Người dân đổ về thành phố, nhiều xe nhồi khách

Người dân các tỉnh đổ về Thủ đô Hà Nội tăng trong ngày mùng 5 Tết. Ảnh: Châu Ngọc.
Người dân các tỉnh đổ về Thủ đô Hà Nội tăng trong ngày mùng 5 Tết. Ảnh: Châu Ngọc.
TP - Từ ngày mùng 5 Tết, người dân từ các tỉnh đổ về Hà Nội và TPHCM tăng vọt, nhiều xe nhồi nhét khách. Tại TPHCM đã xảy ra tình trạng kẹt xe.

Hà Nội xử lý 12 xe khách nhồi nhét, không vé

Hôm qua lãnh đạo bến xe Giáp Bát Hà Nội cho biết, vừa lập danh sách xử lý các xe khách vi phạm trong những ngày Tết Ất Mùi những chủ xe bị xử lý do chở quá số lượng người quy định, không xé vé cho khách. Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, có 12 xe bị xử lý ở mức đình tải. Cụ thể trong 12 xe trên có 3 xe khách chở vượt số lượng người khoảng 10 hành khách/xe, gồm: Xe 17D-00916 chạy tuyến Tiền Hải (Thái Bình); Xe 30 chỗ ngồi nhưng chở tới 40 người (vượt 10 người); xe 17B-00158 chạy tuyến Thái Bình, xe 30 chỗ ngồi nhưng thời điểm kiểm tra phát hiện xe chở 45 người (vượt 15 người); xe 36B-00355 chạy tuyến Thanh Hóa, xe có 30 chỗ nhưng chở 40 người (vượt 10 người).

Đợt cao điểm Tết Ất Mùi tại Bến xe Giáp Bát sẽ kéo dài đến 28/2 (mùng 10 Tết). Lượng hành khách đổ về bến trong ngày 23/2 tăng trên 30%.

Có 3 xe để xảy ra tình trạng nhà xe không xé vé cho khách khi xuất bến, gồm: Xe 35N-4861 chạy tuyến Ninh Bình, thời điểm phát hiện trên xe có 20 khách nhưng chỉ có 9 người có vé; Xe 17B-00059 chạy tuyến Thái Bình, thời điểm phát hiện xe chở 20 khách nhưng chỉ có 5 người có vé; Xe 16L-8853 chạy tuyến Hải Phòng, thời điểm phát hiện xe chở 20 khách nhưng chỉ 1 người có vé. Các xe còn lại đều vi phạm lỗi chở quá số người quy định hoặc xe xuất bến có từ 5 đến 7 khách không có vé. “Sau khi bị lực lượng giám sát bến phát hiện và lập biên bản, các xe trên sẽ bị đại diện bến Giáp Bát đình tải từ 5 đến 15 ngày”, ông Tùng thông tin.

Cũng theo ông Tùng, đợt cao điểm Tết Ất Mùi tại Bến xe Giáp Bát sẽ kéo dài đến 28/2 (mùng 10 Tết). Lượng hành khách đổ về bến trong ngày 23/2 tăng trên 30%. Về giá vé tại Bến xe Giáp Bát, ông Tùng cho biết, dịp Tết Ất Mùi có 27 doanh nghiệp muốn phụ thu (tăng) giá cước chiều từ Hà Nội đi nhưng bến xe đã không chấp thuận. Do vậy, giá vé xe khách tại bến Giáp Bát trước và sau Tết ổn định.

Người dân đổ về thành phố, nhiều xe nhồi khách ảnh 1

Dòng người ùn ùn trở lại, Sài Gòn “ngộp thở”.

TPHCM, cao điểm tàu xe về thành phố

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân bắt đầu quay trở lại Sài Gòn chuẩn bị cho công việc của năm mới. Các bến xe, nhà ga, sân bay, cửa ngõ vào TPHCM đã vào đợt cao điểm.

Năm nay, một số công ty bắt đầu làm việc lại vào ngày mùng 5 nên từ ngày mùng 4 Tết, nhiều người dân đã đổ vào TPHCM. Tuy nhiên, cao điểm vẫn là chiều mùng 5 và mùng 6 Tết, người dân từ khắp các vùng miền hối hả quay trở lại thành phố.

Theo ghi nhận tại Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, nhà ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất… từ chiều mùng 5 đã đông khách. Các tuyến xe khách từ những vùng phía Bắc lần lượt nối đuôi nhau vào Bến xe Miền Đông.

Ông Hòa (chạy xe ôm ở bến xe) cho biết, cao điểm nhất vẫn là tối mùng 5, sáng mùng 6. Lượng xe sẽ vào bến rất đông, “cánh xe ôm chúng tôi tận dụng cơ hội bắt khách, làm việc suốt ngày đêm”.

Các cửa ngõ vào thành phố cũng bắt đầu đông phương tiện chủ yếu là xe máy từ các tỉnh lân cận đổ về như trên xa lộ Hà Nội, phà Cát Lái (các tỉnh Đông Nam bộ), quốc lộ 1A (các tỉnh từ miền Tây đổ về)... Hàng nghìn phương tiện rồng rắn nối đuôi nhau trở lại Sài Gòn từ chiều mùng 5 Tết. Năm nay, kỳ nghỉ Tết dài nên những người Sài Gòn cũng tranh thủ đi về các tỉnh lân cận vui chơi khiến dòng người quay trở lại Sài Gòn càng đông đúc.

Anh Võ Văn Hòa, quê ở Tiền Giang cùng vợ và con ngồi nghỉ bên đường thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết: “Ăn Tết ở nhà ông bà nội, đến hôm nay (mùng 5) mới lên Sài Gòn, đi ngay ngày cao điểm nên cả QL1A từ quê lên tới đây cứ kẹt xe miết. Mặc dù thế, nhưng đi xe máy thì cả gia đình chủ động hơn trong việc đi lại”.

Cũng trong sáng 23/ 2 (tức mùng 5 Tết), nhiều người từ Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu trở lại TPHCM  và các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương làm việc.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại bến xe Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi tập trung nhiều hãng xe… lượng khách tới mua vé cũng chưa nhiều. Do giáp với Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM nên đa số người dân di chuyển bằng xe máy về quê nên sau kỳ nghỉ và cũng trở lại bằng xe máy.

Nằm đối diện với bến xe Bà Rịa, sân trước Trung tâm thương mại Bà Rịa là địa điểm hoạt động của xe dù. Tuy nhiên, các loại xe này rơi vào tình trạng ế ẩm khi người dân hoặc là lựa chọn đi các hãng xe đảm bảo chất lượng hoặc đi xe máy.

MỚI - NÓNG