Sóng gió bạn chài - Bài cuối:

Người già đi biển

Tàu vỏ thép hiện đại thu hút được các ngư dân trẻ.
Tàu vỏ thép hiện đại thu hút được các ngư dân trẻ.
TP - Tại một số làng chài, ngư dân lên tàu chỉ toàn cỡ tuổi 40 trở lên. Những thanh niên trẻ ở làng chài lớn lên, nhiều người đã quay lưng lại với nghề biển và đương nhiên chọn nghề khác để mưu sinh. Chỉ có ít gia đình cha truyền con nối vẫn giữ nghề truyền thống. Nguyên nhân biển thiếu ngư dân còn do nhiều chủ tàu không công khai sản lượng đánh bắt và ăn chia không sòng phẳng.

Chia hay cho?

Tại cầu cảng Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tàu QNg 27642 cập vào bán cá. Ngư dân Đỗ Hồng Bảo và các ngư dân đi bạn phân công nhau xúc cá, rửa hầm. Thuyền trưởng ngồi bên cạnh tàu cùng với chủ nậu ghi chép số lượng cá vào 2 cuốn sổ tay. Việc ghi chép và thông báo giá cá được thực hiện công khai để tạo tâm lý thoải mái cho ngư dân đi bạn. Thực tế, không phải tàu cá nào cũng công khai như vậy, nên ngư dân đi bạn trên nhiều tàu nản chí vì ăn chia không sòng phẳng.

Ngư dân Nguyễn Châu Muôn (quê ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) ngồi thở dài khi nói về chuyện ăn chia. Gia đình anh Muôn từ Quảng Ngãi vào Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) thuê một căn nhà cấp 4 để trụ lại làm ăn. Anh Muôn đi bạn trên tàu đánh bắt bằng nghề giã cào. Cứ đánh được vài ngày thì tàu hậu cần ra chở cá vào bờ, tiếp thêm dầu và đá lạnh. Số tàu xuất vào bao nhiêu, tiếp thêm bao nhiêu tiền dầu, các chi phí khác… ngư dân hầu như mù tịt.

Anh Muôn ước tính “nếu phủ bì, có nghĩa là tính tất cả các khoản chi phí thì một cặp tàu giã chi phí gần 30 triệu đồng/ngày đêm. Nhưng có tàu đánh một phiên kiếm được 1,9 tỷ đồng, trừ đi thì còn rất nhiều tiền chia. Nhưng khi tới ngư phủ, bạn tàu là họ trừ hết. Anh cho biết “nếu chủ tàu ăn chia sòng phẳng thì tụi em giàu rồi chứ không phải nghèo như thế này”.

Mỗi địa phương, mỗi nghề biển thực hiện cách chia khác nhau. Nghề giã cào, chủ tàu có trong tay toàn bộ phương tiện và lưới. Ngư dân chỉ bước lên tàu lao động, không đóng góp lưới. Vì vậy, sau khi trừ phí tổn, chủ tàu hưởng 50%, còn lại chia đều cho các ngư dân đi bạn. Nhưng các ngư dân phàn nàn không nắm được việc bán cá bao nhiêu, giá cả ra sao, dầu mỡ còn bao nhiêu, hết bao nhiêu?

Trải bia, đón bạn

Để kiếm đủ bạn chài đi biển, các chủ tàu thường chỉ có 3 cách. Đó là cho mượn tiền, cho ăn nhậu để kết thân và cố gắng làm biển hiệu quả để tạo dựng thương hiệu. Trong 3 cách này thì phương pháp thứ 3 là bền vững nhất. Hữu xạ tự nhiên hương, tàu cá có tiếng tăm thì bạn chài các nơi đến xin cho đi bạn, thuyền trưởng chỉ việc “coi giò”, xem ngư dân nào hiền lành, có sức khỏe, dễ sai bảo, cần cù thì cho lên tàu.

Trên con đường nắng chang chang dẫn xuống xã Bình Chánh huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi có một lão ngư khật khưỡng hơi men và giao tay lái xe máy cho vợ. Tháng 6, đang vào mùa mực câu. Khắp xóm thơm lựng mùi mực, mùi dầu rái trét thúng đi câu. Các ngư dân địa phương nhìn theo và cho biết, đó là chủ tàu đã nhậu láng cả thùng bia để rủ bạn đi lưới rút. Để tuyển bạn cho tàu, các chủ tàu không phải chỉ bỏ tiền, mà còn phải uống bia cực tốt, nhậu nhẹt la đà thì mới kéo được bạn chài.

Bà Sự, vợ một ngư dân ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho biết, để có bạn thì mình cứ chạy tới chạy lui gặp họ 2-3 lần. Mỗi lần tới là kéo một thùng bia, rồi kêu bạn nó tới nói chuyện cho vui. Uống vô rồi mới nói nó hứa cho chắc. Gần tới ngày chạy biển thì điện thoại hỏi thăm dò. Nếu thấy nó không nhiệt tình thì tới kéo bia uống tiếp, uống nát bao tử rồi thì mới có bạn xuống đủ tàu.

