Người đẹp Nha Trang và kết thúc có hậu của hoa khôi “ết”

Người đẹp Nha Trang và kết thúc có hậu của hoa khôi “ết”
TPCN - Một cô gái từng đăng quang hoa khôi  trong cuộc thi người đẹp thành phố biển Nha Trang, sau đó trở thành người mẫu nổi tiếng ở nhiều sàn diễn thời trang, nhiều vũ trường ở Sài Gòn...
Người đẹp Nha Trang và kết thúc có hậu của hoa khôi “ết” ảnh 1
Lâm Uyên Nhi và các cháu bé ở nhà trẻ

Cô lấy một người Pháp giàu có nhưng rồi cuộc đời bỗng “rơi tự do” xuống địa ngục... Tưởng như tất cả đã chấm hết thì cô lại gặp điều kỳ diệu như trong chuyện cổ  tích...

Người đẹp Nha Trang và “cái bẫy” cocain

Uyển Nhi sinh ra trong một gia đình có tám chị em, gặp lúc cảnh nhà sa sút nên dù rất ham học nhưng mới đến lớp năm cô đã phải gạt nước mắt từ biệt mái trường.

Uyển Nhi đi bán phở thuê, bán bánh mỳ nhưng nỗi nhớ lớp, nhớ trường vẫn khôn nguôi. Tích cóp được ít tiền, Nhi đi học trở lại và dù lớn lên trong gian khó, cô vẫn đẹp lạ lùng, nổi bật giữa bạn bè đồng trang lứa.

Năm lớp 9, Nhi đạt giải hoa khôi của trường. Ít lâu sau, Nhi đi thi người đẹp thành phố biển Nha Trang và nhận được vương miện như một lẽ đương nhiên.

Đó là năm 1989, thời điểm ấy, vương miện hoa khôi khiến Nhi nổi tiếng cả thành phố biển, cuộc đời cô bé bán bánh mỳ ngày nào đã lật sang trang mới.

Thế rồi, Nha Trang không giữ được chân người đẹp khi Nhi quyết định vào lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhi trở thành người mẫu chuyên nghiệp sáng giá trên nhiều sàn diễn thời trang.

Thân hình hoàn mỹ, nhảy đẹp nên các vũ trường phải “xếp hàng” mời người đẹp Nha Trang đến nhảy mẫu để hút khách. Tại một vũ trường, Nhi gặp  Pactric - người đàn ông quốc tịch Pháp mà chỉ ít lâu sau cô sẽ lấy làm chồng.

Pactric hơn Nhi gần hai mươi tuổi, nói tiếng Việt như... người Sài Gòn và si mê cô chân thành, bồng bột như thể đang tuổi 20.

Lấy chồng ít lâu, Nhi sang Singapore học lớp nâng cao về nghề người mẫu. Ở đảo quốc này, Nhi vẫn giữ thói quen hút thuốc lá có từ bé vì hồi nhỏ nhà làm nghề quấn thuốc lá.

Nhi cứ hồn nhiên hút mà không hề biết những điếu thuốc lá đó đã bị nhóm người xấu cùng học với mình bỏ cocain vào.

3 tháng sau, trở về thành phố Hồ Chí Minh, Nhi bỗng lên cơn vật vã. Chồng Nhi cho vợ đi thử mới phát hiện trong người cô có chất cocain. Pactric quyết định đưa vợ lên Đà Lạt cai nghiện, anh thuê hẳn một ngôi nhà, mời bác sỹ đến theo dõi điều trị.

Hai năm liền sống ở Đà Lạt, người đẹp Nha Trang đã dứt hẳn cocain. Pactric vui lắm, muốn đưa vợ về nước ra mắt bố mẹ nhưng Nhi còn ngại vì chưa biết tiếng Pháp nên cô xin chồng đi du lịch xuyên Việt.

Hai vợ chồng ra đến Hà Nội, nghỉ ở khách sạn trên phố Hàng Bạc. Nhi ở lại khách sạn còn Pactric bay về Pháp ít ngày. Ở được mấy ngày, đột nhiên vợ không nhận được điện thoại của chồng như thường lệ. Gọi điện về Pháp thì hay tin Pactric đã sang Việt Nam.

