Người duy nhất ở Việt Nam cắm sạc điện vào tim để sống

Vì sức khỏe yếu, lại lo máy sạc nhanh hỏng nên hàng ngày anh Biên phải nằm trên giường cắm điện để truyền vào người.
Vì sức khỏe yếu, lại lo máy sạc nhanh hỏng nên hàng ngày anh Biên phải nằm trên giường cắm điện để truyền vào người.
Cái xắc là vật bất ly thân đối với anh Biên, bởi trong đó có bộ máy hỗ trợ tim để anh cắm sạc điện vào người. "Cất nó đồng nghĩa là tui cũng về với ông bà tổ tiên" - anh Biên nói vui.

Từ Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình vượt hơn 50km chúng tôi tìm về Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để gặp anh Hoàng Quốc Biên, người duy nhất ở Việt Nam hiện nay hàng ngày cắm sạc điện vào người để sống, bởi anh là người đầu tiên ở Việt Nam được ghép tim nhân tạo bán phần. Anh Biên đón chúng tôi trong bộ dạng như một cậu trò nhỏ bởi anh luôn mang theo cái xắc bên mình. Cái xắc là vật bất ly thân đối với anh, bởi trong đó có bộ máy hỗ trợ tim để anh cắm sạc điện vào người. "Cất nó đồng nghĩa là tui cũng về với ông bà tổ tiên" - anh Biên nói vui.

Chập chờn trong cơn buồn dài

Men theo triền cát trắng chúng tôi tìm về nhà anh Biên. Quảng Bình còn nghèo, và xã Ngư Thủy Trung quê của anh Biên lại nằm trong số xã nghèo nhất của tỉnh. Vì vậy gia đình anh Biên cũng như nhiều hộ dân nơi đây luôn trong cảnh đói nghèo, túng quẫn. Loay hoay mãi, anh Biên mới tìm được chiếc chiếu tương đối lành lặn trải ra nền nhà để tiếp chúng tôi.

Sinh năm 1974, Hoàng Quốc Biên lớn lên bên vùng cát, chân sóng của biển. Vì vậy, khi tóc mới ở chỏm đầu, Biên đã thành thục nghề đi biển. Do nhà nghèo, làng nghèo nên Biên và những người dân vùng biển Ngư Thủy Trung chỉ quẩn quanh đánh bắt gần bờ. Họ lấy mớ tôm, cá đánh bắt được đem bán để phục vụ sinh hoạt đắp đổi qua ngày.

Người duy nhất ở Việt Nam cắm sạc điện vào tim để sống ảnh 1

Ngày xuất viện của anh Hoàng Quốc Biên trong sự chờ đợi, vui mừng của vợ và các con.

Từ một chàng trai vùng biển khỏe mạnh, năm 2013, sức khỏe Biên ngày một giảm sút và sụt cân nhanh chóng. Là trụ cột của gia đình, Hoàng Quốc Biên bắt đầu nghĩ đến ngày anh phải từ bỏ tất cả vì bệnh tật. Dù vậy, mỗi lúc bệnh tình thuyên giảm, anh vẫn cố gắng ra biển, tìm kiếm cái ăn nuôi sống gia đình.

Trong một lần Biên và các ngư dân khác vừa rẽ sóng cho thuyền ra khơi, thì cơn đau bất ngờ ập đến. Cả vùng ngực anh như bị viên đá tảng đè lên, nghẹt thở. Biên được đưa vào bờ đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, Biên được các bác sĩ giữ lại để theo dõi, chữa trị nhưng vì cuộc sống của các con, anh lại xin ra viện về nhà để tiếp tục đi biển.

Biên kể: "Hàng đêm, ngắm nhìn 3 đứa con còn tuổi ăn, tuổi học rồi nghĩ đến bệnh tật của mình, cổ họng nghẹn lại. Vì lo nghĩ nên nhiều đêm tui thức trắng, vì vậy bệnh tật lại càng nặng thêm". Cơn đau tim liên tục hành hạ Biên. Nhưng vì hoàn cảnh luôn thiếu trước hụt sau, ăn bữa nay lo bữa mai nên anh  vẫn không dám nhập viện để điều trị. Đầu năm 2014, anh Biên hầu như không thể còn làm được việc gì khi căn bệnh giãn cơ tim anh mắc phải đã ở giai đoạn cuối. Gia đình và chính bản thân anh cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất…

Người duy nhất ở Việt Nam cắm sạc điện vào tim để sống ảnh 2

Các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim nhân tạo bán phần cho anh Hoàng Quốc Biên.

Giấc mơ thành sự thật

Trong những ngày chống chọi với bệnh giãn cơ tim, Hoàng Quốc Biên vẫn âm thầm ao ước có một phép màu cho anh được sống. Và ước mơ của người con vùng biển đã trở thành hiện thực khi Bệnh viện Trung ương Huế quyết định thực hiện ca ghép tim bán phần đầu tiên ở Việt Nam, và Biên may mắn được lựa chọn ngẫu nhiên trong hàng trăm bệnh nhân mắc phải bệnh này.

Để chuẩn bị cho ca ghép tim nhân tạo bán phần này, GS.TS Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, người chủ trì ca ghép đã quên ăn, quên ngủ nhiều ngày trước đó để lo cho công tác chuẩn bị, phân công các kíp phẫu thuật, kíp gây mê, kíp tuần hoàn ngoài cơ thể… GS Phú và các đồng nghiệp của ông đều chung suy nghĩ: ca ghép lần này không chỉ là cứu tính mạng một con người cụ thể, mà còn là sự khẳng định, sự tìm tòi vươn tới đỉnh cao trong y học của nước nhà. Vì vậy, một sự chủ quan, sơ suất dù nhỏ nhất cũng không được phép.

Ngày 6/6/2014, ngày anh Biên được sinh ra lần hai, và cũng là ngày khẳng định sự tiến bộ vượt bậc trong nghề y của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế. Gần 50 y bác sĩ với sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Saint Vincent (Úc), sau hơn 5 giờ tiến hành phẫu thuật, ca ghép tim nhân tạo bán phần đầu tiên ở Việt Nam cho bệnh nhân Hoàng Quốc Biên đã thành công. Khác với ghép tim nhân tạo toàn phần là cắt bỏ hoàn toàn quả tim bị bệnh của bệnh nhân để cấy ghép vào đó một quả tim khác để duy trì sự sống cho người bệnh.

Ghép tim nhân tạo bán phần là có một bộ máy nằm hoàn toàn bên ngoài cơ thể người bệnh, bộ máy có nhiệm vụ cung cấp nguồn điện, tạo nên lực từ trường làm quay các cánh quạt được gắn nam châm bên trong quả tim nhân tạo của người bệnh, nó giúp làm thúc đẩy các mạch máu để hệ tuần hoàn của người bệnh hoạt động. Với trường hợp anh Biên, thiết bị nhân tạo được gắn kết vào trái tim nhân tạo sẽ hỗ trợ chức năng cho quả tim của anh đang bị giãn cơ tim giai đoạn cuối.

Được biết, việc ghép tim nhân tạo bán phần hiện nay được thực hiện nhiều và thành công nhất là ở Mỹ, vài năm gần đây nước này tiến hành cấy ghép khoảng vài trăm ca. Nhật Bản là quốc gia tiến hành thành công ghép tim nhân tạo bán phần nhiều nhất ở châu Á.

Việc thực hiện kỹ thuật y học ghép tim nhân tạo bán phần ở các nước trong khu vực Đông Nam Á còn ít, chỉ mới có một số ít quốc gia thực hiện được như Singapore, Malaysia, Việt Nam… Chi phí để tiến hành một ca ghép tim nhân tạo bán phần là rất lớn, trường hợp anh Hoàng Quốc Biên được chọn đối với anh đúng là giấc mơ trở thành sự thật. Bởi, anh Biên là trường hợp bệnh nhân được ghép tim nhân tạo bán phần nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Bộ Khoa học-Công nghệ đầu tư và Bộ Y tế cho phép, do đó anh Biên được miễn hoàn toàn chi phí phẫu thuật.

Người duy nhất ở Việt Nam cắm sạc điện vào tim để sống ảnh 3

Thiết bị hỗ trợ tim này trở thành vật bất ly thân với anh Biên.

Cuộc sống khác bên triền cát

"Từ khi ghép xong tim tui về nhà phải chấp nhận sống một cuộc sống khác. Mới 40 tuổi mà đời tui trải qua ba giai đoạn sống. Trước khi bị bệnh tim mình cũng như nhiều người khác xứ này, cứ vào bờ lại muốn ra biển đánh bắt tôm cá. Khi bị bệnh đánh gục chỉ nghĩ đến cái chết thì may mắn được cứu sống. Giờ được cứu sống thì hàng ngày lại phải kè kè bên mình cái máy sạc điện cho tim, khi ăn, khi ngủ, khi tắm cũng phải mang nên cũng phiền toái lắm…" - Hoàng Quốc Biên tâm sự.

Từ khi được ghép tim nhân tạo bán phần, anh Biên về nhà không còn bị những cơn đau tim hành hạ. Anh ăn uống, ngủ, nghỉ bình thường. Tuy nhiên trong câu chuyện với chúng tôi, anh thường nhắc tới sự phiền toái, rất khó chịu vì suốt ngày cứ phải mang kè kè bộ cắm sạc bên hông. Được biết, sau khi phẫu thuật thành công, anh Biên được trang bị thiết bị sạc điện để cắm vào người duy trì sự sống cho anh.

