Người dân vẫn còn phàn nàn công chức gây phiền hà, sách nhiễu

Chỉ có 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc (Ảnh minh họa)
Chỉ có 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc (Ảnh minh họa)
TPO - Có 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc, 1,85% số người được hỏi khẳng định công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định.

Ngày 2/5, Bộ Nội vụ công bố kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017 (SIPAS 2017).

Nội dung đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức được thực hiện đối với 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công gồm: tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; thủ tục hành chính; công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; tiếp nhận giải quyết góp ý phản ánh kiến nghị. Đối tượng điều tra được chọn ngẫu nhiên, với tổng số phiếu thu về hợp lệ hơn 30 nghìn phiếu.

Theo Bộ Nội vụ, tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc đã giảm đi đáng kể, thể hiện qua 78,09% số người được hỏi khẳng định chỉ đi lại 1 – 2 lần trong quá trình giải quyết công việc, 16,9% đi lại 3 – 4 lần. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, với 2,42% số người được hỏi đi lại 5 – 6 lần và 2,47% đi lại 7 lần trở lên.

Đáng chú ý, có 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc. Tỉnh có số người được hỏi khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu nhiều nhất là 7,30%, thấp nhất là 0,2%.

Cùng với đó, có 1,85% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định. Tỉnh có tình trạng công chức gợi ý nộp thêm tiền nhiều nhất là 4,3%, ngược lại có tỉnh không xảy ra tình trạng này.

Trong số những người dân, tổ chức bị trễ hẹn trả kết quả nói chung trong cả nước, chỉ có 32,77% nhận được thông báo của cơ quan về sự trễ hẹn. Thậm chí có tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo nào việc trễ hẹn trả kết quả tới người dân, tổ chức và một nửa số tỉnh trong cả nước chỉ thông báo cho dưới 31,6% số trường hợp bị trễ hẹn.

Cũng trong số những người bị trễ hẹn trong cả nước, 88,91% không nhận được xin lỗi từ cơ quan về sự trễ hẹn, trong đó có những tỉnh không hề xin lỗi bất cứ người dân, tổ chức nào khi bị trễ hẹn.

Liên quan đến chỉ số hài lòng về công chức được Bộ Nội vụ công bố với những con số rất “đẹp”. Điển hình là 82,8% số người được hỏi trong cả nước hài lòng về công chức có thái độ giao tiếp lịch sự; 80,78% hài lòng về công chức chú ý lắng nghe; 80,9% hài lòng về công chức trả lời, giải đáp đầy đủ; 81,9% hài lòng về công chức hướng dẫn hồ sơ dễ hiểu. Chỉ số hài lòng chung về công chức là 81,81%.

Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Bộ Nội vụ cũng khẳng định, đã áp dụng phương pháp chọn mẫu điều tra khoa học, chặt chẽ, đảm bảo đúng yêu cầu để chọn ra 33.900 người dân, tổ chức được phát phiếu điều tra ở tất cả các vùng miền trong cả nước.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.