Mấy ngày sau, luật sư của Pactric gọi điện báo cho Nhi biết chồng cô đã bị bắt vì buôn lậu đồ cổ và không hẹn ngày về. Nghe tin như sét đánh ngang tai, Lâm Uyển Nhi hoàn toàn sụp đổ. Nhi đã quen với cảm giác Pactric vừa là chồng vừa là cha, vừa là anh của mình, nay anh bị bắt, người đẹp Nha Trang cảm giác như mất hẳn chỗ nương tựa.

Cũng từ ngày Nhi nghiện, tài chính của gia đình đã chuyển giao cho Pactric quản lý nên giờ đây trong tay cô chỉ có ít tiền tiêu vặt, một mình bơ vơ giữa Hà Nội chẳng biết đi đâu về đâu. 

“Rơi tự do” xuống địa ngục

Đúng lúc ấy, Nhi gặp mấy người bạn Sài Gòn ra Hà Nội chơi nhạc ở vũ trường. Rồi Nhi dính vào “cái chết trắng” mang tên heroin...

Nhi ngồi trước mặt tôi, những giọt nước mắt rơi trên gương mặt xanh xao nhưng vẫn còn le lói vẻ đẹp trong ngày đăng quang hoa khôi thành phố biển khi xưa.

Nghiện hút, “khúc dạo đầu” của Nhi là bán hết nữ trang để “chơi hàng trắng”. Nghiện càng nặng, mỗi ngày có khi Nhi xài hết một triệu tiền “hàng trắng”.

Xài kiểu đó thì tỷ phú cũng sạt nghiệp huống hồ là Nhi. Chẳng còn cách nào khác Nhi đành làm gái nhảy ở một vũ trường lớn. Từ hút chuyển sang chích, người Nhi bệ rạc, gầy yếu. Ma tuý tàn phá nhan sắc ghê gớm, nên một thời gian người đẹp Nha Trang không trụ lại được ở vũ trường này nữa.

Trong cơn quẫn bách, Nhi cắn răng làm gái đứng đường. Chưa “hành nghề” được bao lâu thì trong một đợt truy quét gái mại dâm Uyển Nhị bị bắt đưa lên Trung tâm giáo dục lao động xã hội II (TTGDLĐXH) ở Ba Vì - Hà Tây. Tại đây, Nhi nhận được một hung tin mà nghe xong chỉ muốn tự tử .

“Em đã “dính” HIV”, Nhi nói câu đó với tôi mà gương mặt bỗng trở nên thất thần, hoảng loạn. “Lúc đó, đối với em cuộc đời thế là hết. Sống chỉ thêm tủi nhục, đày đọa. Cũng nhờ cô Phương- Giám đốc TTGDLĐXH số II quan tâm động viên nên em mới không tìm đến cái chết”.

Sau đó ít lâu, Nhi ra khỏi TTGDLĐXH II, chẳng dám về quê vì mặc cảm tội lỗi nên lại xuống Hà Nội buôn bán nhì nhằng kiếm sống. Có lần lên nhà người bạn ở tỉnh Vĩnh Phúc chơi, Nhi gặp một chàng trai và dường như anh ta đã yêu người đẹp Nha Trang ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Trái tim Nhi bấy lâu thiếu vắng yêu thương nay lại đập loạn nhịp. Nhi yêu nhưng không dám nói thật về quá khứ của mình, yêu trong sự gìn giữ bởi luôn bị đè nặng bởi ý nghĩ mình đã có HIV.

Nhưng rồi trong một cơn say rượu anh người yêu đã gần như cưỡng bức Nhi. Và sau đó, người đẹp Nha Trang mang thai. Nhi không ngờ một người nghiện ma tuý, có HIV như mình lại có mang. Vui đó, mà buồn ngay sau đó. Liệu đứa bé có bị lây HIV từ mẹ? Ai sẽ nuôi nó khi mà bản thân Nhi cũng chưa lo nổi cho mình?

Gặp mấy người bạn cũ hồi còn ở vũ trường, bị họ rủ rê lôi kéo, Nhi nghiện trở lại. Trong bụng cái thai cứ lớn dần. Sắp đến ngày sinh, Nhi vẫn không chốn nương thân, phải vạ vật ở vườn hoa Parter.

Đấu tranh mãi, Nhi mới gọi điện báo cho người yêu biết mình mang bầu. ít lâu, Nhi nhận được 1 triệu của anh ta kèm với lời nhắn: anh sắp đi học ở Singapore, em đừng làm phiền nữa.

