Người đàn bà chèo thuyền trên Đồng Tháp Mười

TP - Ai về thăm Đồng Tháp Mười vào mùa sen nở, sẽ khó quên hình ảnh những người đàn bà mặc áo bà ba đủ màu sắc chèo thuyền, y như những bông hoa sen, những cánh sen Đồng Tháp. Họ đưa du khách thăm những danh thắng, những nét đẹp đồng bằng. 

Cái gì cũng nổi

Anh Sung Ho, một kiến trúc sư người Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam lại là người làm “hướng dẫn viên” cho chúng tôi đi thăm Đồng Tháp Mười. Anh nói: “Nhiều tạp chí ở Hàn Quốc giới thiệu về đồng bằng, ca ngợi những phong cảnh thiên nhiên, sinh thái độc đáo trên thế giới cũng rất hiếm gặp. Người Hàn Quốc chúng tôi đến Việt Nam thích đi du lịch về với thiên nhiên, nhất là tới Đồng Tháp Mười”. 

Hình ảnh những cánh đồng mênh mông và những người con gái mặc áo bà ba trên chiếc thuyền ba lá in sâu trong tâm hồn anh Sung Ho, dù anh chưa bao giờ tới Đồng Tháp Mười. Chính kiến trúc sư Sung Ho cầm vô lăng, lái xe, theo chỉ dẫn của bản đồ mạng, đưa chúng tôi tìm tới huyện Mộc Hóa, Long An, giáp biên giới với Campuchia.

Một chị nhân viên ngành du lịch địa phương vui vẻ nói với vị khách Hàn Quốc: “Vùng sinh thái được bảo tồn tại Mộc Hóa tập trung ở  Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có diện tích hơn 4.800 ha, với 150 loài thực vật, 140 loài chim, trong đó, nhiều loài chim quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Năm 2015, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được công nhận là khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar thứ 2.227 của thế giới và thứ 7 của Việt Nam”. Chị giới thiệu chúng tôi tới làng nổi Tân Lập, một khu vực dành cho du khách có thể lưu trú qua đêm tại Mộc Hóa.

Người đàn bà chèo thuyền trên Đồng Tháp Mười ảnh 1 Chị Trinh mong dịch bệnh qua mau, khách du lịch lại về Mộc Hóa. ảnh:Trần Nguyên Anh.

“Khách sạn mới được xây dựng đó các anh à” - Nhân viên du lịch giới thiệu.  Một khách sạn 7 tầng hiếm hoi mọc lên giữa cánh đồng ngập trong lau lách. Đứng ở khách sạn cao tầng duy nhất giữa cánh đồng ngập nước, du khách phóng mắt thấy ngút ngát đồng bằng xanh mướt. Những dòng kênh rạch lấp lánh ánh nắng. Mùi đồng bằng hoang dại cay nồng. Kiến trúc sư Sung Ho nói: “Khung cảnh thực ở đây còn đẹp hơn trên sách báo Hàn Quốc khi nói về Đồng Tháp Mười!”.

Chúng tôi bắt đầu khám phá đồng bằng trên những con thuyền nhỏ. Người chèo thuyền là chị Trinh năm nay 40 tuổi. Chị nói: “Làng nổi nên mọi thứ đều nổi”. Từ những chiếc xuồng lênh đênh trên dòng sông, những đám lục bình xanh biếc, cả những rừng tràm cũng nghiêng ngả. Chỗ nào cũng nước, cũng thấy cá, hoa súng, hoa sen.

Trên con thuyền nhỏ, chúng tôi thấy những du khách đi bộ theo con đường xuyên rừng dài 5km. Nắng xuyên qua rừng tràm như một bức tranh ấn tượng. Buổi chiều, chim bay về ngủ đầy trên cành, tiếng của chúng xao xác góc trời. Một cặp cô dâu chú rể đang chụp ảnh cưới giữa đám hoa sen.  

Chị Trinh mặc áo bà ba rực rỡ chèo thuyền qua đám hoa súng, nói: “Vùng chúng tôi là vùng căn cứ cách mạng, từng được lên phim Cánh đồng hoang. Thời chống Pháp nơi đây diễn ra trận đánh Mộc Hóa lịch sử, được đưa vào bài hát Tiểu Đoàn 307, di tích nay vẫn còn”.

Những chiếc thuyền nhỏ trước kia chở vũ khí đưa bộ đội ra trận, nay chở khách du lịch đi thăm những rừng tràm mênh mang. Trinh dừng chiếc thuyền lại trước những bụi “lúa ma”, để khách ngắm những giống lúa cổ xưa chưa được thuần hóa, là tổ tiên của các giống lúa ngày nay. Lúa ma vẫn mọc nhiều trên Đồng Tháp Mười không cần ai chăm sóc. Những hạt lúa tự nhiên theo nước nổi mà đi khắp nơi.

