Người dân kêu hưởng lợi thấp từ điện, xăng dầu, sữa

Mặc dù giá sữa được bình ổn nhưng người dân vẫn “kêu” không được hưởng lợi. Ảnh: Như Ý.
Mặc dù giá sữa được bình ổn nhưng người dân vẫn “kêu” không được hưởng lợi. Ảnh: Như Ý.
TP - Vẫn còn nhiều nút thắt trong phát triển kinh tế thị trường, người dân được hưởng lợi không đáng kể trong điều hành; vì vậy, đa số muốn Nhà nước tiếp tục “ôm ấp”. Đó là thông tin chính tại Hội thảo “Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014 - CAMS 2014” do VCCI tổ chức ngày 23/7.

90% cho rằng không được hưởng lợi

Tại buổi công bố thông tin, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhóm điều tra CAMS đã khảo sát ý kiến đánh giá của nhóm đối tượng về hiệu quả chương trình bình ổn giá. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người đánh giá hiệu quả chỉ ở mức trung bình. Cụ thể: 47% tổng số người trả lời khá hiệu quả (khoảng 6% đánh giá là rất hiệu quả). Ngược lại, có tới 50% đánh giá hoàn toàn không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất ít.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu CAMS đã chỉ ra, một số mặt hàng như: xăng, dầu, gas và sữa chỉ có  đến 10% số người trả lời nói  được hưởng lợi. Cụ thể, thống kê chỉ ra xăng dầu là loại mặt hàng có sự can thiệp của Nhà nước mà tỷ lệ người trả lời “không hưởng lợi” là cao nhất (66%). Tiếp đến là sữa (60%), gas (59%), điện (58%), thuốc phòng bệnh chữa bệnh thiết yếu (55%). “Những con số trên cho thấy các mặt hàng dù có sự can thiệp của Nhà nước, nhưng tỷ lệ người dân cho biết được hưởng lợi vẫn thấp. Như thế cần xem lại cách can thiệp. Điều này khá mâu thuẫn nhưng có thể việc Nhà nước can thiệp chưa đem lại kết quả mong muốn là đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho xã hội nói chung”, ông Tuấn nói.

Chỉ ra chương trình bình ổn gia là “phản” thị trường, T.S Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích: “Vấn đề thị trường, giá cả theo tôi chưa thật phù hợp theo cơ chế thị trường nên sự can thiệp là phản thị trường. Giá do nhà nước kiểm soát, trong khi chuyển sang kinh tế thị trường phải thiết lập được thể chế để thị trường vận hành. Chục người mua, một người bán không còn là thể chế thị trường”, ông Cung nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ cho rằng, xăng dầu, điện độc quyền cao. Chính yếu tố này làm người dân ít tin tưởng vào thị trường mặc dù nghĩ kinh tế thị trường ưu việt. Nhà nước nên can thiệp vào thị trường bằng cách thiết lập tính cạnh tranh cho xăng dầu, điện một cách minh bạch sẽ khiến người dân tin tưởng hơn.

Thiếu thị trường, “thừa” Nhà nước

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, dù chưa được hưởng lợi nhiều từ việc Nhà nước can thiệp giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhưng phần lớn người được hỏi vẫn cho rằng, rất cần sự can thiệp của Nhà nước. Ba mặt hàng được nhiều người dân cho rằng cần thiết có sự can thiệp giá của nhà nước bao gồm thuốc phòng/chữa bệnh (90%), điện (87%) và xăng dầu (85%). Hai mặt hàng khác cũng được chú trọng là nước sạch (82%) và gas (81%). Những mặt hàng này đều nằm trong tay nhóm độc quyền hoặc chi phối thị trường để quyết định giá cả.

Ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho biết, trong khảo sát CAMS 2014 tất cả các nhóm nghề nghiệp đều ủng hộ mạnh mẽ mô hình kinh tế thị trường để bình ổn giá với những hàng hoá thiết yếu. Tỷ lệ này năm 2014 là 75% (tăng 7% so với 2011). Gần 90% người dân cho rằng kinh tế thị trường là ưu việt nhưng có đến 75% người ủng hộ giá cả hàng hóa nên có sự can thiệp, bình ổn của Nhà nước.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví người dân thích nền kinh tế thị trường nhưng vẫn muốn được Nhà nước “ôm ấp, bảo vệ”. Nguyên nhân do sợ rủi ro thị trường, rủi ro chính sách nên tâm lý “dựa vào nhà nước” kiếm lợi là bình thường. “Từ khi chúng ta gia nhập WTO cách ứng xử không hoàn toàn theo cam kết dẫn đến hệ quả là lực lượng doanh nghiệp suy yếu, môi trường kinh doanh khó khăn hơn”, ông Thiên nói.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI kết luận, hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi. Dù quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường còn một số mặt bất cập nhưng cải cách Việt Nam đang thực hiện phù hợp với nhu cầu của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra những phát hiện đáng chú ý như kỳ vọng rất lớn về vai trò của Nhà nước trong kiểm soát giá cả, tình trạng lưỡng thể của nền kinh tế, đánh giá hiệu quả của chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước hay bình ổn giá chưa cao.

Bộ GD-ĐT: Đáng lẽ phải được khen!

Theo ông Phạm Ngọc Phương, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục – Đào tạo, chỉ số hài lòng của ba bộ này thấp vì cả 90 triệu người dân đều liên quan đến giao thông, giáo dục và y tế trong khi các bộ khác người ít bị để ý hơn do ít liên quan hơn như các bộ Khoa học, Công thương… Công việc của 3 bộ bị đánh giá thấp ảnh hưởng hằng ngày hằng giờ  tới đời sống của người dân và người ta chỉ thấy cơ sở vật chất bệnh viện chật chội, giao thông tắc nghẽn, dạy thêm học thêm, đổi mới thi cử liên tục... Nói sòng phẳng, nếu đánh giá một cách chuyên sâu, sẽ thấy, 3 bộ này trong nhiệm kỳ vừa qua có những đổi mới rất mạnh mẽ. Theo tôi,  đáng lẽ lãnh đạo ba Bộ này phải được khen”, ông Phương nói.

Ngành Giáo dục tôi không khen, nhưng, thời điểm này, do sự phát triển kinh tế xã hội nhanh, do đòi hỏi cao, chứ còn giáo dục đổi mới nhiều trong 4 năm gần đây. Nhìn vào có thể thấy tất cả học sinh Việt Nam đi thi quốc tế đều đạt giải và khi chúng tôi đi họp ngoài quốc tế, nhiều nước phát triển, như nước Anh chẳng hạn, còn đặt câu hỏi: “Các ông dạy thế nào mà học sinh giỏi vậy?”; hay như chỉ số PISA đánh giá cao giáo dục của Việt Nam cũng là khách quan. Vì vậy, 3 Bộ bị đánh giá thấp theo tôi là vì cả 90 triệu người liên quan bỏ phiếu; còn các bộ ngành khác,  chỉ 10 triệu hoặc 5 triệu người bỏ phiếu do ít biết về họ.  

 Hồ Thu (ghi)

Bộ GTVT: Phản ánh đúng thực trạng GTCC

Ngày 24/7, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Việc VCCI đưa ra nhận định: Chỉ 10% người được hỏi hài lòng về dịch vụ công cộng phản ánh đúng thực trạng về giao thông công cộng, cũng như tỷ lệ người sử dụng dịch vụ này. “Vẫn còn tình trạng ít tuyến xe buýt; trên tuyến ít xe; xe chật chội, nóng nực; ứng xử trên xe buýt chưa thực sự văn minh. Hiện người dân thành phố vẫn chủ yếu sử dụng xe máy, xe taxi”, ông Thọ nói.

Định hướng phát triển giao thông công cộng được Bộ GTVT và địa phương thực hiện từ sớm. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất đang thực hiện là nhanh chóng đưa đường sắt đô thị (tại Hà Nội và TPHCM). Theo ông Thọ, đây là loại phương tiện vận tải quy mô lớn, giúp thay đổi cơ bản dịch vụ vận tải công cộng.

Với xe buýt, Bộ GTVT khuyến khích địa phương mở thêm các tuyến xe buýt mới; nâng cấp các tuyến xe khách có mật độ lớn thành tuyến buýt; xây dựng thêm nhà chờ; nâng cao văn hóa đi xe buýt... “Vừa qua, Bộ GTVT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về các cơ chế chính sách để phát triển dịch vụ xe buýt (Quyết định 13/2015/QĐ – TTg). Đây là một trong những động lực để phát triển vận tải công cộng sắp tới”, ông Thọ nói.

                Bảo An

MỚI - NÓNG