Ngày Nhi sinh con trong túi không có nổi một nghìn đồng, đau đẻ méo cả mặt anh xe ôm thương tình chở vào Bệnh  viện C. Nhi sinh một bé trai rất kháu khỉnh có nốt son ngộ nghĩnh ở môi.

Sinh xong, người héo như tàu lá nhưng phải cố lê bước chân bế con ra đường. Không một ai chăm sóc. Không một đồng trong túi. Đứa bé gào khóc đòi sữa, Nhi không dám cho bú vì biết sữa của mình có heroin, con bú vào sẽ vật. Xin được một manh chiếu, Nhi đưa con ra vườn hoa Parter ngồi. Nhi đặt tên con là Phong vì nghĩ đến cuộc đời mưa gió của mình nhưng sau lại đổi thành Nam.

Con đói sữa khóc ngằn  ngặt, mẹ lên cơn vật vã đòi thuốc. Nhi cắn răng đến bật máu. Tuyệt vọng. Nhi bế con ra sông Hồng tự tử. Đang nhìn dòng nước cuộn chảy, có anh xe ôm tốt bụng đến hỏi chuyện rồi khuyên can: “Chết làm gì thiệt thân, hoàn cảnh em như thế thì nên đưa vào bệnh viện để đứa bé lại cho người ta nuôi”.

Anh xe ôm chở Nhi đến  Bệnh viện C. Lúc đó đã 7 giờ sáng, Nhi bế con đặt xuống rồi đặt lên, cứ thế 8, 9 lần... mãi đến 10 giờ sáng trong lòng vẫn còn giằng xé, không cất nổi bước chân đi.

Anh xe ôm sốt ruột bảo: “Thế này thì cả mẹ và con đều chết. Thôi, đi nhanh lên”. Nhi chạy ra khỏi viện, không dám quay đầu lại nhìn con.

Ngay sau đó, vay được 50 nghìn đồng, mua heroin “chơi” xong, người tỉnh táo, chẳng hiểu sao Nhi lại chạy ào đến bệnh viện, giằng lại đứa con. Nhi nói cho mình nghe: “Mẹ không thể ném con vào đời như thế!”.

Lại lang thang vạ vật từ vườn hoa này đến vườn hoa khác. Đói rét, và cái chết luôn rình rập. Trong cùng quẫn, Nhi chợt nhớ tại TTGDLĐXH số II, có một nhà trẻ nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV.

“Mình phải đưa con đến đó nhờ nuôi giúp ít lâu”. Nhi lén đặt ở cổng TTGDLĐ XH số II, kèm thêm mảnh giấy đẫm nước mắt: “Xin cô bác hay cứu lấy cháu” (Ký tên Lâm Uyển Nhi).

Vở kịch cuộc đời và cái kết có hậu

... Ngồi với tôi trong nhà trẻ dành cho các cháu có HIV ở TTGDLĐ số II – Ba Vì, nhìn mấy đứa bé đang chơi đùa, gương mặt Nhi bỗng rạng ngời hạnh phúc.

Tôi hỏi: “Sau khi bỏ con ở đó, chị đi đâu? Làm thế nào mà bây giờ lại ở đây?”. Nhi không trả lời, đưa cho tôi một mảnh giấy đầy kín chữ, bảo: “Đây là vở kịch em viết để sắp tới xuống Hà Nội tham dự hội diễn văn nghệ. Vở kịch này em kể lại đoạn đường từ khi bỏ cháu Nam ở cổng TT cho đến bây giờ, đúng sự thật 100%, không bịa một chi tiết nào”.

Tôi đọc vở kịch do Nhi viết và tự thấy cần ghi ra đây.  Vở kịch mang tên Cánh buồm Hy vọng

Cảnh 1: ...Người mẹ bế con đau đớn đặt con ở cổng TTGDLĐXH số II rồi viết mảnh giấy: “Xin cô bác hãy cứu lấy cháu bé” ( Ký tên: Lâm Uyển Nhi).

Giám đốc (GĐ): Thấy có tiếng khóc của trẻ ở ngoài cổng bước, bước ra xem, bế trẻ lên và xem giấy...

Cảnh II: Một năm sau tại TTGDLĐ số II. Nhi một lần nữa trở lại TT lén lút ở cổng nhìn ngó như chờ đợi một điều gì đó...Bất chợt có tiếng gọi:

GĐ: Nhi! Có phải Nhi đó không?

Người mẹ xấu hổ định bỏ đi thì cô GĐ chạy theo giữ tay lại: “Nhi có muốn gặp con mình không. Cháu bé rất khoẻ và đáng yêu”.

