Người đi tìm cha cho những đứa con lai giống mình

Trần Đại Nhật đọc thơ trước người cựu binh Hàn Quốc đi tìm con rơi ở Việt Nam.
Trần Đại Nhật đọc thơ trước người cựu binh Hàn Quốc đi tìm con rơi ở Việt Nam.
TP - Mỗi lần gặp Đại Nhật, tôi lại nghe câu chuyện mới về việc tìm kiếm cha cho một đứa con lai Đại Hàn trong chiến tranh, nghe một vài câu thơ, và đôi khi, thấy cả những giọt nước mắt. Biết rằng ai cũng có một số phận, mà cuộc đời như một cuộc tìm kiếm gốc tích bản ngã cho chính mình… mà không dễ dàng chi.
Người đi tìm cha cho những đứa con lai giống mình ảnh 1

Trần Đại Nhật đọc thơ trước người cựu binh Hàn Quốc đi tìm con rơi ở Việt Nam.

“Ai cũng có, trừ tôi”

Tôi gặp Trần Đại Nhật cách đây khoảng 10 năm, tại một quán cóc nhỏ cùng mấy người bạn văn thơ tại TPHCM. Những người viết văn được gọi là trẻ ở thành phố này thường tụ tập với nhau, nói đủ thứ chuyện phiếm, nhất là về văn chương và giải thưởng. Đại Nhật thì không, anh chỉ ngồi nghe, trầm ngâm, câu chuyện xoay quanh những đứa con lai vô thừa nhận trong chiến tranh. Văn chương của Đại Nhật cũng xoay quanh chủ đề những đứa con lai đi tìm cha.

Đại Nhật rất yêu thích văn chương, xuất thân từ trường báo chí, anh xem việc viết như một công việc quan trọng của đời mình. Đại Nhật chơi với nhiều nhà văn nhà thơ.

Giọng nói khá lớn, đặc sệt miền Trung, chàng thi sĩ đọc những câu thơ như từ đáy lòng của mình, nó không đơn giản là thơ mà là những tiếng nấc. “Tôi vẫn nhớ ngày dẫn tôi đến trường /Chiếc áo sờn vai, mảnh quần rách gối /Nép bên mẹ, tôi như người có tội /Tôi sinh ra đời mang dòng máu con lai! /Chúng bạn hỏi: mầy là con ai? /Phải con củ, con khoai không hở? /Tôi lặng im. Nhưng mắt trừng chúng nó /Mặc những lời chế giễu chua cay

Mỗi lần đọc thơ, Đại Nhật lại chảy hai dòng lệ, vừa khóc vừa đọc mà không thèm chùi. Hoàn toàn không phải là “diễn”.

Đi tìm thân phận

Đại Nhật không giấu thân phận của mình, anh xem mình như một nhân chứng của chiến tranh. Nhật nói: “Tôi là đứa con sinh ra do mẹ tôi bị hãm hiếp. Tôi đọc sách báo, thấy nhiều cựu binh Hàn Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam luôn phủ nhận việc hãm hiếp phụ nữ Việt Nam. Họ nói: Bằng chứng đâu? Tôi đã nói với họ rằng tôi và mẹ tôi sẵn sàng làm chứng việc này. Chúng tôi là những con người, chúng tôi không muốn chối bỏ sự thật”.

Mẹ của Đại Nhật buôn bán trước cổng một đơn vị quân Đại Hàn. Một hôm, một người lính kiểm soát quân sự đã vào nhà và anh ta cố tình làm việc ấy trong khi người phụ nữ Việt Nam hoàn toàn không đồng ý, bởi bà vừa mới sinh con với chính người chỉ huy của người lính kia. Sợ bị bại lộ sự việc, người lính Hàn Quốc kia sau đó đã chuyển đi đâu mất tích và có lẽ đến nay vẫn không biết rằng Đại Nhật đã sinh ra trên cõi đời này.

Nhà văn nói với tôi: “Ông ta muốn kiếm chúng tôi đâu khó khăn gì. Chúng tôi vẫn sinh sống và lớn lên ở mảnh đất ấy. Suốt tuổi thơ của mình, tôi bị tất cả bạn bè gọi là con lai. Vì sao ông ấy không dám quay lại tìm chúng tôi?”.

