Người chiến sĩ Tây Tiến cuối cùng trên đất Triệu Voi

Người chiến sĩ Tây Tiến cuối cùng trên đất Triệu Voi
TP - Đó là ông Trần Đình Thư. Ông đang sống ở bản Na Thoóng Choòng, nhà số 39, tổ 7, cụm Nhô Tha, thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.
Người chiến sĩ Tây Tiến cuối cùng trên đất Triệu Voi ảnh 1
Ông Trần Đình Thư

Chiến công của bộ đội Tây Tiến từ buổi đầu là đã giữ vững được một dải biên cương phía Tây giáp Lào, mở ra một chiến trường ở biên giới, phá tan âm mưu của giặc là đàn áp và chia rẽ các dân tộc anh em Việt - Lào.

Bàn chân của các chiến sĩ Tây Tiến là những viên gạch đầu tiên mở đường tới chiến thắng Tây Bắc - Thượng Lào và đặc biệt là chiến thắng Điên Biên Phủ.

Đến nay bộ đội Tây Tiến đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày Tây Tiến (25/2/1947- 25/2/2006). Cách đây vài năm, có đoàn đại biểu cựu chiến binh Tây Tiến do Giáo sư Lê Hùng Lâm, một chiến sĩ Tây Tiến, dẫn đầu đã sang thăm hữu nghị tỉnh Hủa Phăn (Sầm Nưa); trong đoàn người trẻ nhất là 70 tuổi và cao nhất là 82 tuổi.

Trong chương trình thăm chiến trường xưa, Đoàn đã để ý tìm xem còn người Việt nào ở Sầm Nưa thì gặp được ông Trần Đình Thư, nay đã ngoài 80 tuổi quê ở Tức Mặc thành phố Nam Định, đi Tây Tiến năm 1947 rồi lạc đơn vị và ở lại tham gia bộ đội Pathét Lào.

Ông Thư vào bộ đội tháng 8/1945 ở Nam Định rồi lên đường đi Tây Tiến. Qua nhiều trận chiến đấu ở Điện Biên, Sơn La, Mộc Châu, ông bị thương rồi bị lạc đơn vị.

Ông đã cố gắng tìm cách liên lạc với đơn vị cũ nhưng không hề có tin tức. Ông Thư đành ở lại sống trên đất bạn. Đến ngày cách mạng Lào thành công thì ông Trần Đình Thư xin vào làm việc ở Ty Giao thông công chính tỉnh Sầm Nưa và được anh em công nhân bỏ phiếu bầu làm tổ trưởng tổ thợ mộc.

Đầu năm 1961, ông Trần Đình Thư được triệu tập đi học cảm tình Đảng do huyện Sầm Nưa tổ chức và được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Lúc đó ở phố Sầm Nưa mới có 2 đảng viên và huyện chỉ định ông Trần Đình Thư là tổ trưởng Đảng, sau đó được bầu làm Bí thư chi bộ 2 nhiệm kỳ.

Năm 1960 ông Trần Đình Thư vinh dự được bầu làm Trưởng đoàn đại biểu của hội Việt kiều ở Sầm Nưa để đi dự Quốc khánh mồng 2/9/1960 ở Hà Nội. Đoàn gồm 3 người: Các ông Đỗ Ngọc Hoàng, Trần Đình Thư và bà Nguyễn Thị Hạc.

Sau khi dự Quốc khánh, đoàn được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đi tham quan 7 ngày ở các nơi như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy xe đạp Thống Nhất, Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Mỏ than cọc 6, Nhà máy sàng than Cửa Ông, Nhà bảo tàng Quân đội…

Bước vào kháng chiến chống Mỹ, ông Trần Đình Thư tích cực tham gia trong các đoàn thể ở Sầm Nưa và lập được nhiều thành tích, được khen thưởng. Sau đó được tín nhiệm đề bạt làm Hiệu trưởng trường Giao thông…

Cuộc đời chiến đấu và cống hiến của ông Trần Đình Thư trên đất bạn đã được Nhà nước Lào ghi nhận và tặng thưởng trên 10 Huân chương gồm: Huân chương Tự do, Huân chương Chiến thắng, Huân chương chống Pháp, Huân chương chống Mỹ, Huân chương Lao động và nhiều bằng khen của tỉnh. Ông Trần Đình Thư có 6 người con đều sinh ra trên đất Lào.

Ông Trần Đình Thư là chiến sĩ Tây Tiến cuối cùng còn lại ở trên đất Lào, đã góp phần nhỏ bé vào xây dựng đất nước Lào đổi mới, xây đắp tình hữu nghị Việt – Lào thêm son sắt thủy chung.

MỚI - NÓNG