Người mẹ quỳ xuống trước mặt GĐ, vừa khóc vừa nói: “Cô ơi! Hãy giúp cháu”. Cô GĐ đỡ Nhi dậy: “Đứng lên đi cháu, có gì rồi từ từ nói”.

Nhi: Cô ơi! Cháu muốn ở lại đây và được chăm sóc các cháu mồ côi có HIV và con cháu nữa. Đó là tâm nguyện của cháu những mong chuộc lại lỗi lầm mà cháu đã gây ra.

GĐ: Bấy lâu nay cô đã nhờ rất nhiều người tìm Nhi nhưng không biết Nhi ở đâu, giờ Nhi đã quay lại đây, trước tiên Nhi phải vào y tế để cai nghiện cho ổn định sức khoẻ đã”. GĐ vỗ vai: “Hãy cố gắng lên Nhi nhé”.

Cảnh III: Trong khuôn viên nhà trẻ các mẹ cùng các con đang vui đùa học hát, Nhi bước vào, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một cậu bé  có cái bớt son ngộ nghĩnh trên môi. Trong lúc đang bối rối thì mẹ Hoa bước lại gần.

Mẹ Hoa: Có nhận ra cháu không Nhi?

Nhi mạnh dạn nói:

Nhi:  Có phải con của chị đấy không Hoa?

Hoa mỉm cười gật đầu rồi nắm tay cháu Nam đến bên mẹ. Đứa trẻ ngơ ngác nhìn mẹ như một người xa lạ. Nhi vừa gọi con trong nỗi vui mừng, ngượng ngùng xấu hổ...

Cảnh IV: Nhi và các mẹ chăm sóc bé Huyền đang bị HIV giai đoạn cuối.

Bác sỹ: Vào báo tin vui: “Trong đợt xét nghiệm vừa qua có được 5 cháu từ dương tính chuyển sang âm tính”. Bác sỹ nhìn sang Nhi nói với gương mặt hạnh phúc: “Nhi ạ! Trong đó có cả cháu Nam nữa đấy”...

Gọi là kịch nhưng thực ra Nhi đã kể lại chân thực quãng đời của mình. Một quãng đời éo le như kịch. Vở kịch mới đóng thử, tất cả người xem đều khóc.

Bà Nguyễn Thị Phương – Giám đốc TTGDLĐXH số II (nhân vật giám đốc trong vở kịch của Nhi), tâm sự: “Đời Nhi khổ nhiều, nhưng kể từ khi vào đây cô ấy vui lắm, làm việc rất tốt, thương yêu các cháu như con mình”.

Những đứa trẻ có HIV ở đây mang gương mặt của những thiên thần. Vẻ đẹp đó dường như để bù lại nỗi bất hạnh quá lớn mà các em bé vô tội phải gánh chịu.

Nhi và các mẹ dồn hết tình thương cho các cháu những mong điều đó sẽ làm HIV biến mất khỏi những cơ thể non nớt kia. Có nhiều em đã chuyển từ dương tính sang âm tính, như Nam con của Nhi, nhưng cũng không ít em đã chết.

Nhi ôm một bé gái vào lòng, nói: “Giờ đây em sẵn sàng đổi cả mạng sống của mình để lấy một kết quả âm tính cho cháu bé ở đây. Đời em cuối cùng đã  neo đậu ở chốn này.  Cháu Nam không còn có HIV nữa, đó là câu chuyện cổ tích mà cuộc đời đã dành cho em.  Sắp tới cháu sẽ chuyển khỏi nhà trẻ. Em mong bố cháu biết được, đón cháu về nuôi. Mong một lần em được về thăm Nha Trang để tạ lỗi với gia đình”.

Từ ngày vào đây, sức khỏe Nhi dần hồi phục, người đẹp Nha Trang ngày nào giờ trở thành hoa khôi “ết” của nhà trẻ này, cô sống như thể phía trước là bầu trời. Có phải thế chăng mà vở kịch lại mang tên “Cánh buồm Hy vọng”?

Tôi gai người khi nghe Nhi cất lời ru mấy em bé ngủ: “À ơi, ví dầu cầu ván đóng đinh; Cầu tre vắt vẻo gập ghềnh khó đi; Khó đi mẹ dắt con đi; Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.  

 Hà Nội đầu xuân 2006

 Phùng Nguyên

MỚI - NÓNG