Người dân tái định cư thiếu đất sản xuất

Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền
Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền
TPO - Mặc dù thu nhập của người dân tái định cư chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều nơi còn thiếu đất canh tác, đất xấu, thiếu khả năng đầu tư thâm canh.

Sáng 11/6, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, từ sau kỳ họp thứ 8 đến nay, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu, trả lời 1.943 kiến nghị của cử tri (đạt 100%).

Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho biết, tuy đời sống của người dân tại các khu tái định cư các công trình thủy điện được cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tại các khu tái định cư vẫn còn cao và cao hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các địa phương, như các hộ dân tái định cư thuộc thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) hơn 74% hộ nghèo, Plei Krong (Kon Tum) 65,13%, Khe Bố (Nghệ An) 60%, An Khê-Ka Năk (Gia Lai) 56%, Đăk Rinh (Quảng Ngãi) 49%, Huội Quảng (Lai Châu) 39,09%, Hòa Bình 36%...

Mặc dù thu nhập của người dân tái định cư chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều nơi còn thiếu đất canh tác, đất xấu, thiếu khả năng đầu tư thâm canh. Một bộ phận người dân tái định cư từng gắn bó với rừng và khai thác sản phẩm từ rừng là sinh kế cơ bản nhưng rừng ít nên giảm nguồn thu, đời sống vẫn khó khăn.

Báo cáo giám sát cũng nhấn mạnh, việc thu hồi đất, giao đất sản xuất của một số dự án còn chậm, đất xấu, một số nơi chưa giao đủ đất nên người dân không có điều kiện phát triển sản xuất như dự án thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Lào Cai, Sơn La.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp chưa hiệu quả, sau đào tạo người lao động khó tìm việc làm, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề rất thấp. Công tác chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người dân, nhất là đối với người dân bị mất đất sản xuất thiếu tính đa dạng, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và phong tục, tập quán của người dân.

Liên quan đến chính sách tín dụng cho doanh nghiệp và người dân, đến cuối tháng 5/2015 đạt 798.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7,17% so với 31/12/2014, chiếm khoảng 19,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Nếu so với cuối năm 2009 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đã tăng gấp 2,5 lần.

Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nằm ngoài khu vực nông thôn được thụ hưởng chính sách; xem xét nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm và kéo dài thời hạn cho vay; quy định về phương thức cho vay lưu vụ phù hợp với cá nhân, hộ gia đình trong việc sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có tính mùa vụ…

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những tồn tại, hạn chế do một số cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc tổ chức, chỉ đạo tiếp thu, giải quyết, trả lời cử tri, dẫn đến việc giải quyết trả lời còn chậm. Việc phân định kiến nghị phải giải quyết và các kiến nghị giải trình cung cấp thông tin với cử tri còn chưa rõ ở hầu hết các bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

MỚI - NÓNG