Người dân Đăk Lăk kêu trời vì nước giếng có… xăng

Người dân Đăk Lăk kêu trời vì nước giếng có… xăng
TP- Gần 4 tháng nay, 16 giếng nước dùng chung của 30 hộ dân thôn 15, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk không còn sử dụng được vì nước giếng có xăng.

Dù người dân đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn im lặng một cách khó hiểu.

Đầu tháng 9/2007, người dân thôn 15 xã Tân Hòa huyện lỵ huyện Buôn Đôn phát hiện nước giếng bơm lên có mùi xăng dầu đậm đặc, mặt nước nổi váng. Dùng nước này tắm xong thấy khắp người dính một lớp dầu trơn, chớp mắt có cảm giác hai mí mắt bị dính vào nhau.

Với những giếng nước đậy kín, khi mở nắp thì mùi xăng dầu xông lên nồng nặc. Ban đầu, nhiều người loan tin huyện Buôn Đôn có mỏ dầu. Nhưng sau đó, DNTN Phú Ngọc đã thừa nhận bồn xăng bị rò của họ chính là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Vì bị ô nhiễm, 16 giếng nước dùng chung của 30 hộ dân cạnh cây xăng của Phú Ngọc phải bỏ hoang, hơn 100 nhân khẩu đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Từ khi có thông tin nước giếng bị nhiễm dầu, các hộ kinh doanh hàng ăn uống ở thôn 15 luôn bị ế ẩm, mất khách nên người dân càng thêm khó khăn.

Ông Nguyễn Văn An buồn bã nói: “Tôi đã phải mua nước cách nhà mấy cây số về nấu ăn cho khách, nhưng người ta không tin. Quán ế ẩm không buôn bán gì được nữa, sắp tới phải đóng cửa thôi”.

Sau khi có đơn kiến nghị của dân, UBND xã Tân Hòa kiểm tra và xác nhận như sau: “Vào khoảng 7 giờ sáng ngày 4/9, tại bồn dầu của DNTN Phú Ngọc đã bị rò rỉ hết khoảng 6.000 lít dầu và thấm sâu vào lòng đất, nổi váng dầu trong giếng nước của dân dùng để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày”.

Các cơ quan chức năng đứng ngoài cuộc

Người dân sống trong khu vực nguồn nước ô nhiễm suốt nhiều tháng qua đã gửi hàng chục đơn từ kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào cử cán bộ xuống hiện trường lấy mẫu nước để kiểm tra mức độ ô nhiễm.

Chồng của bà chủ DNTN Phú Ngọc vốn là bí thư huyện ủy huyện Buôn Đôn, nay đang giữ một chức vụ quan trọng ở tỉnh mới Đăk Nông. Việc các cơ quan chức năng không có động thái tích cực xử lý việc DNTN Phú Ngọc gây ô nhiễm nguồn nước đã gây bức xúc cho dân chúng và tạo nhiều luồng dư luận tiêu cực.

Tháng 10/2007, DNTN Phú Ngọc đã rao bán cây xăng và suýt nữa đã có thể phủi tay nhẹ nhàng. Tuy nhiên, người dân xã Tân Hòa đã quyết liệt ngăn chặn việc sang nhượng của  DNTN Phú Ngọc và đòi hỏi trước khi bán cây xăng doanh nghiệp này phải khôi phục loại nguồn nước sinh hoạt cho những gia đình có nguồn nước bị ô nhiễm.

Thấy người dân làm căng, DNTN Phú Ngọc đã hứa sẽ “khắc phục hậu quả” bằng cách thuê người bơm nước từ các giếng bị ô nhiễm xả theo cống thoát nước chảy dọc trung tâm huyện đổ thẳng ra cánh đồng các thôn 15, 16. Lúc này toàn bộ diện tích lúa trên cánh đồng đã được thu hoạch nên chưa ai biết việc xả nước nhiễm xăng ra đồng gây nên hậu quả thế nào.

Dù đã xả hàng ngàn mét khối nước ô nhiễm ra cánh đồng nhưng nước giếng vẫn nồng nặc mùi xăng. DNTN Phú Ngọc đành dừng kiểu “xử lý ô nhiễm” lạ lùng này lại và thuê thợ đào 1 cái giếng cho các hộ dân bị ô nhiễm nguồn nước sử dụng. Nhưng cái giếng này cũng chỉ cách các giếng có nguồn nước bị ô nhiễm chưa tới 100m.

Và, vì không có cơ quan chức năng nào vào cuộc lấy mẫu nước kiểm tra độ ô nhiễm nên cũng chưa ai biết được giếng nước của DNTN Phú Ngọc đào cho người dân Tân Hòa có bị nhiễm chì hay các loại hóa chất độc hại khác từ nguồn xăng ngấm trong lòng đất ở khu vực này hay không.

MỚI - NÓNG