Người đầu tiên thành lập bệnh viện tư

Người đầu tiên thành lập bệnh viện tư
Tuy có không ít gian nan của kẻ "tiên phong" nhưng kết quả mà công trình đem lại cũng đã khiến tôi thật hạnh phúc - Tổng Giám đốc Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn (Sihospital) Nguyễn Xuân Huy tâm sự.
Người đầu tiên thành lập bệnh viện tư ảnh 1

Một ca mổ lấy thai do các bác sĩ Sihospital thực hiện.

"Đến bây giờ, tôi vẫn còn giữ lại 2 tập hồ sơ dày hàng chục ngàn trang, trong đó bao gồm khoảng 60 loại văn bản, giấy tờ các loại để làm cơ sở, giúp tôi có đủ tư cách pháp lý cho ra đời Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn - Sihospital - BV tư nhân đầu tiên tại TPHCM đồng thời cũng là mô hình y tế tư nhân đầu tiên cả nước".

Gian nan

"Ý tưởng thành lập một bệnh viện tư nhân chuyên về phụ sản đã đến với tôi từ những nhu cầu rất thực. Khi đưa vợ mình đi sanh, tôi đã vất vả biết bao và nhận ra mình cũng không phải trường hợp ngoại lệ, bởi ngành y tế bị quá tải nặng nề, triền miên... Đó là lý do, đồng thời cũng là động lực giúp tôi đạp bằng mọi khó khăn, thử thách của người mở lối" - ông Huy khẳng định.

Năm 1995, ông bắt đầu khởi sự. Thời điểm đó, y tế tư nhân được biết đến một cách rất mông lung... Tìm đến các nhà tư vấn, ông nhận được đề nghị chi khoảng 50.000USD để họ lo giấy phép giúp. Một số tiền quả thật không nhỏ. Cuối cùng ông quyết định cùng vài người cộng sự vào cuộc, tự làm lấy mà không cần dịch vụ.

Hành trình tìm gặp Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt. Rồi lại xin gặp Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương. Sau đó là Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng - người phụ trách mảng điều trị. Phải mất hơn 2 năm mới có được giấy thỏa thuận cho phép mở bệnh viện.

Và trên cơ sở này, sau hơn một năm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị máy móc - vào ngày 1.12.2000, Sihospital chính thức ra đời.

Cần cái tâm...

Từ chỗ không biết chút nào về ngành y, sau hơn 6 năm cùng vui cùng buồn với "đứa con tinh thần" của mình, ông hiểu sâu sắc rằng, nếu không có tâm, sẽ không thể đầu tư vào lĩnh vực y tế được, bởi đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, liên quan đến nỗi đau, sự sống cái chết của từng cá nhân... Hơn thế nữa, lĩnh vực mà Sihospital phục vụ lại là chuyên khoa phụ sản và nhi thì áp lực của tính chất công việc sẽ nặng nề hơn nữa.

"Chính vì cảm nhận rất rõ "sức ép" nặng nề này mà trong quản lý, tôi luôn quyết định dành những gì tốt nhất có thể để đầu tư cho máy móc trang thiết bị chuyên môn và cả nhân lực, con người" - Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Huy nói.

Vào thời điểm Sihospital mới đi vào hoạt động, khi đến thăm và làm việc với bệnh viện, bà Phạm Phương Thảo -  lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND TPHCM - đã nhận định: Bệnh viện này được đầu tư tương tự các khách sạn, và điều đáng khen là không hề nghe thấy mùi bệnh viện, không mùi thuốc, mùi cồn... Một bầu không khí rất trong sạch!

"Tiếng lành đồn xa" - năm qua, Bộ Y tế và Tổng cục Du lịch VN vào khảo sát thực tế để đề xuất "gắn sao" cho các bệnh viện chất lượng cao đã đánh giá Sihospital đạt đến "4 sao". Hiện tại, thu nhập cao nhất của một bác sĩ tại Sihospital khoảng 20 triệu đồng/tháng. Người thấp nhất cũng được khoảng 1,6 triệu đồng/tháng.

Để khuyến khích đội ngũ y bác sĩ hết lòng vì người bệnh, Sihospital đã hỗ trợ cho tất cả các BS không mở phòng mạch tư từ 1,6 - 2,5 triệu đồng/tháng (tùy vào tay nghề thực tế của họ). Chính vì vậy, Sihospital tránh được rất nhiều tai tiếng do dịch vụ làm ngoài giờ của các BS gây nên... - ông Nguyễn Xuân Huy tâm sự: "Tôi mong đang đầu tư xây dựng Sihospital không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ tốt, hoàn hảo mà còn phải là bệnh viện có văn hoá".

Theo Lao động

MỚI - NÓNG