Người dân Hà Nội chủ yếu ăn đồ không sạch

Người dân Hà Nội chủ yếu ăn đồ không sạch
Theo số liệu của ngành Nông nghiệp thì có tới 73% mẫu rau trên thị trường Hà Nội có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và 57% mẫu thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm khuẩn và có thuốc tăng trọng.
Người dân Hà Nội chủ yếu ăn đồ không sạch ảnh 1
Bao giờ người tiêu dùng mới được dùng thực phẩm an toàn?

Dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng còn chưa hết làm người ta lo ngại thì thuốc tăng trọng trong thịt gia súc lại làm đau đầu các nhà chức trách. Thế nhưng, việc điều tra thực tế cho thấy, những con số nêu trên còn ở mức khiêm tốn.

Trôi nổi thịt thương phẩm…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, bình quân mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 300 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó có khoảng 200 tấn là thịt lợn, 40 tấn thịt trâu, bò và hơn 60 tấn thịt gia cầm. Thế nhưng, Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 40% lượng thịt, còn lại được đưa từ các nơi khác về.

Trong số hơn 40% lượng thịt do chính Hà Nội cung cấp, cũng chỉ 20% là được quản lý. Nghĩa là, trong khoảng 300 tấn thịt tiêu thụ hàng ngày ở Hà Nội thì có tới hơn 200 tấn thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Song 20% được gọi là "có quản lý" này thực chất chỉ là thịt được giết mổ tại 7 lò mổ tập trung nhưng cơ quan chủ quản cũng không dám khẳng định kiểm soát được 100% về chất lượng, bởi không loại trừ việc gia súc chưa được kiểm định bị trà trộn vào.

Theo ông Hồ Quốc Khánh - Phó trưởng Phòng Quản lý kinh doanh, Sở Thương mại Hà Nội, thành phố hiện chưa có dây chuyền giết mổ gia súc đạt chất lượng, "cao cấp" nhất cũng chỉ là lò mổ tập trung. Duy nhất ở Lương Yên có một dây chuyền giết mổ gia cầm nhưng đang "đắp chiếu" vì đẩy giá thành sản phẩm cao.

Ông Khánh cũng cho biết: Chuyện thịt gia cầm nhập lậu là không thể kiểm soát nổi. Như vậy, những nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người là rất cao, bởi trong số hàng ngàn tấn thịt được bày bán tại các chợ, thật khó tránh khỏi có thịt gia súc, gia cầm bị bệnh dịch từ nơi khác đưa về.

Sống chung với rau không an toàn

Hiện Hà Nội có trên 100 địa điểm tiêu thụ rau an toàn của các HTX, doanh nghiệp, tư thương. Thế nhưng, cũng theo ông Hồ Quốc Khánh thì trong số này chỉ khoảng 55 điểm là được Sở Thương mại cấp giấy phép. Nhưng trong 55 cửa hàng ấy, qua kiểm tra thực tế, cũng chỉ chừng 80% là rau sạch thật, còn lại là "treo biển rau sạch bán rau bẩn".

Theo quy định thì những điểm kinh doanh rau sạch được cấp phép phải có hợp đồng với vùng, khu vực sản xuất rau sạch, đủ các điều kiện về hàng hoá, con người, cơ sở vật chất. Rau sạch nếu đúng tiêu chuẩn là rau phải được gói trong túi nilon kín.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các loại rau được bán ở đây đều không tuân thủ quy định này. Lý do đơn giản là rau để trong túi nilon kín sẽ nhanh hỏng. Chính vì điều này mà việc trà trộn rau không rõ nguồn gốc vào cửa hàng rau sạch là điều khó kiểm soát.

Các cơ quan chức năng khi kiểm tra cũng không thể xác định được liệu mặt hàng rau đó có sạch hay không vì cách xác định duy nhất để cấp phép chỉ là hợp đồng giữa nơi bán và nơi sản xuất.

Chỉ làm một phép tính sơ sơ là biết ngay được tình hình. Có khoảng gần 1.000 tấn rau được tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô mỗi ngày. Hà Nội chỉ tự cấp được một sản lượng rau an toàn chừng 180 tấn. Ấy là kể cả lượng rau dùng để xuất khẩu chứ không riêng để tiêu dùng. Số rau sạch thực sự đến người dùng thấp hơn nhiều.

60% rau mà người Hà Nội ăn hàng ngày là được đưa về từ các tỉnh lân cận. Mà ở các địa phương, việc sản xuất rau sạch mới chỉ rất ít, thậm chí chưa có.

Người tiêu dùng tự lo đến bao giờ?

Từ nhiều năm qua, Hà Nội đã chú trọng việc khuyến khích sản xuất rau sạch, nhưng xem ra, người Hà Nội vẫn và sẽ còn phải "sống chung với rau không an toàn".

Mức hỗ trợ 70% kinh phí với cơ sở được cấp giấy chứng nhận lần đầu và 50% với cơ sở được tái cấp, xem ra chưa hấp dẫn, nên người dân chưa mặn mà với việc sản xuất rau sạch.

Trong khi đó, chúng ta không quản lý được việc nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc ngoài danh mục nên lượng thuốc này tràn vào các tỉnh và Hà Nội. Người dân chưa tự giác trong việc sản xuất và kinh doanh rau an toàn, nhưng công tác quản lý còn rất lỏng lẻo.

Tại các chợ ở Hà Nội, rất nhiều thịt lợn không hề có dấu kiểm soát của thú y vẫn được bày bán công khai. Số cửa hàng bán rau sạch không được cấp phép vẫn tồn tại mà không có biện pháp xử lý triệt để, khiến người tiêu dùng "không biết đằng nào mà lần".

Thực trạng trên quả đáng gióng lên tiếng chuông cảnh báo đáng lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu ngành chức năng và chính quyền các địa phương không có một chiến lược lâu dài cũng như tăng cường kiểm tra và mạnh tay trước các vi phạm, thì người dân còn phải tự lo, tự kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm đến bao giờ?

Theo Thanh Hằng - Lệ Thúy
Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG