Người đi bộ thờ ơ với hầm bộ hành và cầu vượt

Người đi bộ thờ ơ với hầm bộ hành và cầu vượt
Trong lúc TP Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ thì có nhiều hầm đường bộ tiền tỷ vẫn trong tình trạng lãng phí.

Sau hơn 3 năm xây dựng với trị giá hơn 2,5 tỷ đồng/hầm, đến nay phần lớn các hầm đường bộ trên đường Phạm Hùng vẫn trong tình trạng cửa đóng, then cài.

Đường Phạm Hùng là tuyến giao thông thường xuyên có lượng lớn phương tiện qua lại, nhu cầu sang đường của người đi bộ rất lớn. Cửa hầm đóng kín, tường bao xung quanh thì bong tróc, lở loét thậm chí có chỗ còn bị đập vỡ trông rất thảm hại…

Cũng là hầm bộ hành nhưng số phận hầm chui nút giao thông Ngã Tư Vọng còn hẩm hiu hơn nhiều. Sau khi thi công được hơn 50% với giá trị nhiều tỷ đồng đã phải tạm dừng lại. Lý do được đưa ra là việc xây dựng tuyến hầm này không khớp với quy hoạch đường vành đai 2 mở rộng tại đường Trường Chinh.

Có mặt tại hầm đường bộ Ngã Tư Sở - một công trình hiện đại đã được đưa vào sử dụng khá lâu nhưng cũng chung cảnh khá hiu quạnh. Tại phòng điều hành, nơi đặt màn hình của hàng chục camera theo dõi khu vực đường hầm, một cán bộ trực chỉ huy cho biết: Đường hầm rất thoáng mát, sạch sẽ và có đủ các biển bảng chỉ dẫn. Tuy nhiên số lượng người sử dụng vẫn chưa nhiều.

Nhân viên tại đường hầm này cho biết: Nếu đi đủ một vòng tròn của đường hầm (đi hết 4 cửa hầm) cũng chỉ mất 5-7 phút. Tuy nhiên, nhiều người đi bộ vẫn rất thiếu ý thức, thản nhiên băng qua đường giữa dòng xe cộ đông đúc. Hành vi đó không chỉ gây mất TTATGT, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng khi qua đường.

Đặc biệt theo các nhân viên làm vệ sinh tại đây thì rất nhiều người đi bộ đã thiếu ý thức khi đi trong đường hầm. Tiểu tiện bừa bãi, thậm chí là phóng uế ngay trong hầm gây mất vệ sinh… khiến cho công việc của lực lượng này hết sức vất vả.

Không chỉ hầm đường bộ mà dạo một vòng qua các khu vực đã xây dựng cầu vượt như trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, khu vực Trường Đại học GTVT… chúng tôi vẫn bắt gặp cảnh người đi bộ thản nhiên băng qua đường. Chính vì vậy việc không chấp hành Luật Giao thông, tự ý băng qua đường, thiếu quan sát rất dễ xảy ra tai nạn. 

Cầu vượt và hầm bộ hành - đó là những giải pháp khả thi nhất dành cho người đi bộ nhằm giảm tai nạn và giải quyết nạn ùn tắc giao thông trên các đường phố. Để đẩy mạnh phát triển những công trình này, TP Hà Nội cho biết nằm trong chương trình thực hiện 7 nhóm giải pháp về triển khai các giải pháp cấp bách nhằm giảm TNGT và ùn tắc giao thông, thời gian tới thành phố sẽ tập trung xây dựng cầu, hầm dành cho người đi bộ sang đường.

Cụ thể là sẽ hoàn thành 19 cầu dành cho người đi bộ trên tuyến đường: Giảng Võ - Láng Hạ, Đại Cồ Việt, Liễu Giai, Trần Duy Hưng, Sơn Tây, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Chùa Bộc, Thái Hà, Hoàng Quốc Việt, Giải Phóng, Xuân Thủy, Ngọc Hồi, Phạm Ngọc Thạch. Đây là những khu vực tập trung nhiều trường học, bệnh viện và cơ quan… nơi thường xuyên có đông người tham gia giao thông.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất là cùng với việc mở rộng, xây mới những công trình này thì việc nhanh chóng đưa vào khai thác, sử dụng những hầm đường bộ đang đắp chiếu, không hiệu quả là điều rất quan trọng. Tạo sự an toàn, thoải mái cho người đi bộ khi sử dụng những công trình này. Bên cạnh đó cần phải tăng cường việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc làm quen và sử dụng các công trình hầm đường bộ, cầu vượt

Theo Đức Thọ
CAND

MỚI - NÓNG