Thiết bị anh Biên đang sử sụng có xuất xứ từ Mỹ và trị giá lên đến cả tỉ đồng. Thiết bị hỗ trợ tim này có 4 cục pin, mỗi cục pin chỉ sạc được khoảng 500 lần, và dùng từ 4-6 giờ lại phải thay pin khác. Chính vì vậy để tiết kiệm pin, anh Biên rất ít khi rời khỏi giường, anh nằm để cắm dây sạc điện trực tiếp vào người cho đỡ tốn pin.

Thiết bị anh mang có tác dụng như một máy bơm phụ đẩy dòng máu lưu chuyển đi khắp cơ thể. Nếu nguồn điện bị ngắt, thiết bị này ngừng hoạt động và anh sẽ chết bởi trái tim không thể đập được. Vì vậy, đi đâu, làm gì anh cũng phải mang theo chiếc túi đựng 2 cục pin để cung cấp điện cho tim.

Từ khi ghép tim về đến nay, anh Biên không thể làm được việc gì để phụ giúp gia đình. Giờ thì cháu Hoàng Quốc Giới (con trai đầu anh Biên) học đến lớp 9 phải nghỉ học để thay cha cáng đáng việc gia đình. Vợ chồng anh sinh được 3 đứa con, chị Ngô Thị Dương (vợ Biên) cũng nay ốm mai đau, và cuộc sống của những người phụ nữ vùng biển nơi đây cũng chẳng thể tìm được công việc ổn định, vì vậy cuộc sống của gia đình Biên càng rơi vào túng bấn. Nhìn trước, ngó sau khắp lượt căn nhà của anh chúng tôi chẳng tìm thấy thứ gì đáng giá.

Nói là nhà, nhưng nơi vợ chồng con cái anh Biên đang ở cũng chỉ là căn nhà tạm, được xây vội bằng gạch táp lô, mái lợp tôn. Anh bạn đi cùng ghé tai tôi thì thầm: "Kẻ trộm mà đột nhập nhà anh Biên chắc cũng chẳng lấy được vật gì có thể bán được trăm ngàn, trừ cái máy anh đang mang, mà máy đó thì anh luôn mang bên người rồi".

Trước khi tạm biệt gia đình, chúng tôi tặng anh một ít tiền để anh thêm tiền thuốc. GS.TS Bùi Đức Phú nói rằng, sau khi cấy tim nhân tạo bán phần, bệnh nhân vẫn phải tuân thủ chế độ bệnh lý tim mạch, đặc biệt tuân thủ liệu pháp kháng đông (thuốc chống đông máu) như người có van tim nhân tạo. Do đó, dù cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, nhưng anh Biên vẫn phải uống thuốc để có được sự sống.

Những vật dụng trong nhà không còn gì để bán, vì vậy, hàng ngày đứa con trai đầu của anh lại phải đánh vật với sóng biển để đánh bắt tôm, cá đem bán lấy tiền duy trì cuộc sống cho cha.

"Ai chẳng tham sống, sợ chết, nhưng mình sống mà nhìn vợ con đã cực khổ lại càng cực khổ hơn vì mình, nhiều khi tui cũng chẳng thiết sống nữa. Nhưng nghĩ vậy, chứ có dám cho vợ con biết mô, bởi tui biết tui không còn là trụ cột để lo cuộc sống cho gia đình, thì cũng phải cố gắng sống vui vẻ để làm chỗ dựa về tinh thần cho vợ con" - Hoàng Quốc Biên lau vội nước mắt nói vậy với chúng tôi.

Việt Nam lần đầu được ghi tên vào bản đồ ghép tim thế giới

Hội nghị Ghép tạng thế giới tại Sanfrancisco (Mỹ) từ ngày 26 đến 31/7/2014, GS.TS Bùi Xuân Phú đã được mời tham dự. Tại hội nghị, các chuyên gia quốc tế đã ghi nhận Việt Nam là quốc gia được ghi tên trong bản đồ ghép tim của thế giới, trong đó Bệnh viện Trung ương Huế được xem là địa chỉ nổi bật của Việt Nam. Được biết, điều trị suy tim hiện nay đã hình thành 4 phương pháp điều trị cơ bản là: điều trị nội khoa, ngoại khoa, cấy các dụng cụ nhân tạo để hỗ trợ tim và ghép tim. Và Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện có hiệu quả cả 4 phương pháp nói trên để điều trị suy tim giai đoạn cuối.

Theo Dương Sông Lam

Theo An Ninh Thế giới
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.