Người chiến sỹ đi từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập

Người chiến sỹ đi từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập
Năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng Trung tướng Lê Nam Phong trông vẫn còn rất mạnh mẽ, tráng kiện. Ký ức của một thời oanh liệt vẫn còn in đậm trong tâm trí ông.

Hỏi chuyện ông về những tháng ngày chiến tranh khốc liệt, ông trầm ngâm: “Làm sao quên được những ngày tháng đó!Cả cuộc đời tôi đã gắn bó với binh nghiệp, bao nhiêu đồng đội, đồng chí đã hy sinh ngay trong những trận đánh ác liệt.Tôi may mắn còn sống, được chứng kiến đất nước đến ngày giải phóng thì tôi phải nhớ, để kể lại cho mọi người biết về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng đó”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quỳnh Hoa - Quỳnh Lưu- Nghệ An, một vùng đất được mệnh danh là cái nôi của Cách Mạng nên người thanh niên Lê Nam Phong đã sớm được giác ngộ.

Kháng chiến bùng nổ, như nhiều thanh niên yêu nước khác, Lê Nam Phong đã tham gia vào lực lượng Vệ Quốc Đoàn và sau đó gia nhập Đại đoàn Quân Tiên phong.

Trong 9 năm kháng chiến, đơn vị của ông đã có mặt gần như trong tất cả các chiến dịch lớn như Biên Giới, Hà Nam Ninh, Hoà Bình… đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó Lê Nam Phong là đại đội trưởng đại đội 213, được giao nhiệm vụ cùng 1 - 2 đại đội khác làm nhiệm vụ mở đường, dọn chỗ để cho lực lượng của ta tiến sâu vào.

Trận mở màn đầu tiên của đơn vị anh là đồi Độc Lập, một cứ điểm phòng thủ quan trọng của địch. Chiến thắng cứ điểm đồi Độc Lập với đóng góp của “Đại đội đầu trọc” do ông chỉ huy đã góp phần vẻ vang vào Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trở về tiếp quản Thủ đô, ông được cử đi nước ngoài học tập về quân sự để chuẩn bị cho một chiến trường mới: Chiến trường miền Nam Việt Nam. Năm 1964, ông lên đường vào Nam, trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 thuộc Sư 9 và tham gia những trận đánh ác liệt Bàu Bàng, Bàu Trang, Nhà Đỏ…

Người chiến sỹ đi từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập ảnh 1
Vợ chồng Trung tướng Lê Nam Phong trong ngày cưới                                          

Nhưng ông nhớ nhất là những ngày trong chiến dịch Nguyễn Huệ, đơn vị của ông đã chốt giữ đường 13 hơn 100 ngày, lập lên “Bức tường thép Tầu Ô- Xóm ruộng” gây kinh hoàng cho quân địch. Bao lần địch phản kích, nhưng những đơn vị thiện chiến nhất của địch như Sư 21, 25, các lữ đoàn dù, liên đoàn biệt động, trung đoàn thiết giáp đều… bị quân ta bẻ gãy. Cả sư đoàn chỉ còn lại 53 chiến sỹ nhưng đã duy trì chốt chặn thành công, đánh ngăn được 800 trận phản kích và bắt sống 8400 tên địch, bắn hạ trên 200 xe quân sự và máy bay của địch.

Dường như số phận của ông sinh ra là để tham gia những trận đánh lớn. Năm 1975, khi đã trở thành Sư đoàn trưởng Sư 7, đơn vị ông lại được giao làm chủ công cùng một số đơn vị khác phá cánh cửa thép Xuân Lộc, nơi kẻ địch đã xác định: “Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

Sau khi giải phóng Định Quán, đơn vị ông đã hành quân theo Quốc lộ 20, nổ phát súng đầu tiên vào cứ điểm Xuân Lộc ngày 09/4/1975. 13 ngày đêm ròng rã, các cánh quân của ta đánh thẳng vào nội đô tuyến phòng thủ Xuân Lộc, tiêu diệt hoàn toàn sư đoàn 18 và lữ đoàn kỵ binh thiết giáp 5 của địch, đánh tan các lực lượng phản kích, ứng cứu của địch, mở đường cho quân ta tiến về Sài Gòn.

Trên đà chiến thắng, đơn vị của ông tiến về hướng Sài Gòn giải phóng Biên Hoà. Và 12h trưa, ngày 30/4/1975 đơn vị ông đã có mặt ở dinh Độc Lập. Lúc này cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp trong dinh, đơn vị của ông cũng vinh dự được cắm một lá cờ chiến thắng.

Ông nhớ lại: “Đứng trước cánh cổng đã bị phá sập trước dinh Độc Lập, tôi muốn hét thật to cho thoả lòng. Bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, là để có một ngày như hôm nay, thế nhưng tôi chỉ biết đứng lặng để nhìn những dòng người đang hân hoan vui mừng. Cảm giác vui sướng của tôi giống hệt như ngày trước đứng trước đồi Độc Lập…”.

Ông đã đi từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập, cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà đất nước giao phó: Giành độc lập cho Tổ quốc.    

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.