Mồ hôi mưa  

Người đàn bà chèo thuyền trên Đồng Tháp Mười ảnh 2

Những chiếc thuyền đưa khách trong mưa ảnh:Trần Nguyên Anh

 Mỗi chiếc thuyền nhỏ chở từ hai cho tới dăm bảy khách. Chị Trinh nói: “Lắm lúc thuyền toàn khách Tây, to lớn, rất nặng. Nhưng càng chở nặng chúng em càng vui, vì đông khách, có việc làm. Lúc nào thuyền nhẹ, lòng lại thấy buồn buồn”.

Làng nổi Tân Lập có một tuyến đi xuồng chạy bằng dây cáp, không phải chèo. Khách du lịch vẫn thích ngồi thuyền có tay chèo, để nghe những tiếng nói ngọt như mía lùi của con gái Đồng Tháp Mười, nghe kể những câu chuyện về tiểu đoàn 307.  “Khách có thể thuê thuyền đi câu cá cả ngày, miễn là phải mặc áo phao” - chị Trinh kể: “Ở đây câu được đủ loại cá, nhiều nhất là cá lóc. Riêng câu được cá tra phải thả xuống, vì cá tra nuôi làm cảnh”. Khách ném đồ ăn xuống, cá tra nổi lên cả đàn nom vui mắt. Chúng quen với con người chứ không như cá rô, cá lóc.

Những trận mưa đồng bằng xối xả, gió rung chuyển cả rừng tràm mà đoàn thuyền đưa khách vẫn cứ lội mưa mà đi. “Mùa mưa ở đây kéo dài mấy tháng, du khách nhiều người lại muốn trải nghiệm cảm giác đi thuyền trong mưa”. Chị Thặng là đội trưởng đội chèo thuyền. Chị đã quá quen cảnh đội nón, chèo thuyền chở khách trong những cơn mưa trắng trời. Thuyền đang trong rừng tràm, trời bỗng đổ mưa to, khách lẫn chủ đều ướt rượt. Khách mặc áo phao che thân, còn chị Thặng và các bạn hứng trọn những cơn mưa lớn.

Khi những cặp tình nhân tìm hơi ấm trong mưa, ngồi sát kề nhau còn người chèo thuyền vẫn một mình miệt mài với mái chèo. Họ không dám chèo nhanh, sợ thuyền lật, họ cũng muốn kéo dài những giây phút bên nhau của du khách khi từ nơi xa về Mộc Hóa để trải nghiệm cơn mưa lớn ở Đồng Tháp Mười. Thuyền đi giữa hoa súng, những rừng tràm mênh mang và cả những đàn chim kéo về trú mưa tiếng kêu ríu rít ngang trời. Chỉ đến khi khách rét run, bảo: “Mưa lớn quá không nhìn thấy gì, quay về thôi!”,  những người chèo thuyền mới oằn mình chèo thuyền tìm về bến đỗ.

Chờ khách mùa dịch

Bác Lành, du khách đến từ miền Trung hỏi chị Trinh: “Mỗi chuyến chèo thuyền đưa khách đi thăm Đồng Tháp Mười cả tiếng đồng hồ, trời thì lúc nắng như đổ lửa, lúc mưa tầm tã thế này, con được trả bao nhiêu tiền?”. Chị Trinh thực thà: “Cứ mỗi chuyến, không kể khách đông hay ít, con được trả 7.000 đồng bác ạ”. Bác Lành thở dài: “Vậy muốn kiếm dăm chục bạc, mỗi ngày cô phải chèo gần chục chuyến cơ à”. Trinh đáp: “Đội cháu có cả chục tay chèo. Mỗi ngày được dăm chuyến cũng là mừng lắm rồi ạ”.

Đào, một tay chèo có kinh nghiệm, bảo: “Tổ chúng em có 15 tay chèo toàn nữ cả. Đi làm thì mặc áo bà ba, nhìn giống nhau như chị em. Chúng em ở đồng bằng, xa thành phố, chỗ này cũng giáp biên giới rồi. Ngày thường ít khách lắm anh ạ. Cuối tuần như hôm nay và ngày lễ mới có khách”.  Gặp dịch bệnh COVID-19 hoành hành từ Tết đến giờ, khách càng vắng: “Mười phần nay chỉ còn được ba thôi” - Đào nói, áo cô vẫn còn ướt đẫm những hạt mưa.

Chị Trinh bảo tôi: “Đất đai canh tác giờ eo hẹp lắm, mỗi nhà chỉ có vài công ruộng thôi, trồng lúa chẳng được bao nhiêu. Em theo nghề chèo thuyền trong khu du lịch, mỗi tháng mong kiếm được một triệu đồng. Dịch bệnh thế này, cuộc sống chúng em càng khó khăn thêm…”.

Chị Trinh nói chuyện với khách vài câu rồi lại lấy nón xuống thuyền để chở khách tham quan giữa lúc cơn mưa lớn lại kéo đến đầu rừng tràm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.