Việc tuyển bạn xuống tàu sẽ vô cùng khó khăn đối với những tàu làm ăn có mức thu nhập trung bình, mỗi năm bạn chài đi biển kiếm được 50 – 60 triệu đồng. Còn đối với các tàu đánh bắt khá, bạn chài được chia phần 80 – 120 triệu đồng/năm thì đôi khi bạn chài sẽ tự tìm đến. Chủ tàu chỉ việc lựa chọn. Tàu cá của ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt, Nguyễn Văn Lung ở xã Bình Chánh huyện Bình Sơn, tàu Huỳnh Luận ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), là phương tiện làm ăn khá nên tuyển được nhiều bạn chài giỏi.

Bên cạnh đó, danh tiếng của làng chài cũng là yếu tố thu hút được ngư dân đi bạn. Ở làng chài Ghành Cả xã Bình Châu, chủ tàu chỉ cần điện thoại là có thể tuyển được bạn ở các tỉnh Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên. Theo các ngư dân, địa phương này thiếu hụt khoảng 40% ngư dân đi bạn. Nghề lặn đêm đòi hỏi phải nắm bắt tốt về kỹ thuật. Tuy nhiên, ngư dân đi bạn có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cách ăn chia của chủ tàu khá công khai và sòng phẳng nên ngư dân tự tìm đến xin đi biển.

Tàu hiện đại thu hút ngư dân  

Tại cửa biển xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), mấy ngư dân già đang ngồi vá lưới. Ông Anh, một ngư dân địa phương cho biết, ở đây lớp trẻ đều đi học và làm nghề khác hết. Toàn bộ ngư dân xuống ghe đi biển chỉ còn từ 50 tuổi trở lên. Ngư dân trẻ nhất, gọi là có sức khỏe thì đã là U40. Ở Quảng Ngãi, cửa biển Đức Lợi làm ăn thất bát nhất, nên hết thế hệ này e không còn người đi biển nữa. 

Người già đi biển ảnh 1

Thuyền trưởng Nguyễn Út (phải) ở Phước Tỉnh kể về tình hình thiếu ngư dân đi bạn.

Tại các cửa biển ở tuyến thành phố như Đà Nẵng thì tình trạng ngư dân đi biển đang bị già hóa, không khác cửa biển Đức Lợi của Quảng Ngãi. Nhiều tàu cá chỉ có người già và ngư dân trên 40 tuổi. Làm nghề biển trên tàu xa bờ, khoảng 55 tuổi là ngư dân bắt đầu tính tới chuyện nghỉ ngơi và giao tay lái cho con cháu. Vì khi ra biển đòi hỏi phải có sức chịu đựng, không đau ốm vặt, có thể thức trắng đêm và lao động với cường độ cao. Các thuyền trưởng ở Đà Nẵng cho biết, có tàu thiếu tới nửa số ngư dân đi bạn. Vì lớp trẻ có kiến thức thích chọn nghề bờ, an toàn và cơ hội thu nhập cao hơn. Nếu phải đi tàu, họ thường chọn tàu đánh bắt hiện đại, có hiệu quả kinh tế, ăn chia rõ ràng.

Hiện nay, một số tàu cá vỏ thép được đóng bằng nguồn tín dụng theo Nghị định 67 đang thu hút được các ngư dân trẻ chọn nghề biển và nối nghiệp cha, anh. Tàu vỏ gỗ chật hẹp, chỗ ngủ cũng là nơi dọn ăn, là đường đi. Trên tấm phản đó luôn nhớp nháp mùi cá. Ngư dân phải lăn ra ngủ hàng tháng trời trong phiên biển dài ngày. Còn tàu vỏ thép được một số chủ tàu tổ chức nề nếp và vệ sinh. Ngư dân khi vào khoang không được mang dép. Rửa sạch tay, chân trước khi vào giường nghỉ. Sáng sớm ngư dân có thể ngồi quây quần làm chén trà, cà phê nóng ở hành lang trước ca bin.

Ông Phan Huy Phúc, phụ trách thủy sản xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho biết, địa phương có 960 tàu cá công suất lớn. Chủ tàu rất chật vật mới kiếm đủ bạn. Ước tính ngư dân đi bạn thiếu hụt khoảng 20%. Mỗi mùa biển thì chủ tàu phải xuất ra hàng trăm triệu để ứng trước cho bạn ăn tết, đưa cho vợ con ở nhà.

Sau mỗi lần chia tiền, các ngư dân đi bạn lại trở về với khuôn mặt ỉu xìu và câu nói cửa miệng “chia hay là cho”. Anh Thủy, quê ở Quảng Nam và nhiều ngư dân khác cùng chung một ý kiến: “Chừ tụi trẻ không muốn đi biển vì cực nhọc, hiểm nguy nhưng khi chia thành quả không sòng phẳng. Nếu nghề biển hiện đại thì chủ tàu phải ký hợp đồng với ngư dân rồi mới đi biển”.

MỚI - NÓNG