Viễn cảnh mà Trần Đại Nhật nói với tôi đó là anh ta sẽ tìm được người cha của mình rồi sẽ đưa ông ấy ra một tòa án chiến tranh, tố cáo tội ác mà ông ấy đã gây ra. “Cả cuộc đời mẹ tôi, cả cuộc đời tôi đã bị hủy hoại sau sự kiện kinh hoàng mà ông ấy gây ra. Tôi không muốn điều ấy xảy ra với bất kỳ ai trên cuộc đời này nữa”.

Người đi tìm cha cho những đứa con lai giống mình ảnh 2 Nhà văn giúp nhiều con lai tìm được cha và xúc động chứng kiến giây phút  gia đình họ đoàn tụ.

Tìm những người cha “bất đắc dĩ”

Trong quá trình đi tìm người đã sinh ra mình, Trần Đại Nhật gặp nhiều nhân chứng đó là các bà mẹ cũng bị hãm hiếp, bị bỏ rơi trong các cuộc tình ngắn ngủi với lính Đại Hàn, rồi gặp những cựu chiến binh tốt bụng từ Hàn Quốc. Cuối cùng, nhà văn lại trở thành một cầu nối, cung cấp thông tin tìm kiếm con lai.

Gặp tôi trong một quán cà phê cóc gần chợ Phạm Văn Hai, chàng thi sĩ nói: “Tôi đã giúp khoảng 60 đứa con lai tìm được cha của mình”. Chàng thi sĩ mau nước mắt hóa ra lại là người rất mạnh mẽ trong việc tìm cha cho những đứa con rơi. “Tôi đã tìm con rơi cho một sĩ quan cao cấp nằm trong bộ tham mưu của Đại Hàn tại Việt Nam. Ông ấy có quốc tịch Hàn Quốc và Úc, nên mua nhà và đưa con của ông sang định cư ở Úc”.  Đại Nhật bảo: “Người sĩ quan cao cấp kia rất ngại gặp tôi, ông ấy xấu hổ. Nhiều việc cứ nhờ bạn bè đến gặp tôi. Dù sao, ông ấy cũng đã tìm thấy con của mình và sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, trước khi ông ấy qua đời”.

Vợ Trần Đại Nhật là một cô gái Huế, quê ở làng làm bánh canh nổi tiếng. Cô nói: “Anh Đại Nhật nhà em chẳng làm được việc gì nhiều cho gia đình, suốt ngày đi tìm con lai. Nhà cửa của chúng em hiện nay là nhà thuê đấy chứ”.

Câu chuyện là không ít lần những người con lai đi tìm cha nghĩ rằng nhà văn Đại Nhật sẽ được phía Hàn Quốc cho tiền nên mới nhiệt tình thế, còn những cựu binh Hàn Quốc nghĩ rằng Trần Đại Nhật sẽ được những người con lai sau khi tìm thấy cha trả tiền công. Nhà văn nói: “Đa số con lai đều sống nghèo khổ, thậm chí dưới mức nghèo khổ. Tiền xe đi gặp cha cũng không có. Tôi phải mượn tiền vợ tôi mà chi phí cho họ. Chỉ mong khi đoàn tụ, gia đình họ hoàn trả cho vợ tôi, nhưng nhiều khi cũng chẳng ai nhớ những việc ấy!”.

Mong một tiếng gọi

Trần Đại Nhật đã in ba cuốn sách và chủ đề đều là những cuộc tìm cha của những đứa con lai. Có người bảo: “Ông đi tìm cha cho con lai để viết văn, để thành nhà văn à?”. Lại có động cơ chăng? Không hẳn vậy. Dù không phải con lai hay không đi tìm con lai thì Nhật vẫn viết văn, không đề tài này thì đề tài khác. Thậm chí mười năm qua, nhà văn này hầu như chẳng in ấn gì: “Tôi hiện có 4 tập bản thảo truyện ngắn, thơ… nhưng quá mỏi mệt vì nhiều chuyện nên vất đó, chẳng in”.  Sống bằng nghề hướng dẫn viên du lịch nuôi con, đôi khi có tiền, nhà văn lại dành chi phí cho việc tìm kiếm cha cho những đứa con lai hơn là bỏ tiền để in sách.

Văn thơ về con lai Đại Hàn của Nhật như những ghi chép cố lưu lại những mảnh  đời không ai ghi chép, chúng sẽ bị quên lãng bởi thời gian nếu không được ghi chép lại: “Những đứa con trai lặn lội trong đời /Cố ngoi lên từ ao tù nước đọng /Thằng Lee đi làm nghề vác mướn /Thằng Kim đi làm gã bồi phòng /Tôi vẫn nhớ, có đêm mùa đông /Chúng nó đi lạc loài trong phố /Khuya,về chung trong căn phòng nhỏ/Mơ gọi thầm hai tiếng: cha ơi!

Tôi đã theo chân Đại Nhật trong một cuộc tìm kiếm con lai. Người con lai kia quả thực chẳng có nhà cửa gì, đi ở thuê, làm linh tinh ở chợ đầu mối nuôi con. Cô nói: “Sau khi bố tôi về Hàn Quốc khi hết hạn nghĩa vụ quân sự, mẹ tôi một mình nuôi con, cuộc sống vất vả. Các con tôi đều học tiếng Hàn với hy vọng một ngày nào đó tìm thấy ông ngoại”. Người cựu binh kia, trong một chuyến du lịch Việt Nam đã đến tìm nhà văn Đại Nhật nhờ tìm vợ con, mà ông chỉ nhớ vỏn vẹn một cái tên vợ. Như phép thần kỳ, cuối cùng gia đình họ gặp nhau. Nhà văn bảo tôi: “Thật ra chẳng có phép màu nào. Cộng đồng những người vợ từng lấy chồng là lính Hàn họ biết nhau, họ vẫn kể chuyện về nhau. Tôi cứ gặp người nọ, hỏi ra người kia, lần lần cũng tìm được người cần tìm”.

Những cuộc đoàn tụ khiến cho Nhật vui và quên đi tháng ngày. Nhà văn bảo tôi: “Nhiều mảnh đời thương tâm. Con gái học tiếng Hàn để tìm cha, rồi đi làm trong quán bia phục vụ khách Hàn thì gặp chính cha mình đi du lịch đang đi tìm em út giải trí. Trò chuyện mới phát hiện ra đó chính là cha ruột, nếu không thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Tôi hỏi Đại Nhật: “Ông tìm cha cho nhiều người rồi, vậy cha của ông vì sao không tìm thấy?”. Nhật có lẽ vẫn còn giận người cha của mình, vẫn còn xót thương mẹ mình lắm. Nhật bảo: “Mẹ tôi cũng đã già, vừa rồi tôi nói mẹ đi du lịch Hàn Quốc một lần cho biết. Nhưng mẹ tôi kiên quyết không đi, bảo tốn kém lắm”.

Trầm ngâm, Trần Đại Nhật bảo tôi: “Tôi có rất nhiều thông tin về ông ấy, nếu quyết tâm tìm có thể sẽ tìm được. Tôi biết ông ấy nhỏ hơn mẹ tôi 4 tuổi và nhiều khả năng vẫn còn sống. Nhưng tôi nghĩ, nếu tôi tìm gặp được cha mình, có thể ông ấy không thừa nhận chúng tôi, cũng có thể ông ấy thừa nhận chúng tôi. Sau đó, có lẽ tôi không còn động lực để giúp mọi người tìm con lai như bây giờ nữa. Tôi vẫn nghĩ rằng tôi sẽ dành tâm huyết để tìm giúp mọi người trước đã. Và có lẽ người cựu binh Hàn Quốc cuối cùng mà tôi tìm gặp trong đời tôi, đó là người đã sinh ra tôi trong cuộc chiến tàn khốc ấy”.

10/2017

Có thể Nhật sẽ khóc với những trang văn chưa biết mở mắt của anh. Bởi mỗi dòng, mỗi chữ anh viết ra cho thấy một trái phá ngổn ngang. Đó là hiện thực của anh. Là mơ ước của anh. Anh muốn mọi thứ bình ổn.

Tôi yêu những trang văn hoang hoải, mất cân đối đó của Nhật. Những câu văn run rẩy đôi khi chấm câu lộn xộn, sai cú pháp nhưng cho thấy một nét gì trọn vẹn tính cách anh. Không có một tình yêu tuyệt đối. Không có gì là quá hoàn hảo giữa dòng chảy ngồn ngộn vực thẳm này. (Nguyễn Hữu Hồng Minh)

MỚI - NÓNG