh hùng lực lượng vũ trang giai đoạn đấu tranh giành độc lập 1930 - 1945, giai đoạn mà các cụ trong xã bị Pháp kết án tổng cộng 500 năm tù và đã “ngồi” được 300 năm. Đánh Pháp, đánh Mỹ, xã chả có viên đạn nào rơi vào mà có đến gần 200 liệt sĩ. Giai đoạn chống Mỹ thì tôi nhận biết được vì khi về nghỉ mất sức năm 1970, mẹ đưa chúng tôi về quê ngoại ở do bố còn ở bên Lào. Cuối làng đắp một cái ụ pháo to tướng, trồng cây nguỵ trang xanh um nhưng chưa thấy pháo về bao giờ. Hồi nhỏ, lớp học cấp 1 của chúng tôi đặt trong lòng ụ pháo đó. Làng Phong Cốc hình như nằm trên tuyến đường hành quân của bộ đội vào Nam hay sao mà hồi đó tôi thấy các đoàn quân súng ống lỉnh kỉnh hết đợt này về ở trong làng lại đến đợt khác, khi rời đi các chú các anh đều nói đi Nam. Tôi nhớ lần có đoàn phim về làng quay, cả làng người lớn trẻ con được huy động ra đứng hai bên đường làng vỗ tay hoan hô một đoàn quân đi giữa.

Nhà ông bà ngoại và bác tôi ngoài trẻ K8 thì cũng thường có mấy chú bộ đội ở. Bác dâu tôi, một phụ nữ không may mắn có con đẻ (thấy bảo các anh chị đều mất từ khi còn bé tí) đã nhận đến 3 – 4 người trong số những người lính từng ở trong nhà làm con nuôi, mặc dù hầu hết họ chỉ ở chừng mươi ngày, nửa tháng. Có lẽ câu thơ Tố Hữu “Bao bà cụ từ tâm làm mẹ/ Yêu quý con như đẻ con ra...” cũng là viết về chính bác mặc dù hồi đó bác còn xa mới đến tuổi cụ.  Sau khi chị Biên được chuyển đi ở vùng khác, bác lại nhận về nhà một trẻ K8 khác là chị Thuyết, một người mà nhiều người họ hàng tôi cũng nhớ nhưng không biết giờ đang ở đâu.

Trở lại chuyện chị Biên. Hôm Tết dương lịch 2019, chị kể vắn tắt cho tôi nghe qua điện thoại quãng đời tiếp theo của chị.

Sau khi rời nhà bác tôi, chị được chuyển qua ở xã Bắc Lương cùng huyện Thọ Xuân và học hết lớp 9 ở đó rồi lại được chuyển vào Tân Kỳ, Nghệ An học hết cấp 3.

Hết chiến tranh phá hoại, chị trở về quê Vĩnh Linh, nơi trong chiến tranh, bố chị làm trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, rồi lại ra Thanh Hóa học trung cấp khoảng năm 1978-1980. Hồi đó chị có về lại làng thăm hai bác tôi và nói gặp cả o (tức mẹ tôi, chị gọi như thế tức là coi hai bác tôi là bố mẹ, vì em gái của bố ở quê tôi gọi là o). Chị nói vào cả Tỉnh ủy Thanh Hóa thăm chú (tức bố tôi). Sau khi tốt nghiệp về quê đi làm, trong những năm tháng khó khăn, hai bên mất liên lạc cho đến tận giờ. Chị lấy chồng là một cán bộ công an. Trước anh làm chiến sĩ bảo vệ cho chính Tổng Bí thư Lê Duẩn, sau khi bác Duẩn nghỉ, anh xin về công tác tại công an Quảng Trị. Anh đã mất vì bệnh cách đây mấy năm. Hai con của chị đã phương trưởng, lập gia đình ở riêng, nhưng cũng gần chị ở Cửa Tùng...

Chị Biên ơi, vì sao sau 50 năm, khi gọi điện cho đứa em không phải ruột thịt mà khi xa, nó mới có 6-7 tuổi, câu đầu tiên chị lại hỏi em đơn giản và thân tình cứ như hai chị em mới xa nhau năm trước, tháng trước thôi như thế? Và vì sao mà sau 40 năm đứt liên lạc, người đàn bà đã ngoài 60 là chị lại đang bồn chồn đếm ngày chờ về làng Phong Cốc để tham dự cải táng người mẹ nuôi chị 2 năm thời đạn bom như thế?

Có lẽ nhờ cái cội rễ sâu xa ấy, có lẽ một phần cũng nhờ người Việt mình dù người dưng nước lã vẫn thương yêu nhau đến thế mà chúng ta đã sống qua được và thắng trong cuộc chiến tranh khốc liệt mấy mươi năm trước.

K8 là một chiến dịch đặc biệt đầy tính nhân văn cộng sản, khi trong NHỮNG NĂM MÁY BAY MỸ NÉM BOM MIỀN bẮC, có đến 30.000 trẻ em Quảng Bình, Vĩnh Linh VÀ MỘT SỐ HUYỆN Quảng Trị được sơ tán ra khỏi vùng không quân Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt để nhằm giữ cho họ được sống và bảo toàn nòi giống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng tuyến lửa đang ngày đêm chiến đấu với kẻ thù hung bạo. T.Ư Đảng đã lập ra một ban có mật danh K8, do Bộ trưởng Phủ Thủ tướng (tức Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) Trần Hữu Dực - làm trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Tất Đắc đặc trách chiến dịch. Ba vạn trẻ em K8 được đưa ra nuôi dưỡng trong nhà dân các tỉnh miền Bắc mà chủ yếu là Thanh Hoá và chỉ trở về quê hương sau khi Mỹ chấm dứt hoàn toàn chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Trong số các thiếu nhi K8, có những người sau này trở thành những người nổi tiếng như GS.TS, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hướng – một người cũng từng ở xã Xuân Minh cùng thời kỳ với chị Biên nhân vật trong bài viết này.

Tôi nhớ rõ hình ảnh chị trong lần gặp cuối cùng. Chị mặc cái áo trắng, bế em bé ở hông, đến cho tôi một nắm to hạt gấc đen nhánh. Hồi đó bọn trẻ con trai chúng tôi quý hạt gấc lắm vì nó dùng để đánh đáo, gọi là đánh đáo gấc.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.