Người có “phép” đuổi voi dữ

Người có “phép” đuổi voi dữ
TP - “Loại còi ủ vừa giúp đồng bào giữ được hoa màu vừa bảo vệ được đàn voi rừng. Nếu được mang vào Tây Nguyên, tôi chắc chắn bà con sẽ không còn sợ đàn voi phá hoại hoa màu nữa” 
Người có “phép” đuổi voi dữ ảnh 1
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong quả quyết sẽ “trị” được đàn voi dữ ở Đắk Lắk

Đó là khẳng định của Thượng tá Nguyễn Hồng Phong - Phụ trách Xưởng nghiên cứu chế thử thuộc Viện kỹ thuật phòng không không quân.

Chiếc còi ủ đặc biệt

“Sau khi đọc báo Tiền phong, tôi rất thương bà con Đắk Lắk đang ngày đêm phải nơm nớp lo sợ mỗi khi đàn voi rừng xuất hiện.

Tôi liền nhấc máy và gọi ngay cho quý báo vì phân xưởng chúng tôi đang nghiên cứu một đề tài có tên “Còi ủ tín hiệu phòng không quốc gia”, có thể giúp bà con xua được voi dữ vào rừng”- Anh Phong nói.

Anh Phong cho biết, thực ra đề tài mà phân xưởng anh được giao nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, loại còi ủ mà phân xưởng anh đang nghiên cứu có thể đưa vào Tây Nguyên để phục vụ bà con.

Loại còi ủ mà phân xưởng anh Phong đang nghiên cứu có thể tạo ra âm thanh với cường độ lớn (trên 150 đề xi ben). “Với cường độ âm thanh lớn như thế, động vật nói chung và loài voi nói riêng sẽ giật bắn mình hoảng sợ” - Anh Phong khẳng định.

Theo anh Phong, loại còi ủ dùng áp âm lớn này có nhiều chức năng. Ngoài chức năng chính là một loại tín hiệu dùng trong phòng không quốc gia, nó còn có thể dùng xua đuổi chim tại các sân bay; dùng trong việc giải tán đám đông; dùng báo động lũ...

“Chúng tôi đã phải nghiên cứu trong một thời gian dài. Sản phẩm này đã được nhiều đơn vị trong cả nước đặt mua dùng làm tín hiệu báo động” - Anh Phong tiết lộ.

Theo anh Phong, loại còi ủ này có thể tạo ra dòng áp âm lớn để dọa voi. Nếu đàn voi nghe còi hú chắc chắn chúng sẽ giật mình và bỏ chạy vào rừng.

Còi ủ được sản xuất trong vòng 3 tuần, giá thành từ 10 đến 40 triệu đồng (tùy loại lớn hay nhỏ). Còi ủ loại nhỏ chạy bằng dòng điện hai pha, loại lớn bằng dòng điện ba pha.

Khi được lắp đặt tại khu vực có đàn voi xuất hiện, bà con không cần phải tụ tập đông người mà chỉ cần một người điều khiển là được.

“Điều đặc biệt của loại còi ủ là âm thanh của nó có thể vọng xa trong vòng bán kính 5 km. Nếu voi xuất hiện, chỉ cần dùng một chiếc còi là có thể đuổi được voi vào rừng mà không cần phải mất sức nhiều” - Anh Phong quả quyết.

Tỉnh Đắk Lắk đồng ý, anh em sẽ mang còi vào ngay!

Người có “phép” đuổi voi dữ ảnh 2 Chất liệu chính làm còi ủ là kim loại và hợp kim nhôm đúc. Còi ủ được thiết kế, tạo dáng theo kết cấu cơ học, tạo sự vận chuyển của dòng khí với vận tốc khác nhau; từ đó tạo rung động và phát ra những âm thanh có cường độ to nhỏ khác nhau. Cơ chế hoạt động của còi ủ là cấp điện cho động cơ chạy, quay rô to, đẩy dòng khí qua miệng stator tạo ra âm thanh; qua đường âm thanh phát ra ngoài không trung.   Người có “phép” đuổi voi dữ ảnh 3

Trả lời câu hỏi: “Thế các anh đã bao giờ thử nghiệm loại còi này chưa?”, anh Phong cho biết, đã cho thử nghiệm và thu được kết quả rất khả quan.

Rồi anh cười nói: “Nếu anh không tin cứ cho tôi mang ra vườn thú Hà Nội thử thì sẽ rõ”. “Liệu bây giờ được yêu cầu giúp bà con Tây Nguyên đuổi voi, anh mang còi ủ vào chứ?”.

“Nếu được hỗ trợ, tôi sẽ cho anh em đem còi vào Tây Nguyên lắp đặt, chắc chắn việc đuổi voi sẽ rất hiệu quả” - Anh Phong nói.

Anh cho biết thêm: Nhiều Cty trên thế giới cũng sản xuất loại còi tương tự thế này, giá thành trên dưới 20.000 USD. Chẳng hạn như còi do Cty AIRCHIME- Canada (trang web: www.airchime.com) sản xuất, được rao bán với giá 23.000USD, sử dụng cho tàu thủy và chỉ có thể rú lên khi có hơi.

Người có “phép” đuổi voi dữ ảnh 4
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong bên chiếc còi ủ vừa sản xuất  Ảnh: Phong Cầm

Trong khi đó, loại còi do phân xưởng của anh sản xuất có thể hú vang được cả ngày, giá thành rẻ, dễ sử dụng. Tính năng của loại còi này lại đặc biệt phù hợp với việc đuổi voi, hạn chế tối đa việc voi phá hoại hoa màu.

Qua báo Tiền phong, anh Phong biết được địa bàn nơi voi rừng hay về phá hoại hoa màu cách Vườn Quốc gia Yok Đôn khoảng 40 km đường chim bay; nhiều khả năng những con voi đói từ rừng kéo ra đây tụ tập tại bìa rừng, chờ trời xẩm tối là ào ra phá hoại hoa màu.

Do đó, theo anh Phong chỉ cần lắp một chiếc còi tại bìa rừng là đuổi được đàn voi hàng chục con.

Theo anh Phong, việc cần kíp phải làm ngay là đưa còi vào Tây Nguyên cho thử nghiệm nếu tỉnh Đắk Lắk đồng ý.

Thời gian gần đây, Tiền phong liên tiếp phản ánh hiện tượng voi rừng phá hoại hoa màu của đồng bào tại Đắk Lắk. Vì sợ voi rừng tấn công, dân làng đã phải dắt díu nhau chạy về tụ tập tại nhà rông đốt lửa thức thâu đêm. Bà con phải dùng đèn pin, dùng can rỗng gõ ầm ĩ đuổi voi nhưng xem ra việc đuổi voi không cho chúng phá hoại hoa màu vẫn không mấy hiệu quả. Hằng ngày, nhiều héc-ta hoa màu vẫn bị voi rừng giẫm nát. Thực trạng này đã được Tiền phong phản ánh qua nhiều bài báo, song hiện vẫn chưa có cơ quan chức năng nào của tỉnh Đắk Lắk đứng ra giải quyết. Bà con nhất là người dân Bana, thuộc xã biên giới Ya Jrơi (huyện Ea Súp - Đắk Lắk) vẫn nơm nớp lo sợ mỗi khi đàn voi xuất hiện...
MỚI - NÓNG