Người dân có thể thuê bưu điện làm thủ tục hành chính

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành khởi động dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích sáng nay. Ảnh: Nguyễn Hoài
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành khởi động dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích sáng nay. Ảnh: Nguyễn Hoài
TPO - Từ hôm nay, (16/12), thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính để nộp hồ sơ, lệ phí và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. 

Sáng nay Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khai trương dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Trước đó, ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Việc làm này nhằm góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan hành chính, tăng cường sự công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời tiết kiệm chi phí cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Đây được coi là bước tiến mới trong cải cách hành chính ở Việt Nam so với thực tế hiện nay: các biện pháp cải cách thủ tục hành chính đang được thực hiện tại các cơ quan hành chính (các mô hình ‘Một cửa’, ‘Một cửa liên thông’, ‘Trung tâm hành chính’…) và đa số người dân và tổ chức, doanh nghiệp vẫn phải trực tiếp đến cơ quan hành chính để nộp hồ sơ, lệ phí và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn sử dụng 1 trong 3 dịch vụ gồm gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam hoặc tại địa chỉ mà tổ chức, cá nhân yêu cầu.

Cơ quan có thẩm quyền phải bố trí người tiếp nhận hồ sơ và tiền phí, lệ phí (nếu có) do Bưu điện chuyển đến. Sau khi tiếp nhận hồ sơ được chuyển đến, việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời hạn do pháp luật quy định. Cơ quan có thẩm quyền công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có) và thông báo đến nhân viên bưu chính và tổ chức, cá nhân khi hoàn thành việc giải quyết thủ tục hành chính. Nhân viên bưu chính sẽ chuyển phát hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính tới tận địa chỉ yêu cầu cho tổ chức, cá nhân.

Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích được thực hiện phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về bưu chính và mức giá cước do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Giảm phiền hà, nhũng nhiễu

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích sẽ có tác động rất rộng lớn với người dân, doanh nghiệp. Số liệu chính thức tới hôm nay có 124.355 thủ tục hành chính. Làm sao để thủ tục này đến với người dân thuận tiện nhất, để người dân tiết kiệm nhất, hài lòng nhất thì có nhiều biện pháp như các cơ chế một cửa, trung tâm cung cấp dịch vụ công. Tuy vậy, người dân vẫn phải tiếp xúc với cơ quan công quyền ở một số lượng các điểm tiếp xúc hạn chế.

Phó Thủ tướng cho biết, “kể từ hôm nay, người dân có thể thông qua các điểm bưu điện. Chúng ta có các điểm bưu điện tới từng ngóc ngách của đất nước. Tiến tới đây, không chỉ tại các điểm bưu điện mà dịch vụ sẽ đến từng nhà với sự trợ giúp của nhân viên bưu điện. Đây là việc quan trọng, đánh dấu nỗ lực của anh em các ngành, đặc biệt là ngành bưu điện nhưng cũng đặt ra tách nhiệm lớn với ngành bưu điện, không chỉ là cánh tay nối dài của hệ thống hành chính mà đây là bộ mặt của cơ quan hành chính nhà nước trước nhân dân”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, việc Thủ tướng ban hành Quyết định 45 là thể hiện bước đi quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính vì một nền thủ tục hành chính hướng đến người dân, vì người dân để phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận cơ quan nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất, thuận tiện nhất, đảm bảo ngăn ngừa các hành vi tiêu cực khác trong quá trình cải cách thủ tục hành chính.

MỚI - NÓNG